Những cột mốc tâm linh ở Trường Sa

11:01, 15/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đền, chùa ở Trường Sa (Khánh Hòa) chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân đất Việt ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc giữa trùng khơi sóng nước...

TIN LIÊN QUAN

“Sông núi nước Nam vua Nam ở…”

 Trong những điểm đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, đảo Đá Tây A tựa như một con thuyền lớn vững chãi trên Biển Đông bao la. Những người lính biển mỗi khi tàu ngang qua Đá Tây A đều đặt tay lên ngực mình hướng về phía đảo. Trên ngư trường rộng lớn ở Trường Sa, ngư dân tìm thấy cho mình một chỗ dựa an toàn cũng chính từ điểm đảo Đá Tây A. Bởi nơi đây, có đền thờ Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt cùng với bài thơ thần - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Cờ Tổ quốc rực rỡ trên xuồng tuần tra và tàu ngư dân bám biển tại đảo Đá Tây A. ảnh: internet
Cờ Tổ quốc rực rỡ trên xuồng tuần tra và tàu ngư dân bám biển tại đảo Đá Tây A. ảnh: internet


Đại úy Lâm Thế Phong - Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây A hướng dẫn đoàn công tác đến thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt ngay phía trước âu thuyền. Đại úy Phong tâm sự: Người dân đi biển, giữa muôn trùng sóng nước, giữa hiểm nguy rình rập, giữa ranh giới mong manh sống chết, họ muốn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua tất cả. “Những câu thơ thần như tiếp thêm sức mạnh không chỉ riêng với người lính mà cả với ngư dân bám biển. Những chuyến ra khơi, người lính biển, ngư dân đều ghé lại Đá Tây A thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt như một sự khẳng định biển đảo, vùng trời này là của Việt Nam, chẳng có một thế lực ngoại bang nào có thể xâm phạm được”, đại úy Phong chia sẻ.

Đền thờ Lý Thường Kiệt với bài thơ thần trên đảo Đá Tây A.
Đền thờ Lý Thường Kiệt với bài thơ thần trên đảo Đá Tây A.


Ông Nguyễn Văn Túy, ngư dân tỉnh Phú Yên, chủ tàu cá PY 95041TS có mặt trên điểm đảo Đá Tây A khi chúng tôi đang lưu lại đây, chia sẻ: “Trong những ngày biển động, vào Đá Tây A trú bão, thắp nén nhang trước bài thơ thần giữa muôn trùng khơi càng thêm nhiều ý nghĩa. Bài thơ của nghìn năm trước đã làm bạt vía kinh hồn quân giặc lại ngân lên trong lòng mỗi người: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Khi thắp nhang trên am thờ, đọc lại bài thơ này, mỗi ngư dân đều có cảm nhận riêng. Càng tự hào về những chiến công của cha ông muôn đời trước, càng thấy mình cần dốc lòng, dốc sức để gìn giữ chủ quyền biên cương của Tổ quốc giữa trùng khơi”.

Ở đảo Đá Tây A, ngoài điểm tựa tinh thần là Đền thờ Lý Thường Kiệt, thì Trung tâm dịch vụ hậu cần (DVHC) còn là nơi ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa thường xuyên ghé thăm. Chính thức hoạt động từ tháng 5.2005, Trung tâm DVHC được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền ngư dân Việt Nam như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt miễn phí;  nhận sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; kết hợp với bộ đội hải quân sắp xếp, bố trí tàu ngư dân vào âu thuyền Đá Tây trú, tránh bão an toàn, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Mỗi năm, Trung tâm DVHC thực hiện vận tải tại Quần đảo Trường Sa 25 chuyến tàu cung ứng hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu; tiếp nhận gần 1.000 lượt tàu vào âu thuyền tránh trú bão...
 
Trùng khơi vang tiếng chuông chùa

Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng, gió bão giông khắc nghiệt, nhưng không, bất cứ ở đâu, hễ có người dân đất Việt sinh sống, an cư thì ở đó có các đền, chùa… đó là tín ngưỡng bao đời của người Việt. Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc.

Người dân đi chùa Trường Sa.
Người dân đi chùa Trường Sa.


Ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn với thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt, còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Chùa ở Trường Sa Lớn cũng được xây dựng rất uy nghi, tọa lạc ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là nơi mà bất cứ ai đến với Trường Sa Lớn cũng vào thăm, thắp nén hương để nghe lòng thanh tịnh và thấy ấm áp một niềm tin rất thiêng liêng.

Ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn hướng mặt chính diện ra phía Biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để những người lính kiên trung, người dân hồn hậu và ngư dân can trường được yên bình trước bao nhiêu ẩn họa. Bên cạnh bóng dáng cây đa, bồ đề mang cốt cách chùa nơi đất liền, ngôi chùa ở Trường Sa Lớn còn có thêm bóng mát của những cây tra, cây phong ba, cây bàng quả vuông xanh tốt tỏa bóng mát ôm choàng và nở hoa tươi thắm mỗi khi mùa xuân sang. Tiếng chuông chùa giữa trùng khơi điểm những tiếng khoan thai loang ra trên sóng nước và khói hương trầm hòa quyện trong gió biển mặn mà, nghe sao da diết như được gióng lên từ niềm khát vọng hòa bình của người Việt giữa Biển Ðông...

Theo Sư Thích Nhuận Tựu - Trụ trì chùa Trường Sa Lớn, từ xa xưa trên các đảo giữa Biển Đông của Việt Nam, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên. Họ dựng lên từ những lần ra khơi, bám biển mưu sinh. Giữa muôn trùng sóng nước, gió... họ cần một niềm tin để bám biển. Họ lập ra các am thờ để cầu cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh truyền thống này, chùa Trường Sa Lớn cùng hai ngôi chùa khác là chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo lại từ các am thờ xưa của ngư dân. Đây là những minh chứng cho thấy chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, đã có từ bao đời nay.

Mỗi lần đến chùa, ngoài việc cầu an cho gia đình, con cái, thì các hộ dân tại đảo Trường Sa Lớn luôn cầu nguyện sự bình yên cho biển đảo Việt Nam, nhất là những ngày Biển Đông dậy sóng. Chị Đoàn Thị Thịnh (46 tuổi), người dân ở đảo Trường Sa Lớn, cho biết: Vào các dịp rằm, mùng 1 hằng tháng hoặc các ngày lễ, tết, thì các hộ dân đang sinh sống tại đảo đều dắt theo con cái lên chùa thắp hương, cầu nguyện. Mỗi lần trong đất liền có người thân mất hay ngày giỗ ông bà, cha mẹ mà người dân trên đảo không về được, họ đều đến chùa thắp nén nhang và nhờ thầy làm lễ cầu an, cầu siêu cho người thân được siêu thoát. Người lớn tuổi thì cũng đến đây để đàm đạo, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Ngôi chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh vững chãi cho người dân Trường Sa.
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


CÁC TIN KHÁC
.