Đá Chông K9 nhớ Người...

03:05, 22/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đá Chông K9 - nơi Bác Hồ chọn làm căn cứ kháng chiến năm xưa và cũng là nơi lưu giữ thi hài Bác trong những ngày đầu khi Người mất. Không gian đẹp, yên tĩnh nhưng vô cùng ấm áp, khiến bất cứ ai tới vẫn đều cảm nhận được hơi ấm của Người dường như vẫn ở quanh đây...

Địa danh lịch sử đặc biệt


Tình cờ một lần tôi theo đoàn cán bộ công tác tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã nghỉ hưu về thăm Đá Chông K9. Ông Bùi Kim Hồng - nguyên Giám đốc Khu Di tích, dù sức khỏe không được như xưa, vẫn hăng hái "xung phong" làm trưởng đoàn với lý do đơn giản: "Tôi đã 40 năm giữ nhà sàn cho Bác và tôi đã từng nhiều lần đến với Đá Chông. Vậy nên để tôi làm trưởng đoàn".

 Nhà thờ Bác Hồ ở khu di tích Đá Chông K9.
Nhà thờ Bác Hồ ở khu di tích Đá Chông K9.


Trong suốt hành trình từ Hà Nội về Phú Thọ để đến với Đá Chông, ông Hồng rưng rưng kể nhiều chuyện về những năm tháng ông gắn bó với Khu Di tích từ lúc tốt nghiệp đại học cho đến khi nghỉ hưu. Quãng đường về với Đá Chông K9 như ngắn lại nhờ những câu chuyện ấy. Và khi xe dừng lại ngay trước một không gian xanh thẳm, bao la, ông Hồng bảo: "Mọi người xuống xe, đã đến Khu di tích Đá Chông rồi đấy!".

Khu di tích Đá Chông K9 rộng khoảng 250ha nằm trong hệ thống vùng đất đồi gò huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Đá Chông cao bình quân so với mực nước biển khoảng 40 mét, cá biệt có nơi cao tới hơn 140 mét. Nhiệt độ ở Đá Chông mát mẻ quanh năm.

Theo tài liệu lịch sử, năm 1957 Bác Hồ sau nhiều lần suy xét đã chọn Đá Chông để xây dựng khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ. Đây là địa điểm lý tưởng, có phong cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, có sông Đà chảy qua, khí hậu trong lành, yên tĩnh, đất đai rộng, nhiều cây che phủ. Trước đây, dân ở quanh Đá Chông thưa thớt nên dễ giữ gìn bí mật, thuận tiện cho tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội.

Đường rợp bóng cây xanh trong khu di tích Đá Chông K9.
Đường rợp bóng cây xanh trong khu di tích Đá Chông K9.


Thiếu tá trẻ Nguyễn Văn Tuấn là cán bộ chính trị của Khu Di tích Đá Chông làm "hướng dẫn viên" đưa đoàn đi tham quan. Theo con đường rợp mát đoàn về Nhà thờ Bác Hồ ở Đá Chông. Cả đoàn thắp hương thưa với Bác nỗi lòng của mình khi về thăm nơi đây. Thiếu tá Tuấn giải thích: "Khu di tích Đá Chông hay còn gọi là K9. Trong 6 năm chống Mỹ cứu nước, thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản tại đây, với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày...".

Thiếu tá Tuấn thuyết minh mà giọng truyền cảm như lời dặn dò, nhắn nhủ. Anh nói: "Đây là địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, gắn liền với sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã được chính Bác chọn làm căn cứ để Bác cùng với Bộ Chính trị làm việc, quyết định một số vấn đề về kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc... Điều đó càng làm ý nghĩa của công trình tăng lên. Vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy ý nghĩa chính trị của khu di tích này để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau để có niềm tin thực hiện thắng lợi mong muốn của Bác lúc sinh thời là xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh".
 

Tại Đá Chông K9, trước đền thờ Bác Hồ, ngày 19.5.2015, Anh hùng Lao động Giáo sư Vũ Khiêu đã có hai bài thơ " Nhớ ngày Bác tới" và "Ngày hôm nay" nói thay tình cảm nhân dân Việt Nam dành cho Bác được tạc vào bia đá. "Nhớ ngày Bác tới, non ngàn chào đón, chim ca ríu rít chung quanh. Khe suối reo vui, hoa nở tưng bừng mọi phía... Vinh quang thay K9 suốt bao năm đón Bác đi về". Và "Đường cứu quốc, Bác lưu di chúc... Vạn dặm sơn hà cẩm tú, ra sức dựng xây"... 

Nhớ Người

Chúng tôi đi tham quan nhiều điểm trong khu di tích Đá Chông K9. Đọc mỗi câu thơ, ngắm từng hiện vật, nhẹ bước dưới rừng cây... chúng tôi cảm nhận hơi ấm của Người như vẫn quanh đây. Mỗi một kỷ vật đều là câu chuyện chứa đựng tình cảm sâu sắc của Người dành cho cách mạng, cho nhân dân.

Thiếu tá Tuấn đưa chúng tôi đi trên con đường sỏi rất nhiều bậc tam cấp nối từ khu làm việc của Bác ở Đá Chông xuống bờ sông Đà và giải thích: "Đây là con đường Bác cho xây dựng để rèn luyện sức khỏe. Mỗi sáng sớm hay chiều tà, khi hết việc, Bác chân trần đi bộ nhiều vòng trên lối này mục đích là rèn luyện sức khỏe, để một ngày vào với miền Nam thăm đồng bào ruột thịt". Rồi anh Tuấn chỉ cho chúng tôi từng cây xanh quý - món quà lưu niệm mà những người bạn quốc tế trồng tặng Bác, với tấm lòng yêu mến, quý trọng vô bờ. Khoảng sân rộng toàn sỏi nhỏ trước khu nhà làm việc của Người được anh Tuấn giải thích: Ngày xưa ở khu rừng Đá Chông này rất nhiều thú dữ. Bác cho rải sỏi để khi có thú dữ xuất hiện sẽ gây tiếng ồn, báo hiệu cho mọi người có cách ứng phó kịp thời. Trong ngôi nhà làm việc, nhà ở của Bác, có nhiều cửa sổ được Bác cho bọc bên trong song gỗ bằng tấm màn kẽm, để vừa đảm bảo ánh sáng tự nhiên, vừa ngăn muỗi rừng gây hại sức khỏe...

  Bia đá tạc thơ của GS Vũ Khiêu tại Khu di tích .
Bia đá tạc thơ của GS Vũ Khiêu tại Khu di tích .


Xúc động dâng trào khi đoàn chúng tôi đặt chân vào phòng nghỉ của Bác, đơn sơ nhưng ấm áp lạ thường. Mấy bộ quần áo vải của Người được gấp gọn để ở cuối đuôi giường. Anh Tuấn truyền cho chúng tôi thông điệp: "Tủ quần áo đóng cho Bác, Bác nhường cho các anh chị em cùng làm việc ở đây sử dụng. Bác bảo quần áo Bác không nhiều, gấp gọn để cuối giường là được".

Quanh nơi sống và làm việc ở Đá Chông, Bác cho trồng rất nhiều hoa. Anh em phục vụ Bác thường được Bác cắt hoa rồi bảo đem về tặng cho vợ, người yêu tỏ lòng yêu mến, cảm ơn những người phụ nữ đã thay mình gánh vác việc gia đình, giúp mình an tâm cống hiến cho kháng chiến, cho cách mạng... Mỗi việc làm, dù nhỏ Người đều dồn hết tâm sức, tình cảm, trách nhiệm cho kháng chiến, cho cách mạng, cho đồng chí, đồng bào.

 

Ghi chép của THANH NHỊ
 
 


CÁC TIN KHÁC
.