Người xứ biển vượt sông làm nông

07:05, 05/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chẳng ai nhớ làng mình cày cấy ở vùng đất ấy từ bao giờ nữa. Họ chỉ biết tường tận rằng, sáng nay phiên ai chèo đò; lúa, rau màu còn bao nhiêu ngày nữa mới cho thu hoạch. Cuộc sống của người dân xứ biển dựa vào xứ đồng ở vùng đất khác cách làng một con sông, cứ mỗi ngày trôi qua lại đầy ắp những câu chuyện thú vị.

Làng chài An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) mỗi khi vào mùa vụ, ban ngày gần như chỉ còn người già và trẻ con. Cả làng mỗi người một việc. Người đi biển, người vượt sông Vệ sang cánh đồng thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) chăm sóc gần chục hecta lúa và hoa màu sắp cho thu hoạch...

Qua sông làm ruộng      

Mùa này, gió từ sông Vệ thổi lên mát rượi. Con đò nhỏ neo ở mép sông nhẹ tênh cứ dập dềnh theo con nước. Ông chèo đò tên là Lê Huấn ngồi dưới gốc bạch đàn trên con đê Nghĩa Hiệp như chỉ đợi có người nào đó gọi "đò ơi"... Nửa buổi chiều, ít người qua sông. Ông Huấn rảnh rang hàn huyên bao câu câu chuyện về làng biển của mình đi làm nông ở xứ đồng khác.

Cánh đồng Thế Bình của người dân làng chài An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) canh tác.
Cánh đồng Thế Bình của người dân làng chài An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) canh tác.


Ở tuổi 60, gần như quãng thời gian ấy, mùa nào ông Huấn cũng từ An Mô vượt sông Vệ sang cánh đồng Thế Bình. Lúc nhỏ theo cha mẹ, lớn theo người làng và giờ ông là người đưa đò cho cả làng mình sang sông gieo cấy. Ông Huấn bảo: "Nếu làng mình mà không có gần chục hecta đất màu mỡ ở Thế Bình thì làm gì có gạo no đủ quanh năm. Lấy đâu dư dả mà cho con cái ăn học!". Ông Huấn nhớ lại những ngày cha mẹ, ông  bà mình khai phá, mở đất. "Lau lách cao vượt đầu người. Bứng một cây lách lên thì gieo vài hạt lúa xuống. Dần dần, cả vùng lau lách bị khuất phục bởi bàn tay con người. Một người vượt sông đi khai khẩn, có lúa gạo, người kia làm theo. Và cánh đồng Thế Bình vì thế mà hình thành", ông Huấn trầm ngâm nhớ lại chuyện cũ.
 

"Đôi chân" của người làng

Ở xứ biển An Mô, xã Đức Lợi, ông Huấn được ví như "đôi chân" của người làng. Bởi ngày mùa, cả làng bận rộn với việc chở lúa, chở rau về nhà. Vì vậy, có hôm ông Huấn phải chèo đò đưa người làng vượt dòng sông Vệ từ tờ mờ sáng đến tận chiều tối. Mệt, nhưng hễ có ai muốn qua lại trên sông là ông lại hăm hở đưa người qua sông.

Từ làng biển An Mô đến cánh đồng Thế Bình có hai cách. Một là đi theo con đường nhựa ngoằn ngoèo từ An Mô ra xã, lên cầu Sông Vệ, rồi ngoặt phải xuôi về Nghĩa Hiệp, độ dài ngót nghét 20km. Nhưng chẳng ai trong làng chọn con đường này để đi đến ruộng cả. Ông Lê Hùng, người dân làng An Mô nói rằng: "Đi thế nó vừa xa, vừa mệt mà khi vận chuyển lúa, hoa màu cũng vất vả, tốn kém. Cả làng ai cũng chọn cách đi tắt cho thuận". Cách đi "tắt" của ông Hùng có nghĩa là ra bến sông, lên đò qua dòng sông Vệ, vừa gần, ít tốn thời gian mà khi chở lúa, chở rau về cũng không tốn nhiều chi phí thuê xe cộ.

Cánh đồng Thế Bình năm nào cũng cho năng suất cao nhất, nhì ở vùng này. Lúa thì phải 60 tạ/ha. Còn rau màu cho thu nhập có khi lên đến vài ba trăm triệu/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Bính, một trong những người làm ruộng lâu đời nhất ở đây, cho biết: "Vùng đồng này là bãi bồi phù sa. Mùa lũ thì lo lắm, nhưng lũ qua là đồng lại tốt tươi. Gia đình nào có vài sào ruộng là đủ lúa ăn quanh năm. Nhà nào làm vài sào rau là có chi tiêu rủng rỉnh 12 tháng. Ở vùng biển mà dân có ít diện tích làm đồng thế này là quý lắm, nên rất biết ơn ông bà tổ tiên ngày xưa khai khẩn".

Chèo ghe chở rơm rạ vượt sông Vệ về làng chài An Mô (Đức Lợi, Mộ Đức).
Chèo ghe chở rơm rạ vượt sông Vệ về làng chài An Mô (Đức Lợi, Mộ Đức).


Có vùng đồng ruộng Thế Bình, chuyện lương thực của hàng trăm hộ dân An Mô đảm bảo bền vững. Mỗi gia đình ở An Mô hầu như đều đang "chân đồng, chân biển". Chồng đi biển, vợ làm đồng. Và dù thế, vượt sông sâu để đi làm đồng của người dân An Mô sẽ còn song hành với cuộc sống của họ.
 

"Vùng đồng này là bãi bồi phù sa. Mùa lũ thì lo lắm, nhưng lũ qua là đồng lại tốt tươi. Gia đình nào có vài sào ruộng là đủ lúa ăn quanh năm. Nhà nào làm vài sào rau là có chi tiêu rủng rỉnh 12 tháng. Ở vùng biển mà dân có ít diện tích làm đồng thế này là quý lắm, nên rất biết ơn ông bà tổ tiên ngày xưa khai khẩn".
Lão nông NGUYỄN VĂN BÍNH

Tổ chống đò An Mô

Chính vì cùng làm trên một cánh đồng và phụ thuộc vào đò vượt sông, nên mỗi chuyến đi làm đồng ở An Mô luôn náo nức, đông vui. Họ xuất bến cùng lúc và rời cánh đồng Thế Bình cũng cùng một lúc. Từ lúa, rau nhà ai bị sâu bệnh, rồi chuyện con cái học hành, đến nuôi bò, heo, gà... họ đều chia sẻ với nhau trong lúc ngồi đò qua ruộng.

Để thuận lợi cho việc đi làm đồng, làng An Mô đã thành lập tổ chống đò 6 người. UBND xã Đức Lợi mấy năm nay bỏ kinh phí sắm cho An Mô một chiếc đò đảm bảo an toàn và giao cho tổ chống đò bảo quản, khai thác. Bởi thế, khi vào phục vụ ở tổ chống đò không chỉ là người biết chèo mà còn là người biết sửa chữa đò nữa. Ông Huấn là thành viên lớn tuổi nhất của tổ. Ông Huấn bảo: "Từ hồi giờ chưa có tai nạn nào xảy ra khi chèo đò qua sông đi làm đồng cả!".

Rồi ông Huấn kể về chuyện thu nhập của nghề chèo đò: "Không thu tiền theo chuyến mà cứ thu trên mỗi đầu sào lúa. Cứ 12kg thóc/sào trong một mùa kéo dài 3 tháng. Nhà nào có nhiều ruộng thì phải chịu phí cao. Bình quân tôi thu nhập 500.000 đồng/tháng. Không nhiều, nhưng quen việc, giúp được dân làng nên dù thu nhập ít ỏi, vẫn cứ vui mà làm".

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).


Bây giờ, ông Huấn muốn nghỉ ngơi vì đã có tuổi, nhưng chẳng ai muốn vào làm ở tổ chống đò này, vì thu nhập quá thấp. Nhưng nếu tăng mức thu thì tội người nông dân, mà không tăng thì chẳng ai muốn làm cái nghề chèo đò vất vả này. Đó là nỗi băn khoăn của ông Huấn khi tuổi mỗi ngày một cao, không còn giúp được dân làng mình chèo đò vượt sông đi làm ruộng nữa...

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 




 


CÁC TIN KHÁC
.