Lời ca tan theo con sóng...

08:08, 21/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thời gian, nhiều người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân hoặc am hiểu loại hình văn hóa dân gian ngày càng ít đi, nhiều người chưa kịp truyền lại cho thế hệ mai sau đã "phải" mang theo kho tàng văn hóa dân gian mà mình cất công sưu tầm, gìn giữ từ bao thế hệ về miền cực lạc, trong sự nuối tiếc khôn nguôi của lớp hậu thế.

TIN LIÊN QUAN

Hôm xướng tên lên nhận danh hiệu "nghệ nhân dân gian" loại hình hát bả trạo, ông Vũ Huy Bình - người làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) rạng ngời niềm vui. Mà không vui sao được, khi mà gần cả cuộc đời ông vất vả lo toan mưu sinh, nhưng không một giây phút nào quên những làn điệu bả trạo quê mình.

Hát sắc bùa luôn thu hút đông đảo người xem vào mỗi dịp lễ hội.                                                                                                                                                                                                                                                                                          ẢNH: Minh thu
Hát sắc bùa luôn thu hút đông đảo người xem vào mỗi dịp lễ hội. ẢNH: Minh thu


Nhà ông Bình nằm sâu trong con đường làng, trên dông đất đồi ôm lấy chân sóng làng biển Hải Ninh. Mùa này, biển lặng sóng, chiều muộn chim hải âu lần lượt bay về Hòn Châm, Hòn Ông, Hòn Cò trú ngụ. Hớp ngụm trà nóng, ông Bình kể: Trước đây, chiến tranh loạn lạc, nhưng đến ngày lễ cầu ngư và giỗ thần Nam Hải, ông luôn được cha dắt ra Vạn để dự lễ. Từ đó, những câu hò của các bậc cao niên cứ thế vang dội và ăn sâu trong tâm trí ông. Đến tuổi trưởng thành, ông bôn ba khắp mọi miền mưu sinh, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, những câu hò bả trạo ở quê nhà vẫn mãi vang vọng trong ông.
 

Quảng Ngãi có  9 nghệ nhân có công giữ gìn, sưu tầm các loại hình nghệ thuật, giá trị văn hóa tín ngưỡng, lao động sản xuất... được công nhận là nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân dân gian. Họ chưa được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách nào để khuyến khích lưu giữ hay truyền bá cho thế hệ sau. Sở hiện  đang làm các thủ tục đề nghị cấp trên hỗ trợ chế độ, để họ cống hiến, truyền dạy cho thế hệ con cháu, góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân gian.
Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ – Giám đốc Sở VH-TT&DL.

Ngày non sông thu về một mối, ông Bình trở về gắn bó phần đời còn lại với làng chài. Ngày lênh đênh trên biển mưu sinh, tối lại ông mang vở đến thọ giáo các cụ Huỳnh Tui, Dương Anh, Hồ Thị Dũ... Ông ghi chép cẩn thận từng lời và luyện từng điệu.

Cứ thế, những câu hò bả trạo ăn sâu vào trong máu thịt của ông. Đến khi ông cất lên tiếng hát “ngọt lịm”, khiến làng biển vui như mở hội. Bà con trong vạn tín nhiệm, nên năm nào đến ngày cúng vạn, ông Bình đều được mời tham gia và tổ chức hát bả trạo.

Xòe đôi bàn tày nhăn nheo, vuốt trang vở mà ông ghi lời những bài hát nay đã nhuộm màu thời gian, ông nói: Không biết sau lớp chúng tôi thì có mấy ai biết được những lời này. Nói rồi ông cất giọng đọc một câu theo điệu tế: “Biển Đông đông, nước Việt anh linh. Thần cơ màu nhiệm, thánh đức thanh lương...”.

Dù tuổi đã cao, nhưng giọng ông vẫn ấm áp như sóng biển dịu êm ru bờ cát trắng, dìu bước cho tàu thuyền vươn khơi xa. Ông bảo, đây là câu tế nói lên hồn cốt, khí phách của dân tộc ta và khắc họa hình ảnh ngư dân chất phác, nhưng cũng gan dạ, bản lĩnh như người lính lúc xung trận.

Ông Vũ Duy Bình và Nguyễn Thực đang bàn bạc chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Bình Thạnh.
Ông Vũ Duy Bình và Nguyễn Thực đang bàn bạc chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Bình Thạnh.


Ông Nguyễn Văn Tiệu – Nguyên Trưởng Ban Văn hóa-Thông tin xã Bình Thạnh rất tự hào khi nhắc đến ông Bình: “Chú nó khá am hiểu lời ca, điệu hát bả trạo và diễn xuất khá sinh động. Giờ đây bà con làng chài này coi chú nó như là “kho tàng”, là “cuốn sách quý” của loại hình văn hóa dân gian.

Hằng năm, cứ đến dịp tháng Giêng, nhiều làng chài tổ chức cúng vạn, bắt đầu một mùa biển mới thì cũng là lúc ông Bình vất vả sắp xếp lịch cho lời mời của các làng chài. Dù vậy, ông chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với niềm đam mê của mình. Đội của ông có 19 thành viên, tuổi đời từ 25 đến trên 60 tuổi. Họ là rường cột của gia đình, nhưng khi nghe ông Bình "phát lệnh" là liền thu xếp, mang đạo cụ, kèn, trống, chèo, gươm, gầu tát nước, quần áo... lên đường.

Từ xã Bình Thạnh đội ngược đường vào xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), Đức Minh (Mộ Đức); khi thì thuê xe chạy thẳng ra Núi Thành, Hội An (Quảng Nam) biểu diễn cho những chủ tàu, hồ tôm sau một mùa làm ăn hiệu quả. Mỗi lần diễn, công thù lao mỗi người chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng ai nấy đều phấn khởi...

Với nghệ nhân dân gian hát bài chòi Nguyễn Thực, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) dù “cơm nhà, áo vợ”, cuộc sống đầy khó khăn, nhưng nói đến chuyện hát bài chòi thì mắt ông sáng trưng. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông cất cao giọng hát như tự trách mình: “Rủ nhau đi hát bài chòi. Để con nó khóc đến lòi rốn ra”. Cứ đến dịp Tết về hay rằm Trung thu là ông Thực tổ chức hát bài chòi. Thoạt đầu, ai cũng thấy hát bài chòi khá đơn giản, nhưng khi được xem thì không sao rời tai, mắt được.

 Ông Thực bốc thẻ bài 6 suốt, liền hát: “Anh về với biển đảo ta ơi. Mà nghe như cả bầu trời mến thương. Trường Sa, biển đảo quê hương. Hoàng Sa ta đó vấn vương cuộc đời. Anh đi giữ đảo biển khơi. Ở nhà em vẫn suốt đời chờ anh…”.  Ông Thực bộc bạch: Cái nghề hát bài chòi này một khi đã yêu thì không thể nào vứt bỏ duyên phận được.

Có lần lênh đênh mưu sinh trên biển, ngồi câu mãi mà không được con cá nào, ông kéo câu lên thì cục chì bị cá cắn nát, cao hứng ông liền ứng biến một câu theo điệu bài chòi: “Thương thay cho con nóc nó phù phì. Cái lưỡi nó không dứt mà nhè hòn chì dứt ngang”. Thế là bạn thuyền đi cùng có một phen cười thỏa thích, quên đi cái mệt nhọc mưu sinh giữa trùng khơi. Trong làng ai cũng khâm phục cái tài nghệ sưu tầm, hát, chế tác bài chòi của ông..., nhưng rồi cũng tỏ ra nuối tiếc, vì những người như ông Thực không nhiều.

Ngoài ông Thực, ông Bình, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn công nhận thêm 4 nghệ nhân sở hữu các làn điệu hát bả trạo, sắc bùa, nghệ thuật gốm sứ, góp phần phục dựng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghệ nhân dân gian... Mỗi nghệ nhân đều có công góp phần giữ gìn hồn cốt, giá trị văn hóa dân gian, lịch sử của làng chài. Tiếc rằng, số người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân hoặc am hiểu loại hình văn hóa dân gian này ngày càng ít đi. Nhiều người chưa kịp truyền lại cho thế hệ mai sau đã phải ôm trọn kho tàng văn hóa dân gian mà mình cất công sưu tầm, gìn giữ đi vào cõi vĩnh hằng.

 

Múa chèo và hát hò theo điệu bả trạo.
Múa chèo và hát hò theo điệu bả trạo.


Ông Bùi Duy Huyễn - nguyên Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca bài chòi xã Bình Thuận (Bình Sơn) là thế. Đã gần một năm kể từ ngày ông mất, nhưng giờ nhắc đến tên ông, người dân Bình Thuận luôn rớm nước mắt, nhất là những hội viên trong CLB, vì không còn được nghe giọng ông ngân vang những làn điệu dân ca bài chòi tha thiết ngọt ngào thuở nào.

 Ông Nguyễn Thực (61 tuổi) người kế nhiệm CLB, tiếc nuối: “Giá mà có cơ chế chính sách thì ông đã dạy cho con cháu trong làng hiểu rõ hơn loại hình nghệ thuật này”. Giờ ông Thực cũng được phong tặng nghệ nhân dân gian, duy trì hoạt động của CLB cũng chỉ bằng niềm đam mê mà thôi. Còn với nghệ nhân dân gian hát bả trạo Vũ Duy Bình, đến bây giờ ông cũng truyền lại cho khoảng 70 người, ở hai lứa tuổi 40 và 20, nhưng rồi vì những lo toan trong cuộc sống thường ngày nên ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết như thế hệ ông Bình không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Tiệu - nguyên Trưởng Ban Văn hóa-Thông tin xã Bình Thạnh, đăm chiêu: Đã công nhận nghệ nhân dân gian nhưng không có chế độ, chính sách để họ truyền lại cho thế hệ  mai sau thì thật là tiếc! Các nghệ nhân dân gian ở Quảng Ngãi tuổi đã xế chiều. Họ không còn nhiều thời gian và điều kiện để cống hiến như thời trai trẻ...

Bài, ảnh: MAI HẠ



 


CÁC TIN KHÁC
.