Cả họ làm du lịch

11:06, 18/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dòng họ Bùi ở đảo Bé (Lý Sơn) có 15 hộ gia đình, thì cả thảy đều làm du lịch. Những cư dân sống bằng nghề trồng hành tỏi, đánh bắt gần bờ ngày nào, giờ trở thành tài xế xe điện, thuyền trưởng ca nô, chủ homestay, hướng dẫn viên du lịch thuần thục...

TIN LIÊN QUAN

Từng được ví như  hòn đảo “mồ côi” giữa trùng khơi, nhưng nay khi vẻ đẹp hoang sơ của đảo được đánh thức, hòn đảo nhỏ bé, rộng hơn nửa cây số vuông này lúc nào cũng nườm nượp du khách tìm về. Người họ Bùi trên đảo Bé vì vậy cũng tỏ ra khá nhạy bén, khi bắt tay vào làm du lịch và trở thành những cư dân địa phương đầu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch trên đất đảo.

Tàn tật cũng làm được du lịch

Khi ca nô vừa cập cầu cảng đảo Bé, một đoàn xe điện đã nối đuôi nhau đứng chờ. Đứng lẫn trong dòng xe ấy là Bùi Huệ, ngư dân không may bị bại liệt sau một lần lặn biển cách đây 16 năm, nay đan ngồi vững chãi trên chiếc xe điện chuyên dụng dành cho người tàn tật, nhưng có thêm băng ghế sau, để có thể chở thêm 2-3 người.

Bị liệt cả hai chân, nhưng ngư dân Bùi Huệ vẫn nhạy bén tham gia làm dịch vụ lái xe điện phục vụ du khách đến đảo Bé.  ảnh: ý thu
Bị liệt cả hai chân, nhưng ngư dân Bùi Huệ vẫn nhạy bén tham gia làm dịch vụ lái xe điện phục vụ du khách đến đảo Bé.


Cuộc đời của Bùi Huệ, là một câu chuyện dài về một chàng trai ý chí, nghị lực, không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Khi đôi chân không còn đi lại được nữa, anh đã huấn luyện những chú chó kéo xe lăn để thay đôi chân của mình. Khi không còn đi biển được nữa, anh đã chuyển sang đang lưới và nuôi cua đá, một loài cua vốn sống hoang trên đảo mà trước Huệ, chưa ai nghĩ đến việc nuôi nó để mưu sinh. Và giờ, khi hòn đảo “mồ côi” năm nào trở thành đảo du lịch, người ngư dân tật nguyền ấy lại chớp lấy cơ hội, chuyển hướng từ nuôi cua đá sang làm tài xế xe điện. “Nuôi cua đá vụ được, vụ mất. Còn chạy xe điện, thì cứ đều đều mỗi ngày bỏ túi từ 100 – 300 nghìn đồng”, Huệ khoe.

Hoàn thành xong chuyến xe chở khách từ cầu cảng về bãi sau, Huệ lấy tiền công chở hai mươi nghìn đồng. “Hai mươi” chứ không còn là “hơi mươi” đặc sệt giọng Lý Sơn như trước. Anh Huệ bảo, tôi đang sửa giọng dần dần, chứ nói rặt giọng đảo, du khách cứ hả, hử không nghe...
 

"Tâm huyết thành lập một công ty do chính người dân “bản địa” làm chủ để cùng mọi người làm du lịch theo cách bài bản, quy củ hơn... nên tôi mới cùng mọi người trong họ bàn bạc, thành lập nên công ty. Ngay cả tên công ty cũng là vì tôi mong muốn tất cả con cháu trong dòng họ cùng đoàn kết, yêu thương, gắn bó nhau".
Anh BÙI THÀNH - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ & Công nghệ Bùi Gia

Làm cầu đón du khách

Đảo Bé trở mình. Người đảo Bé cũng nhạy bén chớp lấy cơ hội để bắt kịp nhịp đời. Không chỉ người tàn tật như anh Huệ còn làm được du lịch, mà ngay cả người thuộc hàng “cây cao bóng cả” nhất đảo Bé là cụ Bùi Đình Công (hay còn gọi là Bùi Hoàng), dù đã bước sang tuổi 82, nhưng vẫn không ngại khởi nghiệp làm du lịch bằng cách dựng “cây cầu du lịch”.

“Thấy mấy đứa nhỏ tới đây, ưng qua bãi đá trầm tích ngoài biển quá mà không lội qua được. Tui mới nghĩ cách làm cây cầu gỗ nối từ bờ ra bãi đá để mọi người ra được ghềnh thăm thú, chụp hình”, cụ Hoàng cười khà khà kể. Mỗi người khách ghé thăm, cụ Hoàng chỉ thu về 5.000 đồng. Nhưng góp nhặt cả ngày, “cây cầu du lịch” giúp hai vợ chồng cụ kiếm được hơn 100 nghìn đồng, số tiền đủ để hai cụ trang trải cuộc sống hằng ngày.

Con gái cụ là Bùi Thị Thuyền cũng nhờ vào cây cầu gỗ mà mở thêm được dịch vụ nước giải khát đi kèm bán cho du khách. Số tiền kiếm được mỗi ngày từ mấy mươi ly nước mía, chai nước rong biển ướp lạnh... giúp chị Thuyền và con gái có cuộc sống ổn định và đỡ vất vả hơn so với những ngày tháng trần mình dưới cái nắng chói chang ngoài ruộng hành, ruộng tỏi.

40 chiếc thuyền thúng của những cư dân họ Bùi, Đặng, Võ trên đảo Bé được mọi người tự giác đánh số thứ tự, phân chia công việc chứ không tranh giành hay chèo kéo khách.
40 chiếc thuyền thúng của những cư dân họ Bùi, Đặng, Võ trên đảo Bé được mọi người tự giác đánh số thứ tự, phân chia công việc chứ không tranh giành hay chèo kéo khách.


Hai vợ chồng già, rồi con cháu đều có được thu nhập, nhưng điều làm cụ Hoàng vui hơn nữa là kể từ khi có cầu, không khí ở cái xóm lèo tèo vài nóc nhà chỗ ông trở nên tấp nập, đông vui hẳn. “Hồi xưa, tụi tui thèm gặp người lắm. Bởi họa hoằn lắm mới có vài người tạt vào đảo. Vậy nên giờ, ra vào chạm mặt người, tự dưng lòng cứ vui vui lạ...”, ông Hoàng vui kể.
 

10 năm “góp nhặt” tên miền về Lý Sơn

Trong 10 năm qua, anh Bùi Đạt (sinh năm 1984), một người con của đảo Bé, dù đã vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm và tự bỏ tiền túi mua lại những tên miền như daolyson.com, dacsanlyson.com, dulichlyson.com, toilyson.net, lysontourist.com... Anh Đạt cho biết, có nhiều cách để thể hiện tình yêu quê hương, và một người làm ở lĩnh vực công nghệ thông tin như anh lựa chọn cách sở hữu các tên miền này, để lưu giữ, đăng tải, quảng bá về đất, người, đặc sản Lý Sơn.

Mỗi người một việc, cả đảo đều vui

Họ Bùi trên đảo Bé có 15 hộ, thì hộ nào cũng có người làm du lịch. Người thì mở homestay, người sắm xe điện; anh Bùi Sanh chèo thúng đưa khách đi lặn san hô, còn anh Bùi Cường mở dịch vụ ăn uống, giải khát. Anh Diễn trong họ thì lái ca nô chở khách từ đảo Lớn ra đảo Bé, còn anh Bùi Thành, Bùi Tiến Dũng lại mở doanh nghiệp kinh doanh du lịch...

Chuyện cả họ Bùi làm du lịch trên đảo Bé không chỉ là chuyện làm ăn của một dòng họ, mà là chuyện của mọi người, mọi nhà. Bởi đảo Bé chỉ có mấy mươi nóc nhà, nên hầu như nhà nào cũng là họ hàng, hoặc thông gia với nhà kia. Ở với nhau từ thời đảo Bé chưa có điện, chưa có nước, buồn tẻ, cực khổ đến mức có can nước mưa cũng chia đôi, rồi chén gạo cuối trong thùng cũng sẻ nửa trong mùa biển động.

Vậy nên giờ, khi biển cả không còn là thứ cản trở, nhịp sống trên đảo đã ít nhiều đổi thay, cũng là lúc cư dân của ba họ tộc chính trên đảo là họ Bùi, họ Đặng, họ Võ bắt tay cùng nhau làm du lịch cộng đồng, để thực hiện giấc mơ biến hòn đảo buồn tẻ năm nào, trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa, để mỗi cư dân ở đảo Bé ai cũng có việc làm và thu nhập khấm khá. Và câu chuyện ly hương như những năm trước đây sẽ không còn nữa (đảo Bé có 517 nhân khẩu, nhưng chỉ còn lại 300 người bám trụ tại đảo-PV). Tất cả là nhờ vào du lịch.

“Người dân trên đảo sống chia sẻ cùng nhau, không toan tính, vụ lợi. Ngay cả khi kinh doanh, mọi người cũng nhường nhịn, giúp đỡ nhau chứ không có tình trạng chèo kéo khách, hay phá giá, cãi vã”, Phó trưởng Công an xã An Bình Võ Minh Quang nhận xét.

Bước sang tuổi bát tuần, nhưng cụ Hoàng ở đảo Bé vẫn nhạy bén làm
Bước sang tuổi bát tuần, nhưng cụ Hoàng ở đảo Bé vẫn nhạy bén làm "chiếc cầu du lịch" để thu hút khách.


Chưa có tổ, đội quản lý dịch vụ du lịch, nhưng các hộ dân của ba họ chính trên đảo là họ Bùi, họ Đặng, họ Võ ở đảo Bé tự bàn luận, thống nhất chia số thứ tự cho 22 chiếc xe điện và 40 chiếc thuyền thúng. Rồi cứ thế hằng ngày tự rạch ròi công việc cho nhau, chứ chẳng có ai lớn tiếng tranh giành. Riêng tài xế Bùi Huệ, vì là người tàn tật duy nhất tham gia làm dịch vụ, du lịch; nên được mọi người ưu ái hơn hẳn. "Không xuống xe mời khách được, nhưng xe tôi chẳng bao giờ ế, phần vì khách thương cảm, phần vì các anh em nhường nhịn, giới thiệu khách đến tận xe giúp mình", anh Huệ cảm động kể.

“Kéo” được du khách về với đảo, nhịp sống trên đảo trở nên nhộn nhịp hơn. Đã có một công ty du lịch khai trương, hoạt động tại đảo này do chính người dân “bản địa” làm chủ. Từ homestay đầu tiên của chị Đảnh, giờ đảo Bé cũng đã có gần 10 homestay. Nhiều người dân địa phương vừa chăm ruộng hành, ruộng tỏi, vừa hiền hòa làm “hướng dẫn viên” đưa khách đi tham quan đảo. Số lượng quán ăn, quán nước giải khát phục vụ khách ngày càng tăng...

Biển không còn cách trở.  Không khí trên đảo đang đổi thay từng ngày. Nhưng nếp sống chất phát, thật thà của những con người nơi đó vẫn vẹn nguyên như cũ. Minh chứng là những ngôi nhà ở đảo Bé, trước kia chẳng bao giờ đóng cửa, giờ cũng không; thản nhiên để xe máy dựng ngoài sân với chìa khóa để nguyên trong ổ và khi du khách hỏi mượn, người đảo Bé liền gật đầu cái rụp, chẳng chần chừ...


Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.