Học sinh đồng tính và nỗi đau bị kỳ thị

08:04, 08/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, có những học sinh khi sống thật với chính mình đã phải hứng chịu những cái nhìn miệt thị. Đó là nỗi đau của những học sinh đồng tính.

Tôi đã gặp rất nhiều học sinh đồng tính. Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng nỗi đau chung nhất là sự buồn tủi, đơn độc mà không dám thổ lộ với bất kỳ ai, ngay cả với những người thân yêu nhất trong gia đình.

Đơn độc tìm chính mình

Tôi hẹn gặp hai em N đang học trung học phổ thông ở huyện Nghĩa Hành tại một quán cà phê. Vừa bước vào quán, hai em đã thu hút sự chú ý của nhiều người trong quán. Vừa chào tôi dứt câu, N ngậm ngùi nói: “Tụi em quen rồi. Họ nhìn tụi em và im lặng như thế là may, chứ nhiều lúc người ta bàn tán, dè bỉu ra mặt”.

 Hai em N và N.A cơ thể là nữ, nhưng có xu hướng tình cảm đồng tính, nên cắt tóc ngắn, mặc đồ như nam giới để sống đúng với bản thân mình.
Hai em N và N.A cơ thể là nữ, nhưng có xu hướng tình cảm đồng tính, nên cắt tóc ngắn, mặc đồ như nam giới để sống đúng với bản thân mình.


Cả N và N.A đều là nữ, nhưng “bản ngã” của N là người song tính, còn N.A là les (đồng tính nữ). Dù sinh ra cơ thể là nữ, nhưng cả hai đều mong muốn mình là nam và chỉ có tình cảm với các bạn gái. Chia sẻ quá trình hiểu về bản thân, N thỉnh thoảng lại ngước nhìn lên như phần nào cố gắng ngăn đi dòng nước mắt. N sinh ra trong một gia đình thuần nông, khác với các chị gái của mình, từ nhỏ em đã thích chơi các trò chơi dành cho con trai như siêu nhân, ôtô và không thích để tóc dài, mặc váy... “Lúc học cấp 1, em không hiểu tại sao mình lại có những sở thích kỳ quặc, khác các bạn nữ đến vậy. Mãi cho đến năm lớp 8, lúc bắt đầu dậy thì, em có xu hướng thích các bạn nữ, khi đó em mới bắt đầu tìm hiểu về bản thân”, N kể.

Không thể chia sẻ cùng gia đình, N tự lên mạng tìm hiểu, mua sách báo viết về LGBT (cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới) để đọc. Vẫn không dám chắc về bản thân mình, N hỏi thăm những người có chuyên môn, hoạt động trong các tổ chức người đồng tính ở Đà Nẵng để hiểu thêm về cách nhận diện bản dạng giới. Lúc nhận dạng ra mình là người song tính, thiên về nam, N đã hoang mang và dằn vặt bản thân trong một thời gian dài. N tâm sự: "Lúc đó, em bế tắc và trầm cảm.

Em không hiểu bản thân mình tại sao lại như thế, em sợ đối mặt với gia đình, bạn bè và thầy cô. Mỗi khi nghe ai nhắc đến "bê đê", "bóng"... em lại sợ hãi tột cùng, sợ mình bị kỳ thị, vì không giống ai". Mất một thời gian dài để N chấp nhận bản thân và thể hiện con người thật của mình. Năm học lớp 10, N cắt tóc ngắn và mặc đồ như nam giới. “Chuyện để tóc dài, mặc váy, mặc áo dài rất khó chịu, khi em muốn được là nam. Điều đó cũng giống như việc một người đàn ông bị bắt mặc váy vậy, thế nên em muốn được sống thật với chính mình, không chối bỏ bản thân”, N chia sẻ.

Nghe N kể chuyện, N.A cũng ngân ngấn nước mắt, bởi em cũng trải qua những ngày dài đơn độc tìm lại chính mình. N.A ngậm ngùi, nói: "Tụi em chỉ được học về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản của nam và nữ, chứ không có phần nào đề cập về người đồng tính. Đa số chúng em đều phải tự tìm hiểu và tự đấu tranh, chấp nhận bản thân. Đó là một hành trình chỉ toàn nước mắt và cô đơn".
 

Đồng tính không phải là bệnh

Trước thế kỷ XX, đồng tính được xem là một căn bệnh, nhưng đến năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ không còn xem đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần nữa. Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người. Theo tổ chức này, đồng tính không phải là một căn bệnh mà là một xu hướng tính dục mang tính tự nhiên (cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái). Thế nhưng, hiện nay ở nước ta sự kỳ thị, phân biệt dành cho người đồng tính vẫn còn nặng nề.

Nỗi đau ít ai thấu hiểu

Hành trình tìm hiểu chính mình của những học sinh đồng tính đong đầy nước mắt, song việc công khai bản dạng giới còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử.  

Em M.N (Tư Nghĩa), tâm sự: “Em là đồng tính nam, nhưng chưa bao giờ dám thể hiện bản thân. Ngày trước, em tâm sự với một số bạn thân trong lớp, nhưng sau đó nhiều bạn chế giễu, từ đó trở đi, em không dám tâm sự với ai về thiên hướng tình cảm của mình".

Theo bạn Lê Thành Đạt-Ban điều hành cộng đồng LGBT tại Quảng Ngãi cho biết, năm 2015 cộng đồng LGBT Quảng Ngãi đã có buổi gặp mặt, với hơn 1.000 người tham gia, trong đó độ tuổi từ 16-22 chiếm gần 90%. “Nếu xã hội không kỳ thị, không định kiến thì những người trong cộng đồng LGBT đều muốn công khai. Việc chia sẻ, công khai là sống thật với bản thân, giúp tinh thần thoải mái hơn. Có nhiều học sinh đồng tính vì sợ bị kỳ thị nên luôn sống trong cảnh sợ hãi, khiến tinh thần bị ức chế, dồn nén lâu ngày sinh ra trầm cảm, tự kỷ”, Đạt chia sẻ.

Hầu hết người tham gia cộng đồng LGBT tự khám phá bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình từ tuổi vị thành niên. Các em không nhận được sự quan tâm, giáo dục từ nhà trường và gia đình lại còn phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử, khiến vết thương lòng càng thêm lớn. Em M.H (Đức Phổ) chia sẻ: "Cơ thể nữ, nhưng bản chất giới là nam, nên em rất ngại mặc áo dài đến trường. Em đã từng viết đơn xin Ban giám hiệu để được mặc đồng phục quần tây, áo sơ mi, nhưng nhà trường không chấp nhận. Thật lòng em chưa đủ dũng cảm để chia sẻ bản chất giới của mình với thầy cô, nên vẫn phải sống với thân phận là con gái. Việc không sống đúng với giới tính thật rất đau khổ".

 Dòng tâm sự của một học sinh trong cộng đồng LGBT.
Dòng tâm sự của một học sinh trong cộng đồng LGBT.


Quá mệt mỏi với nỗi đau dằn vặt, sợ hãi khi phải sống trái với bản thân, trong học kỳ 2 của lớp 11, N.A (Nghĩa Hành) đã tự mặc đồng phục quần tây, áo sơ mi đến trường thay cho chiếc áo dài. Hành động của N.A khiến em bị hạ bậc hạnh kiểm và thường xuyên bị nêu tên trước trường về việc không chấp hành nội quy. Khi hỏi em về việc tại sao không bày tỏ, chia sẻ với thầy cô để được tư vấn, giúp đỡ, N.A vội lau giọt nước mắt, nói: “Em rất sợ thầy cô không hiểu lại mời phụ huynh lên trường. Em là con cả của gia đình, là niềm hy vọng của ba mẹ, nên em rất sợ mọi chuyện sẽ phức tạp thêm. Em đã cắt tóc ngắn, thể hiện cá tính như các bạn nam, nhưng cũng có ai hiểu và chấp nhận đâu”.
Cần đưa kiến thức đồng tính vào trường học

Những năm gần đây, dù xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBT, nhưng định kiến, kỳ thị thì vẫn còn rất nặng nề. “Đồ bệnh hoạn, bê đê, bóng, lạc loài... là những từ mang tính kỳ thị rất đáng sợ của mọi người dành cho những người đồng tính như tụi em. Nhiều phụ huynh còn cấm con họ chơi với tụi em, vì họ cứ sợ bị lây”, N chia sẻ.

Chính vì không được trang bị kiến thức về LGBT, nên mọi người thường quy chụp đó là "bệnh hoạn". Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nghĩa Hành Lê Văn Triều cho biết, hiện nay việc giáo dục về đồng tính không có trong chương trình học và trường cũng không có chuyên viên tâm lý, nên việc hiểu được tâm sinh lý các em học sinh đồng tính rất khó. Đôi khi thầy cô giáo cũng rất ngại mở lời hỏi về giới tính của các em. Theo thầy giáo Lê Văn Triều, nếu giảng dạy chuyên đề về LGBT trong trường học thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình phát triển tâm lý của học sinh đồng tính nói riêng và định hướng cho học sinh toàn trường tư duy đúng đắn về cộng đồng người đồng tính, tránh tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử. Chỉ khi nào được giáo dục, hiểu về LGBT thì mới mong thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội.

Không ai có thể tự lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, vì thế với những học sinh đồng tính, lẽ ra các em phải được sống một cách vô tư, hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa. Hãy mở ra cho các em một môi trường sống, với ánh mắt và nụ cười thân thiện, thay cho sự kỳ thị trước nỗi đau khó nói thành lời mà các em đang hằng ngày phải gánh chịu.

Bài, ảnh: HIỀN THU


 


CÁC TIN KHÁC
.