Thắm đượm tình quân dân

04:03, 03/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong câu chuyện về tình quân dân với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phổ Quang (Đức Phổ), chúng tôi được nghe câu chuyện đầy cảm động về một gia đình ở vùng biển này khi đã và đang giúp đỡ nhiều người lính biên phòng, xem họ như là ruột thịt.

TIN LIÊN QUAN

Cuối tháng 2, cửa biển Mỹ Á (Sa Huỳnh) thưa dần những con tàu, vì hầu hết đã ra khơi đánh bắt. Những người lính ở Đồn Biên phòng Phổ Quang lại xắn tay áo cho công tác trên bờ. Theo lời hẹn từ trước, tôi theo chân Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, thượng úy Lương Văn Vũ và Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, trung úy Phạm Thanh Tuấn đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Bảy (64 tuổi), ở xóm Nam Giáp, thôn An Hội 3, xã Phổ An, cách đơn vị đóng quân hơn 7km. Đây là nơi mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phổ Quang xem đó là "đơn vị dã chiến" và là tổ ấm thứ hai của mình.

Ông Nguyễn Văn Bảy trò chuyện với 2 cán bộ Đồn Biên phòng Phổ Quang.
Ông Nguyễn Văn Bảy trò chuyện với 2 cán bộ Đồn Biên phòng Phổ Quang.


Căn nhà cấp 4 của ông Bảy đã nhuốm màu thời gian. Nhà không quá rộng, nhưng thoáng mát. Đầu hiên nhà, vài khóm mai nở muộn sau Tết vẫn còn khoe sắc trong nắng Xuân. Trên bàn thờ gia tiên, giỏ quà mà Đồn Biên phòng Phổ Quang tặng vẫn được gia đình ông giữ gìn trang trọng, thể hiện tấm chân tình của ông với người lính biên phòng cao cả biết nhường nào.
 

Chúng tôi mắc nợ những người dân như vợ chồng ông Bảy và luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị, xây dựng tình đoàn kết quân dân, thế trận lòng dân vững chắc trong giai đoạn mới.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Phổ Quang, thượng tá
HUỲNH TIẾN TỚI

Như nhiều gia đình ở vùng quê biển, gia đình ông Bảy cũng không mấy khá giả. Điều khiến ông vui và tự hào khi ngôi nhà của ông luôn là nơi mà những người lính biên phòng dừng chân mỗi khi về địa phương công tác. Năm tháng qua đi, tình cảm mà vợ chồng ông dành cho những người lính biên phòng vẫn mênh mông, bao la như biển cả. Ông Bảy kể: Ông từng là người lính Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày đất nước hoà bình, thống nhất, ông về quê lập gia đình và gắn bó với ruộng vườn. Vợ ông là bà Tô Thị Thanh Mùi (62 tuổi), trước đây tham gia công tác phụ nữ ở xã, nên luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ trong những đợt công tác và các hoạt động phong trào ở địa phương. Cứ thế, tình quân dân gắn bó ngày một mật thiết. Suốt gần 20 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ Đồn Biên phòng Phổ Quang được phân công phụ trách địa bàn Phổ An đều đến nhà ông Bảy tá túc trong những chuyến công tác dài ngày, hoặc công tác đột xuất lúc nửa đêm...

Nói về câu chuyện giúp đỡ những người lính biên phòng những năm qua, ông Bảy chia sẻ: Là người lính, tôi cũng từng vào sinh ra tử, nên rất thấu hiểu cái giá trị của hậu phương. Trong chiến tranh, những người lính chúng tôi được nhân dân cưu mang, đùm bọc. Bây giờ chúng tôi là dân, không giúp đỡ bộ đội thì giúp ai nữa. Đó là cái nghĩa, cái tình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn nữa, các chú ấy công tác xa nhà, nhiệm vụ cũng nặng nề, mình chia sẻ tình cảm là động viên, giúp anh em có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phổ Quang (Đức Phổ) hướng dẫn việc học tập cho các em học sinh nghèo trên địa bàn đóng quân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phổ Quang (Đức Phổ) hướng dẫn việc học tập cho các em học sinh nghèo trên địa bàn đóng quân.


Với thượng úy Vũ, trung úy Tuấn, cũng như bao thế hệ người lính biên phòng ở đây, mỗi khi nhắc đến gia đình ông Bảy trên gương mặt tất cả rạng ngời niềm vui. Thượng úy Lương Văn Vũ bộc bạch: Tôi thật sự hạnh phúc khi gia đình bác Bảy xem chúng tôi như con trong nhà. Luôn nhắc nhở, động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là cán bộ trẻ, lại phụ trách công tác vận động quần chúng của đơn vị, nên chúng tôi cũng còn thiếu kinh nghiệm.
 

Điểm tựa của người nghèo

Thực hiện phong trào tiết kiệm gạo vì người nghèo của đơn vị, suốt hơn 10 năm phát động hũ gạo tình thương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phổ Quang đã tiết kiệm được gần 2 tấn gạo, giúp đỡ thường xuyên cho 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phụ trách. Không chỉ vậy, cán bộ, chiến  sĩ Đồn Biên phòng còn tham gia chương trình “Nâng bước em đến trường” do BĐBP tỉnh phát động, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới biển của tỉnh, với mức 500 nghìn đồng/tháng/em...

Tuy nhiên, đến với gia đình bác Bảy, chúng tôi được hiểu thêm về phong tục, tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi ở địa phương thông qua những buổi uống nước trà, trò chuyện hoặc bữa cơm gia đình. Từ đó giúp chúng tôi sâu sát cơ sở hơn, tự tin hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. "Những người lính thế hệ hôm nay luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về công vận động quần chúng rằng, bộ đội mà không dựa vào dân thì dựa vào ai. Đó là truyền thống, là trách nhiệm của người lính với nhân dân", thượng úy Lương Văn Vũ, nói.

Với trung úy Phạm Anh Tuấn – Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm thì cảm nhận đặc biệt hơn về tình nghĩa quân dân mà anh may mắn có được khi bác Bảy xem đây là con cháu trong gia đình. Tuấn quê ở ngoài Bắc, vào công tác được hơn 2 năm. Không có điều kiện về thăm nhà thường xuyên, nên thiếu thốn tình cảm gia đình. Tuấn chia sẻ: Bộ đội biên phòng chúng tôi luôn xác định, đồn là nhà, biên giới biển là quê hương. Tôi may mắn là, ngoài đơn vị, còn được gia đình chú Bảy đón nhận, giúp đỡ. Tôi thật sự vui khi có ngôi nhà thứ 3 của mình trong đời quân ngũ.

"Giữ trọng trách đấu tranh phòng, chống tội phạm và ma túy, làm trong sạch địa bàn, giữ gìn trật tự an ninh khu vực đóng quân, nên công việc của người lính quân hàm xanh có nhiều đặc thù. Những đợt công tác đột xuất ở địa bàn Phổ An, chúng tôi phải làm việc trong đêm. Dù không báo trước nhưng khi xong nhiệm vụ, chúng tôi lại về nhà bác Bảy để nghỉ. Bất cứ nửa đêm hay gần sáng, chúng tôi đều được chào đón nhiệt tình. Không chỉ là lo chỗ ngủ nghỉ mà trong nhà cô Mùi còn chuẩn bị đồ ăn để anh em lính về lúc nửa đêm có cái để lót bụng. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn ghi nhớ và biết ơn tình cảm và tấm lòng của gia đình bác Bảy", trung úy Phạm Anh Tuấn trải lòng.

Tháng Ba lại về. Những người lính biên phòng lại đón thêm tuổi mới. Sự lớn mạnh của lực lượng bộ đội biên phòng luôn có sự đồng hành, gắn bó bền chặt của những người dân nơi khu vực biên giới biển. Và câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy chỉ là một trong muôn vàn chuyện nghĩa tình thắm đượm tình quân dân.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN


 


CÁC TIN KHÁC
.