Bức ảnh thời chiến và chuyện về hai nữ cựu tù

07:03, 26/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thật tình cờ, trong một dịp Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba đưa cho chúng tôi xem một tấm hình. Đó là bức hình ghi lại khoảnh khắc một nữ tù nhân dù chân bị xiềng, miệng vẫn cười tươi và ánh mắt đầy cương nghị. Phía góc phải tấm hình là bàn chân của một người nữa cùng bị xiềng chung.

Như một sự hữu duyên, bởi chúng tôi đến gặp ông Ba vì một câu chuyện khác. Thế nhưng, câu chuyện thời chiến đã cuốn hút chúng tôi. Những người trẻ sinh ra trong thời bình, thừa hưởng niềm hạnh phúc từ chính sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ cộng sản. Không một chút do dự, chúng tôi lần tìm nhân vật trong bức ảnh...

Nụ cười thời chiến
 

Bức ảnh chân dung chụp bà Phạm Thị Xuân Viên bị xiềng chân tại bệnh viện, miệng vẫn nở nụ cười và ánh mắt đầy cương nghị. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Bức ảnh chân dung chụp bà Phạm Thị Xuân Viên bị xiềng chân tại bệnh viện, miệng vẫn nở nụ cười và ánh mắt đầy cương nghị. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Theo lời giới thiệu của ông Lê Quang Ba, chúng tôi mang theo tấm ảnh đã hoen cũ đến căn nhà trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (TP.Quảng Ngãi). Đón chúng tôi là một người phụ nữ với nụ cười thật tươi, giọng nói nhẹ nhàng. “Chính ánh mắt này rồi”, tôi nhủ thầm trong lòng rằng mình đã tìm đúng người. Người phụ nữ có cái tên thật đẹp Phạm Thị Xuân Viên (sinh năm 1954).

Trước đây, ngay cả bà Viên cũng không hề biết đến tấm ảnh chụp chính mình. Một ngày năm 2009, người bạn ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) từng hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày, đến nhà gửi cho bà một tấm ảnh. Bà Viên ngỡ ngàng, bao nhiêu câu hỏi ập đến: Vì sao người bạn có tấm ảnh này? Ai đã chụp?... Thì ra, người bạn có tấm ảnh từ nhà văn, nhà báo Trầm Hương (hiện đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh). Trong chuyến về Quảng Ngãi, nhà báo Trầm Hương đã mang theo nhiều tấm ảnh tù nhân nhờ người nhận dạng, trong đó có tấm ảnh chân dung của bà Phạm Thị Xuân Viên. Vì thời gian gấp rút, nhà báo Trầm Hương đã gửi lại nhờ người chuyển đến người trong ảnh.

Những tháng ngày thời chiến hiện về qua lời kể của bà Viên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân (Mộ Đức), 12 tuổi, cô bé Viên đã làm liên lạc cho các cơ sở cách mạng. Bước chân của cô bé Viên di chuyển khắp các vùng. Năm 17 tuổi, Viên được kết nạp Đảng. Năm 1972, trong một lần Viên cải trang xuống cánh đồng xã Đức Tân thu lúa động viên, nhưng bị lộ. Địch dùng súng bắn vào chân Viên. Một tên lính nắm mái tóc dài kéo Viên lê trên cánh đồng, rồi quẳng vào giường bồ dùng để đập lúa. Sau đó, chúng đưa Viên vào quận Mộ Đức rồi phơi nắng, bỏ khát.

Dù bị thương, trải qua nhiều đợt tra tấn, nhưng Viên nhất quyết không khai, chỉ nói mình tên Tự để bảo vệ đồng đội và cơ sở.  Khi vết thương trở nặng, địch mới đưa Viên đến Bệnh viện Quảng Ngãi rồi xiềng chung với một người khác bị liệt nửa người. Mái tóc dài rối bù của Viên không gỡ được, các chị cùng bị bắt giam đã cắt ngắn cho gọn gàng. Dù bị tù đày, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi Viên.
 

"Mình phải thương yêu và tựa vào nhau"

 Hôm rồi, gặp lại nhau, bà Lan cầm chiếc lược trên tay bảo bà Viên ngồi bên cạnh để chải tóc. Bà Lan nói: “Ngày trước chị thường chải tóc cho em, giờ để em chải tóc cho chị”. Hai người phụ nữ với khuôn mặt đầy vết chân chim, nhìn nhau nở nụ cười thật tươi. Bà Lan quay sang nói với chúng tôi: “Chị Viên như người chị gái thân thiết vậy, lúc nào cũng hỗ trợ cô về vật chất lẫn tinh thần”. Nghe vậy, bà Viên xua tay nói: “Có gì đâu, những năm tháng chiến tranh, cùng hy sinh xương máu, vượt qua tù đày mới lớn lao hơn nhiều. Gặp lại nhau còn sống là quý lắm rồi, mình phải thương yêu và tựa vào nhau”.

Nước mắt ngày gặp lại

Cuối năm 2009, trong một lần đưa con vào TP.Hồ Chí Minh chữa bệnh, bà Viên liên lạc với nhà báo Trầm Hương. Chỉ vào bàn chân bên phải bức ảnh, nhà báo Trầm Hương hỏi bà Viên: "Chị còn nhớ người này không?". Lúc này, bà Viên mới nhớ ra đó là người tù có tên Nguyễn Trần Thị Lan, khuôn mặt rất đẹp cùng bị xiềng chung tại bệnh viện. "Nhưng không biết bà Lan sống chết như thế nào?", bà Viên trả lời.

Tình nghĩa đồng đội, bạn tù ngày xưa thúc giục trong tim. Ngay sau chuyến từ TP.Hồ Chí Minh trở về, bà Viên một mình đi khắp các địa phương trong tỉnh, gặp gỡ những người bạn tù năm xưa hỏi thăm tin tức của bà Lan. Và mừng như bắt được vàng, khi bà Viên có người bạn biết địa chỉ của người bạn tù. Hai bạn tù ngày xưa gặp lại, nhưng không nhận ra nhau sau bao năm tháng đổi thay theo thời gian. Chỉ đến khi cầm tấm ảnh trên tay, bà Lan mới vui mừng thốt lên: “Chị Tự, đúng chị Tự rồi”. Còn bà Viên vẫn từ tốn: “Em còn tấm hình nào hồi trẻ mang ra chị xem”, bởi trong ký ức, bà vẫn chưa nhận ra người phụ nữ trước mặt là Lan của ngày xưa. Bà Lan vào nhà, mang ra tấm hình thuở còn thanh xuân. Hai người nhìn vào bàn chân lẫn nhau rồi ôm chầm, òa khóc. Nước mắt ngày đoàn tụ sau gần 40 năm từ lúc bị xiềng chung trong bệnh viện, bà Viên và bà Lan mới gặp lại.

Cũng như bà Viên, khi còn nhỏ, sớm giác ngộ cách mạng, tiếp nối theo truyền thống gia đình, bà Lan trở thành liên lạc cho cách mạng. Bị địch bắt, trải qua bao đợt tra tấn, hành hạ hết sức tàn nhẫn, bà Lan vẫn một mực không khai. Địch dã man đổ nước vôi, tra điện vào người. Thế nhưng, người nữ tù cộng sản vẫn kiên quyết không khai, dù chỉ nửa lời. Rồi liên tiếp những đòn tra tấn chí mạng của kẻ thù, đã biến người thiếu nữ xinh đẹp một thời bị liệt nửa người vì ảnh hưởng của chấn thương sọ não.

Bà Lan nhớ lại: “Lúc ấy, chị Viên chống nạng, tôi thì ngồi xe lăn. Tay tôi không cử động được, nên mọi việc đều nhờ chị Viên giúp. Hai chị em nói chuyện rồi cứ thế động viên nhất quyết không được khai gì, phải giữ khí tiết, lòng trung kiên của người chiến sĩ cách mạng. Một trong những lúc hai người đang trò chuyện, bác sĩ của Hội Quaker đến khám bệnh đã giấu chiếc máy ảnh trong giỏ xách và bất ngờ đưa máy ảnh lên chụp. Gần 40 năm sau, bức ảnh mới đến tay chủ nhân của nó. Và nhờ đó, họ đã gặp lại nhau.

Hy vọng vào ngày mai

Nhờ sự can thiệp của bác sĩ ở Hội Quaker, bà Lan được thả về quê nhà ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Và cũng nhờ sự cứu chữa của bác sĩ Hội Quaker, cùng sự tận tâm, hết mực thương con của người cha vốn là chiến sĩ cách mạng và là thầy thuốc, điều kỳ diệu đã đến, bà Lan dần hồi phục sức khỏe.  

Bà Phạm Thị Xuân Viên (bên phải) và bà Nguyễn Trần Thị Lan, hai người bạn tù năm xưa giờ gắn bó thân thiết.
Bà Phạm Thị Xuân Viên (bên phải) và bà Nguyễn Trần Thị Lan, hai người bạn tù năm xưa giờ gắn bó thân thiết.


Sau ngày giải phóng, bà Lan lập gia đình, sinh được 10 người con. Hiện bà Lan sống ở tổ 4, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi). Cuộc sống nhiều khó khăn, ngôi nhà còn tạm bợ, mỗi ngày quần quật mưu sinh với gánh rau ở chợ, song bà Lan vẫn cố gắng nuôi tất cả các con vào đại học. Ít ai biết rằng người phụ nữ lam lũ bán rau ở góc chợ lại có một quá khứ hào hùng, quyết hy sinh thân mình để bảo vệ khí tiết người chiến sĩ cách mạng.

Còn bà Viên sau này kết hôn với một thanh niên cùng quê, sinh được một người con trai vừa tốt nghiệp đại học. Họ sống một cuộc sống viên mãn tuổi già. Kể từ ngày gặp lại người bạn tù năm xưa, bà Viên vẫn cứ đau đáu về hoàn cảnh khó khăn hiện tại của bà Lan. Bà Viên cùng với những người bạn bị địch bắt tù đày năm xưa đã giúp bà Lan làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách, song do nhiều thủ tục, nên đến nay hồ sơ vẫn chưa hoàn thành.

 “Ngày xưa cống hiến đâu nghĩ đến chuyện hưởng chế độ, chỉ nghĩ đó là nghĩa vụ thiêng liêng vì hòa bình, độc lập của dân tộc”, bà Lan cười hiền. Lúc còn khỏe, bà Viên lại chở người bạn tù trên chiếc xe máy cũ kỹ ngược xuôi khắp nơi để hỗ trợ làm hồ sơ cho bà Lan. Bà Viên cứ thầm mong, một ngày không xa, người bạn tù sẽ được hưởng chế độ, bù đắp cho những ngày tháng tuổi thanh xuân đã cống hiến cho đất nước.


Bài, ảnh: PHƯƠNG BẢO

 


CÁC TIN KHÁC
.