Hơn 40 năm lặng thầm với y tế vùng cao

07:09, 16/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1985, chàng trai Đinh Văn Rây, lúc ấy là Trưởng trạm Y tế xã Sơn Mùa (Sơn Tây), được cấp trên tin tưởng, đề bạt vào vị trí Phó Chủ tịch UBND xã. Được thăng chức, nhiều người mừng cho Đinh Văn Rây. Thế nhưng, anh vẫn quyết định gắn bó với nghề y. Năm nay ông Rây đã 61 tuổi, trải qua 41 năm thầm lặng chữa bệnh, cứu người, nếu giải thích cho sự thủy chung ấy, thì đó là tình yêu nghề, tận tâm với bệnh nhân nơi rẻo cao giữa muôn vàn gian khó.

TIN LIÊN QUAN

“Mát tay” đỡ đẻ

Một ngày giữa năm 1996, trời lất phất mưa, có một tốp thanh niên vã mồ hôi khiêng người phụ nữ sắp sinh trên chiếc võng đi tìm người đỡ đẻ. Đi được một đoạn ngắn, ai nấy đều tái mặt, khi thai phụ vỡ ối giữa đường, mà Trạm Y tế xã thì còn cách quá xa. Khi hay tin, anh Đinh Văn Rây lúc này là Trưởng trạm Y tế xã Sơn Mùa, tức tốc chạy bộ đến nơi. Sự xuất hiện của anh khiến những khuôn mặt nhợt nhạt vì lo sợ của người nhà vơi đi.

Có y tá Rây đỡ đẻ, thai phụ sinh con giữa đường lúc ấy là chị Đinh Thị Lõi đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Mới đó mà đã 20 năm. Cậu bé Đinh Văn Him, con trai chị Lõi được ông Rây đỡ đẻ nay đã trưởng thành và đang làm nghề lái xe trên huyện.

 

Với những cống hiến trong lĩnh vực y tế, ông Đinh Văn Rây được chính quyền các cấp khen tặng, biểu dương.
Với những cống hiến trong lĩnh vực y tế, ông Đinh Văn Rây được chính quyền các cấp khen tặng, biểu dương.


Trường hợp của chị Đinh Thị Lõi chỉ là một trong rất nhiều những ca đỡ đẻ thành công mà trong 41 năm làm công tác y tế nơi rẻo cao ông Đinh Văn Rây đã trực tiếp, cứu nhiều người bên lằn ranh sinh tử. Bây giờ ông Rây đã về hưu, nhưng người làng và cả chính quyền vẫn xem ông là “đầu tàu” trong công tác y tế của xã.
 

“Ông Rây là điểm tựa trong những lúc ốm đau của nhiều bà con Ca Dong. Có được một cán bộ vùng cao gắn bó hơn nửa đời người trong lĩnh vực y tế như ông quả là khó. Với những cống hiến của mình trong lĩnh vực y tế, vào năm 2013, ông Rây là người đầu tiên của huyện Sơn Tây, được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là đồng nghiệp, chúng tôi tự hào vì có được một cán bộ y tế tận tâm như vậy!”
Ông ĐINH HỒNG NHÍA - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây.

Gian nan với nghề

Năm 11 tuổi, cậu bé Đinh Văn Rây được cha dẫn vào rừng nhờ các chú bộ đội dạy chữ. Cha bảo với cậu bé Rây rằng: “Phải học cái chữ để sau này về tuyên truyền cho người Ca Dong mình đi theo cách mạng, đánh đuổi giặc ngoại xâm!”. Lúc bấy giờ, Đinh Văn Rây là cậu bé Ca Dong hiếm hoi biết chữ. Sau này, khi huyện đề nghị chọn người đi học y tá để về chữa bệnh cho dân làng, xã đã chọn Rây.

Nhớ lại chuyện đi học và về làm Trưởng trạm Y tế xã Sơn Mùa vào năm 1974, ông Rây kể: “Nói làm trạm y tế cho oai, chứ thực ra đó là một cái chòi được làm bằng tre nứa. Không có bác sĩ, cũng chẳng có y tá. Mình và một vài đồng nghiệp nữa kiêm nhiệm rất nhiều việc “không tên”. Trong đó lo nhất là chuyện sinh đẻ của người Ca Dong.

Với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, nên hầu như hộ nào cũng sinh gần chục đứa con. Việc sinh con tại nhà vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ, nên chẳng có mấy thai phụ chịu đến trạm y tế sinh. Rất nhiều sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi sinh con tại nhà, nhưng để thuyết phục họ bỏ tập tục, quả là một thách thức”.

Những năm 1980, Đinh Văn Rây lúc ấy là một thanh niên, bảo với người làng rằng: “Phải vào Trạm Y tế để sinh con thì mới đảm bảo sức khỏe”. Nghe y tá Rây nói vậy, nhiều người làng nhìn ông với ánh mắt ngờ vực. Họ bảo: “Thằng Rây nói không thiệt bụng. Nó là con trai, sao đỡ đẻ cho phụ nữ được! Thà sinh ở nhà, chứ nhất quyết không cho Rây đỡ đẻ đâu!”. Y tá Rây thấu cái lý của dân làng, nhưng lấy đâu ra y tá nữ. Bởi lẽ vào thời điểm đó, cán bộ y tế về công tác ở vùng cao còn quá mỏng do đồng lương ít ỏi, đường sá xa xôi cách trở.

Những vụ việc đáng tiếc trong việc sinh con của đồng bào cứ thể nối dài, mà chẳng ai chịu thay đổi cách nghĩ. Không lâu sau đó, chị Đinh Thị Grây, ở cùng xã, khi tự sinh ở nhà thì gặp nguy kịch. Mãi đến lúc bà đỡ đẻ bó tay, người nhà mới chịu chạy đến Trạm Y tế cầu cứu y tá Rây. Dần dà, người làng tin y tá Rây thiệt bụng và dần dần đến trạm y tế để sinh con.

Những đứa trẻ Ca Dong đã lần lượt chào đời bởi bàn tay của Rây. Có người sau khi được cứu đã tặng bộ chiêng quý, nhưng Rây không nhận vì... bà con mình nghèo quá! Già Rây nhớ lại: “Số ca tôi đỡ đẻ thành công nhiều lắm nên không thống kê hết được. Mãi đến năm 2000, khi Trạm Y tế xã có một nữ y tá về công tác, việc đỡ đẻ do tôi “cầm trịch” bấy lâu mới được san sẻ”.

Điểm tựa của dân làng

Những năm chưa tái lập, vùng cao Sơn Tây là “trung tâm” của rất nhiều bệnh dịch. Việc chống lại bệnh sốt rét; vận động dân đưa con đi tiêm phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván... là một cuộc chiến cam go. Bởi người Ca Dong sống du canh, du cư, chẳng mấy khi quan tâm đến việc phòng chống bệnh.

Khoảng thời gian năm 1986 đến năm 1987, bệnh sốt rét bùng phát mạnh ở Sơn Tây. Có lần anh Rây theo đoàn cán bộ huyện đi tuyên truyền, nhắc nhở người dân, khi ngủ phải mắc màn để không bị muỗi đốt. Nghe cán bộ nói, có người lý sự rằng: "Con muỗi bé tí, làm sao mà nó mạnh bằng người được! Muỗi không gây được bệnh đâu”. Đó là những trường hợp cá biệt, còn về sau, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, bệnh sốt rét cũng dần bị đẩy lùi. Hôm chúng tôi đến nhà già Rây, để ý thấy ông đang hướng dẫn cho đứa cháu nhỏ quét nhà, rồi hát vài câu bằng tiếng Ca Dong. Hỏi ông dịch ra tiếng Kinh cho tôi hiểu. Ông bảo, đoạn trong bài hát có ý rằng: “Phải dùng chổi quét nhà, ăn cơm phải dùng đũa, uống nước phải đun sôi, đi ngủ phải mắc màn...”.

Những đều tưởng chừng như rất giản đơn, nhưng để người Ca Dong học thuộc và làm được như vậy thì không hề đơn giản chút nào. Vì hàng chục năm trước, nhiều người Ca Dong quê ông không biết chữ. Ngay cả những “thông điệp” tuyên truyền đến người dân, cũng  được “mềm hóa” cho có vần có điệu thì bà con mới nhớ và làm theo.

 Ông Đinh Văn Rây, người đã 41 năm làm công tác y tế, được nhân dân, chính quyền tin yêu.
Ông Đinh Văn Rây, người đã 41 năm làm công tác y tế, được nhân dân, chính quyền tin yêu.


Người làng tin y tá Rây. Họ bảo, y tá Rây thiệt bụng, là người không tham lam lợi lộc. Năm 1985, ông được chính quyền cấp trên phân công giữ chức Phó Chủ tịch xã, nhưng ông một mực từ chối. Ông nói với cấp trên rằng, bao giờ có người làm trạm trưởng, thay công việc chữa bệnh cho dân thì ông mới yên tâm đảm nhiệm vị trí khác. Khi hay tin ông từ chối một chức vụ cao hơn, người nhà y tá Rây rất giận. Còn Rây từ tốn giải thích rằng: "Bà con ốm đau triền miên, họ còn rất cần mình”.

Ở Sơn Mùa, người ta cũng nói, y tá Rây là người sáng dạ, “đa năng”, làm rất nhiều việc. Vào những năm 1990, Sơn Mùa vẫn là xứ sở của đèn dầu. Thế rồi một ngày cả làng bị khuấy động khi nhìn thấy ánh sáng phát ra từ Trạm Y tế xã, nhà y tá Rây và nhiều ba con xung quanh.

Để mang điện về làng, y tá Rây dùng số tiền lương dành dụm và bán thêm một con bò, lặn lội xuống huyện mua tua- pin về làm thủy điện trên con suối Hà Rã. Ông Rây kể: "Nhiều trường hợp ban đêm bà con ốm đau, nhưng đến trạm y tế thì khó thăm khám cho bệnh nhân vì trời tối om. Điện được kéo về, dân làng mới yên tâm đến trạm y tế để chữa bệnh”.

Bây giờ Trạm Y tế xã Sơn Mùa, đã có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị. Năm 2010 Trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện vùng cao Sơn Tây. Có được “quả ngọt” ấy, có công đóng góp rất lớn của y tá Rây, người đã 41 năm thầm lặng với công tác y tế vùng cao.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


CÁC TIN KHÁC
.