Gùi chữ ngược đèo Đỉnh Két

11:02, 14/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm rồi, những người thầy đã âm thầm vượt qua nhiều khó khăn “gùi chữ” ngược đèo Đỉnh Két lên với học trò vùng cao Long Môn (Minh Long) yêu thương...

TIN LIÊN QUAN

Ngày đẹp trời, ở trung tâm huyện lỵ Minh Long nhìn về phía tây nam thấy đèo Đỉnh Két quanh co, cao vút, đỉnh đèo nằm giữa hai sườn núi cong cong giống như mỏ con chim két. Những bầy chim bay qua đây, chẳng có con chim nào dám tung cánh vượt qua những dãy núi cao trên đèo, mà chúng bay la đà rồi mất hút nơi đỉnh đèo. “Tụi mình không có chiếc cánh rộng như con chim, nhưng bốn mùa vẫn ngược đường lên với đám học trò yêu thương”- thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Long Môn bộc bạch.
 
Ná thở...  ngược đỉnh đèo  

 Bây giờ, con đường đèo từ Thanh An lên Long Môn đã  được bê tông. Nhưng  xe tải, xe máy vượt đèo vẫn ngại vì những khúc cua tay áo. Năm 2010 về trước, đường đèo chỉ cấp phối đất đá. Đi xe đạp hoặc đi bộ chỉ vài trăm mét là đã ná thở.

 Ngày bình thường là vậy, còn mùa đông mây sà xuống thấp, rồi mưa dầm, sạt lở núi, đá lăn. Tháng trước đây thôi, ngày 16.10 cũng đã xảy ra cảnh như thế. “Nhưng tụi mình có nghĩ gì đâu, chỉ cố gắng vượt qua, chạy nhanh lên đỉnh đèo”, thầy Tuấn kể.

Đèo Đỉnh Két.
Đèo Đỉnh Két.


 Long Môn là vùng núi cao. Mùa đông có những năm trời lạnh tê tái. Những xóm nhà vắt vẻo bên sườn núi, đồng bào thường dùng củi gộc đốt suốt ngày đêm để sưởi ấm. Có năm rét kéo dài qua đến tận mùa xuân, bầy trâu vừa bị rét lạnh, vừa thiếu thức ăn nên lăn đùng ra chết...

Đi qua mùa đông tê tái là mùa hè nắng chói chang. Ngược lên đèo Đỉnh Két, các thầy cô phải mang thêm bi đông nước. “Đi hoài, đi mãi, đi  lâu dần nên quen, quen luôn từng gốc cây lớn, nhỏ, cả khúc cua tay áo nguy hiểm”, thầy giáo Đinh Sâm đã 18 năm công tác ở Long Môn, kể.

Còn thầy giáo Nguyễn Thanh Vũ có thâm niên 16 năm bám trường bộc bạch: “Giảng dạy ở nơi phố thị mức sống cao, nên có khi buộc mình phải tính toán, chứ trên vùng cao này cuộc sống nghèo khó. Những học trò của mình trước đây mùa đông áo quần phong phanh, chân trần đến lớp, thì những tính toán cho riêng mình hóa nhỏ nhen. Và như thế, đất nghèo cứ mãi “níu chân...”.
 

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Long Môn Nguyễn Anh Tuấn, cho biết:  Ngoài Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh, những năm qua, một số đơn vị trong tỉnh cũng rất quan tâm đến trường. Như ngày Trung thu năm vừa qua đã có 300 suất quà của Trường Đại học Tài chính-Kế toán, các nhà hảo tâm gửi lên cho các em. Các thầy, cô giáo rất vui khi nhận được sự quan tâm động viên của các đơn vị đối với học trò miền đất khó này.

Cô Phạm Kim Chi, quê ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) tốt nghiệp đại học Sư phạm ngoại ngữ Đà Nẵng,  hai năm trước tình nguyện lên nơi này công tác, kể: “Biết lên vùng cao là đối diện với khó khăn. Nhưng lên đây mới biết nơi này khó hơn điều mình đã hình dung... Những học sinh của mình học tiếng Việt chưa sành, học tiếng Anh lại càng khó. Muốn dạy cho các em, mình phải học tiếng Hrê. Khi giảng, các em không hiểu thì nhờ lớp trưởng “tư vấn” tiếng Hrê...”.   

 Năm học 2016 - 2017, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Long Môn có 11 lớp với 122 học sinh. Ở Long Môn có lẽ là nơi duy nhất trong tỉnh có 2 lớp học, nhưng chỉ có 5 học sinh. Thầy giáo  Đinh Minh Hòa, quê ở Thanh An đứng lớp này kể: Khu dân cư Cà Xen nằm sâu dưới hố, trẻ em đầu cấp tiểu học không thể đến trường, nên Ban giám hiệu và địa phương bàn bạc và quyết định mở lớp. Những năm trước lớp còn đông, năm học này chỉ có 5 em, mà không thể xóa điểm trường này được. Dạy ở điểm trường này phải đi sớm về trễ. Hôm nào trời mưa nước suối dâng cao, thì thầy giáo ở cùng dân bản mà thôi”.
 
Thầy giáo “ đa năng”   

Năm 2006, Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng 4 phòng ở bán trú, một nhà ăn và nhà vệ sinh.Theo nhu cầu có đến 85 học sinh, nhưng nhà nội trú chỉ có thế nên ưu tiên cho 36 em ở Làng Ren. Đây là niềm vui lớn của đám học trò Làng Ren, vì các em có chỗ ở nội trú, không phải nghỉ học vì trường quá xa. Tuy vậy, ở nội trú cuộc sống vẫn cứ khó.

Cô giáo Phạm Kim Chi trong giờ lên lớp.
Cô giáo Phạm Kim Chi trong giờ lên lớp.


Em Đinh Văn Nhật, học sinh lớp 8 quê ở Làng Ren, bảo­: Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi em 15kg gạo và 500 nghìn đồng/tháng, nhưng gạo thì có đủ, còn khoản tiền Nhà nước hỗ trợ có khi cha mẹ túng thiếu, mượn đỡ để mua phân bón, mua cây giống về trồng, nên bữa cơm thường chỉ có mắm, muối, rau rừng... Thầy Lương Hữu Hoàng, dạy môn Vật lý của trường, kể: Trường không có biên chế phụ trách nhà nội trú, nhưng để đảm bảo an toàn và nhắc nhở các em học bài, Ban giám hiệu nhà trường phân công mỗi buổi tối phải có  hai giáo viên nam quản lý khu nội trú”.

Cũng do cuộc sống khó khăn, thường ngày sau giờ học, các em ra bìa rừng nhặt cành khô về đun nấu, rất dễ xảy ra hỏa hoạn, nên Ban giám hiệu nhà trường động viên phụ huynh góp tiền mua nồi điện về cho các em nấu cơm. Những nồi cơm điện hàng Tàu mà cha mẹ các em tích cóp mới sắm được cho con xài chẳng bao lâu là hư hỏng, các thầy giáo lại kiêm luôn công việc của thợ sửa chữa. Có những ngày mưa kéo dài, sông suối nước dâng cao không qua lại được, các em không nhận được gạo, mắm từ nhà. Lúc đó, các thầy cô giáo lại góp gạo, mắm giúp đỡ các em. Còn các cô giáo thấy đám trẻ xa nhà, áo quần lếch thếch nên cứ dặn dò phải siêng giặt quần áo. Nhiều cô giáo, trong cặp sách còn có cả kim chỉ để giờ ra chơi tranh thủ khâu cái nút áo mà các em chạy chơi làm sứt mất.
 
Ước mơ một lần thấy... biển


Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Long Môn hiện có 33 cán bộ, giáo viên. Trong số này có 12 cán bộ, giáo viên là con em đồng bào dân tộc Hrê. Đó là những học trò trưởng thành từ mái trường này. Còn lại là những thầy, cô giáo dưới xuôi lên dạy học rồi có vợ, chồng lập nghiệp trên đất này hoặc xuống huyện lỵ Minh Long xin đất làm nhà. Nhiều thầy cô bộc bạch: Có khi bạn bè cùng khóa thời đi học sư phạm điện thoại hỏi thăm rồi kết thúc bằng câu hỏi “Bao giờ mày hạ sơn?”.  

Nhưng "hạ sơn” sao được. Cứ nghe có thầy cô rục rịch chuyển đi là các em phụng phịu: Thầy  không dạy các em nữa à? Còn phụ huynh thì buồn buồn, nói: “Thằng thầy giáo không chịu nổi khó khăn nên bỏ đi sao?”.

Nhưng rồi thời gian, cũng có thầy giáo cũ về xuôi và những thầy giáo mới lại đến với vùng đất này. Tuy vậy, chẳng ai quên đám học trò trên đèo Đỉnh Két. Vì ở đó, có những đứa trẻ thật thà như đếm. Do cuộc sống khó khăn, nên những điều bình thường cũng trở thành nỗi ước ao.

 Nhiều thầy cô giảng bài đề cập đến biển. Các em bảo: Chỉ biết biển qua truyền hình thôi, nên ước ao một ngày trực tiếp thấy biển. Chính vì vậy,  mình nghĩ sẽ tìm khoản kinh phí nào đó để thưởng cho học sinh giỏi của trường về thăm đồng bằng. Nhưng rồi điều kiện của trường còn quá khó khăn, nên chẳng thể làm được.
            

Bài, ảnh: CẨM THƯ
 


CÁC TIN KHÁC
.