Chênh vênh bên vực thẳm

08:03, 06/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ ngỡ, những "biệt thự" sẽ là nơi ở ổn định của các hộ dân tái định cư (TĐC) thuộc Dự án thủy điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây. Song, sau 3 năm chuyển đến sinh sống, xung quanh những ngôi nhà tiền tỷ này xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

TIN LIÊN QUAN


Bây giờ, ngoài nỗi lo tái định canh, người dân còn âu lo bởi nhà cửa, tính mạng đang từng ngày bị uy hiếp.
 
Tháo chạy trong đêm


Chúng tôi ngược núi lên vùng cao Sơn Tây, khi không khí mùa xuân vẫn ngập tràn khắp nơi. Nhưng, với nhiều hộ dân sống ở các khu TĐC thuộc Dự án thủy điện Đăkđrinh thì hằng ngày vẫn nơm nớp lo sợ, khi mà nơi trú ngụ của họ đang chênh vênh bên vực thẳm do sạt lở.

Dẫn chúng tôi ra những điểm sạt lở, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong cho biết: "Toàn khu TĐC Nước Vương có 4 điểm sạt lở nặng. Bờ chắn, mái taluy âm gần như hư hỏng hoàn toàn sau đợt mưa lũ vừa qua. Khu Nước Vương không còn điểm tựa chống đỡ nữa. Uớc mơ về một nơi định cư an toàn của 25 hộ dân giờ thành nỗi bất an, lo sợ".

Sạt lở tiến sát nhà dân ở khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên (Sơn Tây).
Sạt lở tiến sát nhà dân ở khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên (Sơn Tây).


Hôm chúng tôi đến Nước Vương, tận mắt chứng kiến nhiều nhà khác cũng đang chênh vênh bên vực thẳm. Những khối đất đá có nguy cơ sạt xuống, nuốt chửng những ngôi nhà kiên cố bất cứ lúc nào. Nhà của ông Đinh Văn Quyết, cách cửa xả nước của thủy điện Đăkđring vài trăm mét. Ông Quyết kể lại: "Trận mưa cuối năm rồi, tôi nghe tiếng đất đá ở hướng bắc va vào nhau, sạt xuống ầm ầm. Chỉ trong chớp mắt, nguyên một khối đất đá lớn ở khu TĐC sạt xuống bờ vực. Hay tin, cán bộ xã và nhiều bà con khác đội mưa chạy vào nhà nhiều hộ dân khác quơ lấy ít đồ đạc rồi tháo chạy trong đêm".

 Đêm kinh hoàng ấy đã qua hơn một tháng nhưng vẫn còn ám ảnh người dân. Họ đã kịp lao ra khỏi nhà trước khi quả đồi sạt xuống. Giờ khoảng cách giữa móng nhà của ông Quyết, ông Bôn với miệng vực thẳm chỉ vài bước chân. Nhưng "sống trong sợ hãi" nhất ở khu TĐC Nước Vương là ngôi nhà của bà Đinh Thị Vinh, khi mà trên nền đất giữa ngôi nhà sàn là một vệt nứt rộng 10cm chạy cắt ngang qua. Bà Vinh âu lo: "Mẹ con tôi sinh hoạt chủ yếu ở nhà sàn, nhưng cứ mưa xuống là ngôi nhà lại rung lên. Từ ngày vệt nứt chạy ngang qua mấy mẹ con dọn vào nhà xây ở chứ không dám ở nhà sàn nữa. Sợ lắm!".
 

“Khối lượng đất đá sạt lở ở khu TĐC Nước Vương và Anh Nhoi 2 khoảng 3.000m3, nặng nhất từ trước đến nay. Kinh phí để khắc phục khoảng 10 tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của huyện. UBND huyện Sơn Tây đã báo cáo lên tỉnh để xin hỗ trợ, đang trong quá trình chờ cấp trên xem xét, bố trí kinh phí".
 Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: ĐINH QUANG VEN

Nỗi lo sau lũ khi nhà cửa bị uy hiếp không chỉ xảy ra ở khu Nước Vương mà tại khu TĐC Anh Nhoi 2, xã Sơn Long cũng có nhiều hộ dân phải cùng chung số phận. Đã có 8 hộ phải di dời vì nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng trong đợt lũ vừa qua. Toàn khu TĐC này có 33 hộ, nhưng hiện còn 27 hộ sinh sống.

Ông Đinh Văn Đèo ngụ ở đây cho biết: "Chưa có lúc nào tình trạng sạt lở lại nghiêm trọng như bây giờ. Ngày trước sống ở nơi cũ, nhà sàn vách nứa mà cái bụng không lo. Bây giờ ra đây, xây nhà cao cửa rộng mà cứ đến mùa mưa là bụng dạ cồn cào. Cứ đà này, thì số hộ dân bám trụ ở đây sẽ vơi dần qua mỗi mùa rẫy".

 "Lỗ hổng" nằm ở đâu?

Ngoài chuyện nỗi lo về đất sản xuất cho người dân, thì bây giờ khu TĐC Nước Vương, Anh Nhoi 2 đầu tư xây dựng với số vốn khá lớn, nhưng chất lượng của công trình đã nảy sinh nhiều bất cập. Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong khẳng định rằng, mặt bằng TĐC cho 25 hộ dân ở khu Nước Vương là vị trí đắc địa nhất ở xã. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là mặt bằng nằm ở vị trí cao như vậy, nhưng xung quanh khu TĐC lại "rỗng chân".

Sạt lở tạo nên những hố sâu hoắm ở khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên (Sơn Tây).
Sạt lở tạo nên những hố sâu hoắm ở khu TĐC Nước Vương xã Sơn Liên (Sơn Tây).


Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt bằng khu TĐC Nước Vương đưa vào sử dụng năm 2014 và trải qua hai mùa mưa thì đã xảy ra tình trạng sạt lở nặng. Và mỗi lần như vậy huyện lại lên kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Nhưng sạt lở vẫn hoàn sạt lở.

“Người dân đang rất lo lắng trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Mong muốn của bà con là nhanh chóng có phương án sửa chữa. Có vậy, người dân sống ở khu TĐC mới sớm an cư lạc nghiệp. Nếu không khắc phục thì phải di dời hoàn toàn những hộ dân nằm trong vùng sạt lở về nơi ở mới an toàn. Với cá nhân tôi, trước khi thăm dò TĐC phải được các ngành chức năng thẩm định một cách thấu đáo, kể cả về điều tra, thăm dò, khảo sát và phải có "bảo hiểm công trình", bởi nền đất mới thì bao giờ cũng có những chuyện xảy ra”, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong kiến nghị.

Còn khu TĐC Anh Nhoi 2, sau trận lũ, những khối bê tông đồ sộ trải dài theo những triền núi quanh khu TĐC có chức năng che chắn cho nhà cửa của người dân, bây giờ trở nên yếu ớt. Một cán bộ xã Sơn Long bảo, bờ bằng bê tông mà chỉ đưa vào sử dụng vài năm đã nát vụn rồi, đất đá sạt xuống bít cả đường đi. Khu TĐC nằm trên một đồi đất cao, nhưng bờ kè chống sạt lở lại quá sơ sài. "Nền đất trên cao đã yếu như vậy, nên khi làm chúng ta cần phân từng cấp và làm rọ đá phía dưới thì nước mới thẩm thấu qua, hạn chế phần nào sạt lở được", vị này nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: "Mặt bằng hai khu TĐC trên do BQL các cự án Đầu tư và Xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Về việc dư luận đặt câu hỏi hai khu TĐC trên, trong quá trình làm, đơn vị thi công có làm đúng với thiết kế đã được phê duyệt hay không, thì phải liên hệ làm việc với chủ đầu tư".

Còn ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc BQL Các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện cho biết, tổng vốn đầu tư hai khu TĐC Anh Nhoi 2 và Nước Vương hơn 120 tỷ. Riêng bờ kè khoảng 3 tỷ đồng. "Chúng tôi làm đúng theo thiết kế phê duyệt và có biên bản nghiệm thu công trình. Tuy nhiên, do nước từ các mương thoát nước lớn dẫn đến bờ kè chắn chống sụt trượt bị rỗng chân và áp lực đất từ nền đất mới không chắc nên cuốn tuột tường kè chắn", ông Tuấn phân trần.

Cũng theo ông Tuấn, trước mắt sẽ cố gắng khắc phục những điểm xung yếu như trồng lồ ô, kè rọ đá để gia cố không cho sạt lở thêm, chứ hiện nay không có vốn để bố trí cho việc khắc phục. Được biết, việc gia cố mái taluy âm khu TĐC Anh Nhoi 2 bằng đá hộc M100 với chiều dài 25,1m bằng bê tông xi măng dày 6cm với chiều dài 74m. Riêng khu TĐC Nước Vương gia cố kè chắn bằng bê tông xi măng M150 dày 40cm và dài 30m. Tất cả đều hư hỏng gần như hoàn toàn sau đợt mưa lũ cuối năm qua.

Ngày nào việc khắc phục sạt lở ở các khu TĐC vẫn chưa tiến hành, thì những ngôi nhà của người dân vẫn tiếp tục nằm bên những vực thẳm chênh vênh.

Bài, ảnh: N.VIÊN-L.ĐỨC
 


CÁC TIN KHÁC
.