Sông Trà mùa... bông lau trắng

09:11, 26/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi những đợt lũ lùi xa, màu trắng đục của nước từ thượng nguồn đổ về dần trôi về phía cửa Đại, hòa vào lòng đại dương, thì cũng là lúc trên những doi đất giữa lòng sông Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi) xuất hiện một màu trắng mới - màu trắng bông lau.

Khác với màu trắng mùa lũ, màu trắng tinh khôi mềm mại, hòa vào cơn gió nhẹ tạo ra những sóng bông lau khiến cho dòng Trà Khúc bồng bềnh...

Lau về, bão lũ lùi xa

Có ở cái dải đất mà nhạc sĩ An Thuyên đã dành những ân tình sâu nặng của lòng mình để chắt lọc ra những ca từ dung dị, mộc mạc như tính tình vốn có của người miền Trung để chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn của người nghe mới cảm nhận được phần nào phận người nơi đây mỗi khi mùa bão lũ tràn về: “Đường về miền Trung dông bão lắt lay, ngọn đèn xóm vắng vẫn thắp thâu đêm, mẹ ngồi vá áo mai con đến trường, mẹ ngồi vá áo bụi bay giọt sương…”.

Mảnh đất Quảng Ngãi- “Đất mẹ ngoan cường” cũng đón bao mùa mưa lũ đến rồi đi không hẹn trước. Mỗi khi bão lũ tràn về, người dân nơi “khúc ruột” này lại có những ao ước về bình yên. Và bông lau, đã nhiều lần đem những niềm vui vỡ òa đến với những phận người lắt lay như những bông lau trong dòng lũ xoáy...

 

Sông Trà Khúc, mùa bông lau.                           ẢNH: NGỌC VIÊN
Sông Trà Khúc, mùa bông lau. ẢNH: NGỌC VIÊN

Tôi đã từng chứng kiến 3 năm về trước (năm 2013) cơn bão Hải Yến gầm gừ ngoài biển, mây đen vần vũ, cả dải đất dài miền Trung chập chờn trong cơn thức ngủ. Ánh mắt như sắc hơn, sâu hơn để được nhìn xa hơn ra hướng bão, nhưng lại cũng mệt mỏi hơn sau mỗi đêm dài hằn những âu lo... Căng mình chằng chống nhà cửa, sơ tán dân và không quên cầu mong cho siêu bão tan nhanh ngoài biển để không có cảnh nhà đổ nát, người ly tan, ruộng đồng xác xơ, hoa màu đổ nát...

Tất bật ngược xuôi, đôn đáo thi gan với siêu bão, gần như không ai còn thời gian và tâm trí để ý đến một hiện tượng tự nhiên đang âm thầm đem tin lành đến với từng đường làng, nơi ven hai bờ lở bồi của dòng Trà Khúc. Đó là những bông lau đã âm thầm nở rộ. Để rồi, khi cơn bão vẫn đang còn “đánh võng” ngoài đại dương mênh mông, gió giật hoang dại, những người dày dạn về tuổi tác, kinh qua nhiều mùa bão lũ và ngay cả những người làm khí tượng thủy văn có kinh nghiệm cùng lúc đã thốt lên: “Lau nở rồi, bão chẳng vào đất liền đâu”.

Thật ra, đó là kinh nghiệm dân gian qua bao đời ông cha đúc kết qua những mùa mưa bão. Ấy thế mà thật. Cơn bão dự báo có sức tàn phá khủng khiếp ấy có lẽ thấy “ngàn lau cười trong nắng”  nên khi cách đất liền gần 400km thì đổi hướng bắc và quét qua sườn của Hải Phòng - Quảng Ninh rồi đi vào địa phận Trung Quốc. Cả miền Trung thở phào nhẹ nhõm.
 
Và dáng dấp đô thị

Những tưởng loài cây hoang dại ấy chỉ mọc ở sườn đồi, lưng chừng núi hay những khu đất bỏ hoang tại các đô thị thì một ngày bỗng “di cư” về những doi đất giữa lòng sông Trà Khúc thi nhau khoe sắc, khiến dòng sông này như chiếc thuyền hoa khổng lồ.

Tôi đồ rằng, là do những mùa mưa lũ từ thượng nguồn đổ về, mang theo phù sa và cả những hạt mầm vùi mình trong cát chờ đến những ngày thu mát dịu rồi đồng loạt “khai hoa”. Bông lau nhiều nhất là đoạn từ cầu Trà Khúc 2, nơi lòng sông bị chia thành hai nhánh rồi nhập lại để hòa chung vào cửa Đại phía hạ nguồn rộng lớn.

Xuôi theo tuyến đường Mỹ Trà-Mỹ Khê như dải lụa “cong mềm mại” ven theo sông Trà Khúc về phía biển Mỹ Khê, suy nghĩ của tôi cứ bồng bềnh theo những đợt sóng bông lau rồi bất ngờ miên man “trôi” về con sông Hàn của Đà Nẵng và cứ thấy thấp thoáng đâu đó nét tương đồng giữa hai sông quê hương và dáng dấp những đô thị hiện đại, khang trang.

Hơn 10 năm trước, sông Hàn của Đà Nẵng cũng hoang hoải như sông Trà Khúc bây giờ, bên lở bên bồi, nhà chồ lếch thếch. Cư dân quận 3 (nay là quận Sơn Trà) và quận Ngũ Hành Sơn muốn qua trung tâm thành phố phải đi bằng những chiếc đò dập dềnh trên sóng, như ốc đảo Ân Phú bây giờ, người dân phải trần mình áo phao qua đò để lên thành phố...

Bờ đông sông Hàn của Đà Nẵng vẫn lưu truyền câu ca “gái quận 3 không bằng bà già quận nhất” (quận nhất là quận Hải Châu ngày nay). Vậy nhưng, từ khi bờ Đông được quy hoạch, nhà chồ ven sông được xóa bỏ hoàn toàn, những khu chung cư mọc lên, quận 3 mang dáng dấp khác lạ hoàn toàn nhờ những cây cầu như cánh tay nối dài để rút gần khoảng cách địa lý, không gian...

Cây cầu, không đơn thuần với nhiệm vụ nối hai bờ xa cách, mà đằng sau đó là những giá trị  kinh tế to lớn đem lại đổi thay rõ rệt đến ngỡ ngàng. Cầu xây, đường mở, khu đô thị mới được quy hoạch, giá đất tăng vùn vụt, là nguồn thu chính của phần lớn các địa phương giữa thời điểm kinh tế khó khăn...

Miên man theo dòng nước đang len lỏi qua những bãi bồi nở rộ bông lau, tôi cứ mường tượng ra hai phía ven sông Trà Khúc mai này sẽ là đô thị với những kiến trúc độc đáo soi bóng xuống dòng sông Trà loang loáng nước vào mùa hè khi dự án nạo vét, chỉnh trị lòng sông Trà do Thiên Tân Group triển khai và hoàn thành trong vài năm tới...

Rồi khi tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh được mở rộng, xây mới theo chuẩn sẽ kéo đến những nhà đầu tư, với những dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, những khu Resort “sang chảnh” đẳng cấp quốc tế. Khi đó, du khách sẽ đến với Quảng Ngãi, biến nơi đây thành thiên đường nghỉ dưỡng như những trung tâm du lịch Đà Nẵng, Nha Trang...    
 
Điểm cuối sông Trà, cầu Cửa Đại, có nét hao hao như cầu Thuận Phước bây giờ, cũng nằm cuối nguồn của những con sông, nơi giao thoa với biển. Cây cầu cũng với sứ mệnh làm cầu nối du lịch giữa cảng Tiên Sa, núi Sơn Trà... Còn với Quảng Ngãi – như Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương đã từng nói: Cầu Cửa Đại là gạch nối của tuyến ven biển Việt Nam, đánh thức hàng loạt đô thị Mỹ Khê, Mộ Đức, Sa Huỳnh và ngược ra phía bắc là KKT Dung Quất, đô thị công nghiệp tương lai.

Vấn đề bây giờ, là tầm nhìn chiến lược và quy hoạch bài bản, phân khu chức năng rõ ràng và quản lý xây dựng chặt chẽ để khi đã có quy hoạch tổng thể, việc triển khai xây dựng, khai thác quỹ đất đô thị được hiệu quả, khoa học và đúng ý tưởng, mục đích...

Nhận rõ vấn đề này, tỉnh Quảng Ngãi đã tính toán đến Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dọc hai bên bờ sông Trà Khúc, quy mô diện tích khoảng 200-250ha đoạn từ cầu Trà Khúc 2 đến Cửa Đại, với chiều rộng mỗi bên trung bình 200m và sâu hơn nữa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, quy hoạch sao phải phù hợp với từng khu vực dọc hai bên bờ sông, trong đó quy hoạch không gian, kiến trúc, cảnh quan theo định hướng phát triển thành phố Quảng Ngãi về phía đông hướng ra biển.

Theo phác đồ Quy hoạch đô thị Quảng Ngãi hướng biển, đối với các khu dân cư tập trung hiện hữu cần giải quyết theo hướng chỉnh trang; đồng thời định hướng quy hoạch mới các khu dân cư với các khu ở cao cấp, biệt thự vườn; ưu tiên việc quy hoạch các khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái... ở phạm vi mặt tiền dọc hai bên bờ sông để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ...

Đó là những dự án đòi hỏi phải có thời gian, chung tay góp vốn của doanh nghiệp và cơ chế chính sách, tính quyết liệt, táo bạo của lãnh đạo địa phương... Còn bây giờ, khi những mùa lũ qua đi, nhường chỗ cho mùa của sông Trà lãng mạn nhất trong năm-mùa bông lau trắng.

Rồi mùa lau trắng qua đi, những hạt mầm sẽ khép lại chờ mùa sau bật mầm lên khoe sắc, nhưng biết đâu đó, đến một ngày, sẽ chẳng còn những bạt ngàn lau trắng trên những doi đất sông Trà nữa, mà thay vào đó là những cao ốc hào nhoáng, hiện đại... Âu đó cũng là lẽ thường tình của quy luật phát triển!

HÀ MINH
 


CÁC TIN KHÁC
.