KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23.10.1961 - 23.10.2016)
Tình người Quảng Ngãi với tàu không số

07:10, 23/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những câu chuyện cảm động về tình cảm của người dân Quảng Ngãi đối với các chiến sĩ tàu không số luôn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về những tháng ngày chiến đấu chống quân thù cam go, nhưng rất đỗi oai hùng của cả dân tộc Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Ký ức vẹn nguyên

Những ngày trung tuần tháng 10, ngồi lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong xóm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), ông Võ Văn Cầu (80 tuổi) hồi tưởng về kỷ niệm của những ngày làm hoa tiêu cho tàu không số. Hôm chúng tôi đến, vợ ông liền bảo: “Mấy hôm nay trở trời, ông ấy đau khớp đi lại vất vả lắm!".

Nhưng khi biết chúng tôi đi tìm tư liệu cho bài viết về đoàn tàu không số, ông nở nụ cười tươi rói, nói giọng tự hào: "Ngày ấy, bác làm hoa tiêu cho tàu không số khi qua vùng biển quê mình đấy!". Rồi ông dõi đôi mắt nhìn về phía biển đang mùa sóng dữ dội, ký ức oai hùng của những tháng ngày đón tàu không số từng bước quay về...

Những cựu chiến binh tàu không số tìm lại dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đến Quảng Ngãi (năm 2013).                                                    Ảnh: T.L
Những cựu chiến binh tàu không số tìm lại dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đến Quảng Ngãi (năm 2013). Ảnh: T.L


Năm 1966, ông Cầu là chiến sĩ Đại đội trinh thám HB-18. Khi đó, ông và nhiều đồng đội được phân công đến nhà vận động người dân khu vực Sa Kỳ - Ba Làng An, thuộc địa phận xã Bình Châu di dời để khơi thông luồng lạch. Dù không biết mục đích để làm gì, nhưng người dân ai cũng vui vẻ nhận lời. Vì họ biết, việc làm của mình đang giúp ích cho cách mạng. Mặc dù bị địch lùng sục, đói khát, nhưng ông Cầu cùng các chiến sĩ  vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ.

Xếp hạng Di tích cấp tỉnh

Ngày 3.8.2016, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho hai điểm cập tàu không số. Đó là điểm cập tàu không số (C41) tại vùng biển An Thổ, xã Phổ An và điểm (C43B) tại biển Quy Thiện, xã Phổ Khánh, cùng thuộc huyện Đức Phổ. Trên cơ sở này, ngành chức năng và huyện Đức Phổ tiến hành cắm mốc giới, lên kế hoạch xây dựng và bảo vệ di tích.

Câu chuyện diễn ra đúng nửa thế kỷ, nhưng với ông Cầu cứ ngỡ như chỉ mới ngày hôm qua. Đến giờ, ông Cầu vẫn nhớ như in những ngày chiến đấu ác liệt để tàu không số cập bến Sa Kỳ tiếp viện vũ khí, thuốc men cho tiền phương.

Tháng 11.1966, con tàu không số mang mật danh 41 khi đến Đức Phổ đã thả được 40 tấn hàng xuống biển, thì bị địch phát hiện. Tàu chạy trở ra khu vực Sa Kỳ, địch liền chặn ở cửa biển không cho tàu 41 trở ra.

Thuyền trưởng tàu quyết định hủy tàu. Sau khi điểm hỏa, chiếc tàu nổ tung không để lại dấu vết gì. Cả 13 thủy thủ rời tàu đã được quân và dân địa phương che giấu, chăm sóc, sau đó theo đường Trường Sơn trở ra miền Bắc.

Sau lần đó, ông Cầu còn được giao nhiệm vụ xuống tàu đánh cá của ngư dân ra đảo Lý Sơn để liên lạc với tàu không số, rồi làm “hoa tiêu” cho tàu vào cửa Sa Kỳ. Thực hiện nhiệm vụ này có ông cùng 5 đồng đội nữa. Thế nhưng, không ai biết tên ai, họ chỉ gọi nhau bằng mật danh với số hiệu từ 1 đến 6, ông Cầu mang mật danh số 4.

Một hôm, ông Cầu và đồng đội đã liên lạc được với tàu không số. Ngay tức thì, họ dẫn tàu vào bến Sa Kỳ. Nhưng thật không may, tàu địch phát hiện. Liền sau đó, tàu chiến, máy bay địch sử dụng hỏa lực cày nát vùng biển Sa Kỳ. Đội của ông buộc phải chạy qua thôn Tân Mỹ (nay thuộc xã Đức Lợi, Mộ Đức), hai ngày sau mới tìm đường trở về.

Sắt son tình quân dân

 

Ông Lê Thắng kể cho thế hệ trẻ về những ngày chăm sóc các chiến sĩ tàu không số.
Ông Lê Thắng kể cho thế hệ trẻ về những ngày chăm sóc các chiến sĩ tàu không số.


Năm 1967, tàu không số mang mật danh 43 được giao nhiệm vụ cập bến Quy Thiện (nay thuộc xã Phổ Khánh, Đức Phổ), nhưng rồi cũng bị địch phát hiện. Dù địch điên cuồng tấn công, song các chiến sĩ trên tàu vẫn kiên cường đánh trả và bắn rơi 1 máy bay địch. Cùng lúc ấy, quân và dân thôn Quy Thiện gấp rút triển khai chi viện cho tàu.

Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt, tàu không số có 3 người hy sinh, 11 người bị thương. Trong tình thế đạn sắp hết, tàu sắp chìm mà địch vẫn tấn công dữ dội, thuyền trưởng tàu 43 đã ra lệnh cho hủy tàu. Nhiều chiến sĩ trên tàu 43 bơi vào bờ bị kiệt sức đã được cán bộ, du kích và nhân dân đưa xuống các hầm bí mật tại thôn Quy Thiện.

Ông Lê Thắng (74 tuổi), ngày ấy là du kích của xã Phổ Hiệp (tên gọi trước đây của xã Phổ Khánh và các xã khác), đã từng tham gia cứu các chiến sĩ tàu 43, vẫn không quên được ngày tàu cập bến Quy Thiện. Lúc đó, trời đã về đêm. Trên biển Quy Thiện, pháo địch liên hồi bắn phá, làm sáng cả vùng trời. Xe tăng ầm ầm tiến về. Trước tình thế nguy cấp, bà con địa phương cùng lực lượng du kích tỏa đi dọc mé biển để đón các chiến sĩ, rồi đưa họ xuống trú nấp dưới hầm.

Suốt 10 ngày đêm sau đó, địch điên cuồng tìm kiếm chiến sĩ cách mạng. Nhưng được sự bảo vệ, chăm lo của cán bộ và nhân dân nơi đây, các chiến sĩ của tàu 43 vẫn tuyệt đối an toàn. Các chiến sĩ bị thương được đưa lên Trạm xá ở Ba Khâm (Ba Tơ), nơi có bác sĩ Đặng Thùy Trâm và y sĩ Lê Văn Khương đang làm việc để điều trị.

Tại trạm xá, các chiến sĩ tàu không số được y, bác sĩ và người dân nơi đây chăm sóc tận tình. Y sĩ Lê Văn Khương (76 tuổi) kể: “Hồi đó bệnh xá thiếu thuốc men và cả lương thực, chị Trâm cùng chúng tôi phải về đồng bằng tìm mọi cách mua thuốc tây và cõng gạo lên để nuôi và cứu chữa anh em thương binh”. Ở bệnh xá hơn một tháng, sức khỏe anh em hồi phục dần. Họ lại được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng các nữ y sĩ, y tá cắt vải dù làm ba lô cho các anh lên đường. Ngày các anh đi, trong nhật ký, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ... Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại bắt tay chào mình một lần cuối...”.

Hạt gạo nghĩa tình

Tháng 10.2013, Đoàn tàu tìm lại dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã đến Quảng Ngãi. Theo chân đoàn tàu ấy có hai cựu chiến binh Lưu Quang Hào và Hoàng Gia Hiếu, là những thủy thủ trên đoàn tàu không số được quân và dân Quảng Ngãi bao bọc. Chia sẻ với thế hệ trẻ quê hương núi Ấn- sông Trà trong năm ấy (2013), ông Hào bảo rằng, vùng đất cách mạng Quảng Ngãi trong mắt ông là những ký ức đẹp khó quên...

 

 Chiếc bình đông nước mà y sĩ Lê Văn Khương dùng để lấy nước cho các chiến sĩ tàu không số uống.
Chiếc bình đông nước mà y sĩ Lê Văn Khương dùng để lấy nước cho các chiến sĩ tàu không số uống.


Ngày tàu không số bị sự cố, các chiến sĩ phải ở lại trên đất Quảng Ngãi trong suốt một tháng trời và cho đến giờ, trong họ, tấm lòng của nhân dân Quảng Ngãi vô cùng sâu đậm. Hạt gạo hồi đó nhân dân Quảng Ngãi làm ra phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà là bằng máu. Cứ đến mùa lúa chín, địch lại càn qua đốt sạch ruộng lúa, nên hạt gạo để dành trong mỗi gia đình rất ít. Dù vậy, bà con vẫn nhịn ăn để nuôi bộ đội. Khi rời Quảng Ngãi ra Bắc, các chiến sĩ còn được bà con cho thêm gạo để làm lương thực dọc đường.

Ông Hoàng Gia Hiếu, một CCB của tàu không số 41 tham gia Đoàn tìm lại dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã xúc động khi nhắc đến hạt gạo và tình người trên đất Quảng Ngãi. Sau khi cho tàu nổ, các anh được du kích địa phương và nhân dân dìu vào bờ an toàn. Những ngày sau đó các anh được ăn toàn cơm gạo ngon. Thấy có điều lạ, các anh tìm hiểu thì mới hay rằng, các mẹ, các chị ăn toàn củ mì để ra đồng, nhường cơm ngon cho thương binh.

Rồi chuyện, ngày đó các anh đang được chăm sóc tại trạm xá có bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một người mẹ già lên thăm các anh cõng một trái bí đỏ nặng 5kg đi từ xã Phổ Cường (Đức Phổ) lên tận xã Ba Khâm (Ba Tơ). Thấy người mẹ hái bí, cô con gái của mẹ ấy hỏi quả bí còn non mẹ hái chi sớm vậy, thì người mẹ này quả quyết: “Quả bí mà còn nói non với già, thế xương máu của các chiến sĩ dành cho đất nước có non có già không con?”.  Nghĩa cử của người phụ nữ nơi hậu phương chỉ là thế...

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 
 


CÁC TIN KHÁC
.