Vua tỏi

07:10, 16/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Mỗi lần mình chuẩn bị phát biểu tại các hội chợ, hoặc trước các hội nghị, nhiều người nói đùa: Tới cái thằng “dua” (vua) tỏi nói đấy! Do những gì mình nói đều giới thiệu, quảng bá sản phẩm tỏi Lý Sơn. Thương hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” cũng ra đời từ đó”, anh Nguyễn Văn Định - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn, người được mệnh danh là “vua tỏi”, tâm sự.        

 Xuất thân nghèo khó

Nghe tiếng “vua tỏi” đã lâu, nhưng mới đây tôi mới có dịp trò chuyện cùng “ông vua” ở tuổi 8X này. Bởi anh quá bận rộn với công việc quản lý hệ thống các cửa hàng từ Đà Nẵng đến TP.Hồ Chí Minh và cả Hà Nội nữa. Nhìn dáng người, cách ăn mặc, phong thái, cử chỉ và đặc biệt là giọng nói đậm chất Lý Sơn của “vua tỏi” Nguyễn Văn Định, ít ai nghĩ rằng anh là một doanh nhân có... tiếng.

Định bảo, trước đây nhà mình nghèo lắm! Làm biển thì bấp bênh, trồng hành tỏi thì quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng năm được năm mất, lại bị thương  lái ép giá sau khi thu hoạch, khiến nhiều hộ trên đảo muốn bỏ cả ruộng.

 

Anh Định (bên trái) luôn trăn trở và mong muốn việc sản xuất tỏi Lý Sơn theo quy trình hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Anh Định (bên trái) luôn trăn trở và mong muốn việc sản xuất tỏi Lý Sơn theo quy trình hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.


Thấu hiểu cảnh khổ của cha mẹ, là con đầu trong gia đình có 4 anh em, Định quyết tâm phải học hành đến nơi đến chốn để ra trường tìm việc làm, thoát khỏi cảnh phải làm nông cực nhọc, làm biển gian nan. Mười hai năm đèn sách ở quê và bốn năm dùi mài trí lực tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Văn Định ra trường với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy.

“Lúc ấy tôi tưởng rằng cuộc đời mình sẽ “sang trang” với nghề cơ khí, bởi sau khi ra trường được nhận vào làm việc tại Công ty PTSC Quảng Ngãi. Thế nhưng, có lẽ do còn “nặng nợ” với quê hương đất đảo, với cây tỏi, cây hành nên mới chuyển sang làm kinh doanh hành tỏi và các mặt hàng đặc sản Lý Sơn như bây giờ”, Định trải lòng.
 

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đất đảo nên có thể giúp gì để mở hướng phát triển cho sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn thì phải tận lực góp sức. Đồng thời, mong muốn nâng tầm cho đặc sản quê hương để mọi người ở khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí là ở các nước biết đến, như danh tiếng của Đội hùng binh Hoàng Sa thuở nào”.
"Vua tỏi" NGUYỄN VĂN ĐỊNH.

Kỹ sư cơ khí đi... buôn tỏi

Cơ duyên khiến Định chuyển sang nghề... buôn tỏi là khi còn làm việc ở PTSC Quảng Ngãi. “Lúc đầu một số người quê ở Thanh Hóa làm cùng công ty hỏi nhờ mua dùm đôi ba chục ký tỏi, hành đem về quê làm quà biếu, dần dà sau đó số lượng hành, tỏi phải cung ứng tăng lên rất nhiều, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Bởi số lượng công nhân – kỹ sư dân ngoại tỉnh làm ở PTSC Quảng Ngãi khi ấy rất đông.

Thấy vậy mình nghĩ, tại sao không thử mang hành, tỏi Lý Sơn đem đi chào hàng bán ở các nơi khác, nhất là sau khi mặt hàng này đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu”, anh Định kể lại. Và thế là anh chọn TP.Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp, với chiến lược đầu tiên là “tấn công” vào siêu thị Big C Đà Nẵng.

Năm 2010, sau khi xin Công ty PTSC cho nghỉ phép được tuần lễ, chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Văn Định mang tỏi Lý Sơn ra Siêu thị Big C Đà Nẵng chào hàng. Năn nỉ, thuyết phục mãi anh mới được chủ siêu thị Big C chấp nhận cho chào hàng mẫu tỏi Lý Sơn và cho xét nghiệm sản phẩm tỏi, sau đó chính thức trở thành nhà cung cấp tỏi Lý Sơn cho hệ thống siêu thị Big C.

“Với mỗi ký tỏi bán được, mình kiếm lời khoảng chục nghìn đồng, nên với hai chục gian hàng bán tỏi Lý Sơn ở các siêu thị Big C lúc ấy, mỗi ngày bán ra chừng 200 ký tỏi cho mình thu nhập 2 triệu đồng/ngày, trong khi công việc thì không vất vả mấy. Thấy vậy mình quyết định xin nghỉ việc tại Công ty PTSC và thành lập Công ty TNHH Hải đảo Lý Sơn với mục đích ban đầu là để kinh doanh hành tỏi Lý Sơn”, Định chia sẻ.

Tuy nhiên, cái khó nhất lúc ấy đối với chàng kỹ sư cơ khí mới tập tễnh vào nghề kinh doanh là làm đơn xin vào Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn mãi nhưng không được. Khó khăn, nhưng Định không nản lòng. Kiên trì mãi cuối cùng anh cũng vào được Hiệp hội và hiện nay là Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn. “Mình đi đến đâu cũng quảng bá tỏi Lý Sơn, từ các hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản, đến hội chợ festival, mình đều có mặt với bài “diễn văn về tỏi Lý Sơn".

Đặc biệt tại Festival Huế - 2014 khi mình lên bục phát biểu tại một hội chợ nghe mọi người đùa gọi mình là vua tỏi. Nghe cũng ấn tượng, thế là mình lấy luôn tên “Vua tỏi Lý Sơn” đăng ký thương hiệu cho sản phẩm chính hiệu của mình. Đến tháng 7.2016 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & công nghệ) cấp giấy chứng nhận”, Nguyễn Văn Định cho biết.

Trở thành tỷ phú

Sau 6 năm kể từ ngày khởi nghiệp kinh doanh, đến nay tỏi Lý Sơn chính hiệu của "vua tỏi" Nguyễn Văn Định đã có mặt ở 30 siêu thị trong hệ thống siêu thị Big C và rất nhiều siêu thị khác khắp cả nước. Bên cạnh đó, công ty của anh còn có 3 cửa hàng lớn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi và TP.Hồ Chí Minh chuyên cung ứng tỏi Lý Sơn, các sản phẩm chế biến từ tỏi như: Kim chi tỏi, tỏi ngồng, giấm hành, giấm tỏi, tỏi một tép (tỏi cô đơn), rượu tỏi một tép.

Đặc biệt, sản phẩm tỏi đen Lý Sơn, được tuyển chọn từ những củ tỏi Lý Sơn chính hiệu có chất lượng tốt nhất, kích thước lớn nhất và sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để lên men thành tỏi đen...

Đồng tỏi Lý Sơn
Đồng tỏi Lý Sơn


Ngoài 3 cửa hàng lớn, công ty anh còn có rất nhiều cửa hàng nhỏ, điểm phân phối bán hàng tỏi Lý Sơn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu... Đồng thời, Định có một xưởng chế biến rong biển ăn liền và rong biển xanh (để nấu canh, súp) tại Cụm Công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa).

Các cửa hàng “Vua tỏi Lý Sơn” đã tạo công việc ổn định cho trên 60 lao động, với thu nhập từ 3 triệu đến hơn chục triệu đồng/tháng. Không những thế, công ty của Định còn tạo việc làm thời vụ cho hơn 50 sinh viên vào dịp Tết và những khi phải xuất số lượng hàng lớn đi nước ngoài.

“Mấy năm trước, nhất là giai đoạn 2011 – 2014 mình phát triển mạnh, với doanh thu mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Riêng năm nay do tỏi mất mùa nên tỏi Lý Sơn khan hiếm khiến mình phải ngừng cung ứng hàng cho nhiều siêu thị Big C, doanh thu cũng giảm hơn trước và phải kinh doanh thêm nhiều mặt hàng đặc sản khác”, anh Định cho hay.

Điều mong muốn lớn nhất của “vua tỏi” Nguyễn Văn Định là bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn đầu tư sản xuất tỏi theo phương pháp hữu cơ và sử dụng giống tỏi truyền thống. “Nếu sản xuất theo quy trình hữu cơ thì giá trị tỏi sẽ tăng lên gấp 4 lần so với hiện tại.

Bởi ở Lý Sơn hiện nay dân số ngày càng đông, rồi cơ sở hạ tầng, đường sá mở rộng nhiều, nên đất sản xuất ngày càng thu hẹp nên cần phải sản xuất tỏi theo quy trình hữu cơ, hoặc có thể làm nhà kính để trồng tỏi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm”, anh Định tâm sự.

Cũng theo anh Định, chính quyền địa phương, người dân và ngành chức năng cần sớm triển khai việc thành lập các làng nghề truyền thống ở Lý Sơn, để du khách đến huyện đảo có thể tham quan tìm hiểu về quy trình sản xuất tỏi từ A – Z, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; hoặc giới thiệu các sản phẩm truyền thống khác như bánh ít, nước mắm, chả cá Lý Sơn... để góp phần quảng bá đặc sản Lý Sơn. Qua đó, vừa “giữ lửa” nghề truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân huyện đảo.

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


CÁC TIN KHÁC
.