Phóng sự và tôi

02:04, 03/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phóng sự như một “cái đinh” của cả số báo. Nó không chỉ phản ánh một cách đa dạng, đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội, mà trong từng con chữ, người đọc cảm nhận được từng hơi thở khẽ khàng nhưng thổn thức qua mỗi con chữ. Tóm lại là, phóng sự báo chí nhưng rất... văn chương. Văn chương nhưng lại chuyển tải những câu chuyện hết sức cụ thể và sinh động bằng ngôn ngữ trần thuật của báo chí.
 

Cái hay của mục phóng sự trên báo Lao Động trước đây chính là chỗ biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn và báo ấy. Đấy là lý do mà từ nhiều chục năm qua, những sinh viên báo chí làm luận văn tốt nghiệp đại học, khi chọn đề tài “phóng sự” thường lấy tư liệu từ báo Lao Động để làm “nguồn” cho bài tốt nghiệp.

Trở lại với câu chuyện của tôi. Vào giữa năm 1994, khi xem bài báo tôi viết về một số di tích văn hóa, lịch sử ở Quảng Ngãi bị tàn phá không thương tiếc, anh Trần Trọng Thức (bấy giờ là Trưởng ban Kinh tế, kiêm phụ trách mục “phóng sự” của báo Lao Động), thay vì cho đăng ngay, thì lại gọi cho tôi: “Em triển khai đề tài này cho mục phóng sự được không? Anh thấy thú vị, có thể viết phóng sự”.

Thú thật là, đến lúc đó, tôi đã viết khá nhiều bài trên báo Lao Động nhưng mục phóng sự, với tôi, vẫn là “ngôi đền thiêng” mà tôi chưa từng dám mơ ước là mình sẽ được đặt chân một lần lên đó. Được lời như cởi tấm lòng, tôi hì hụi đúng... 3 ngày với rất nhiều gạch xóa trên bản viết tay để hoàn thành bài phóng sự “Thông điệp của quá khứ” và “bí mật” gửi vô TP.HCM. Rồi chờ đợi trong hồi hộp. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua mà chẳng thấy nó “lú lên”, tôi bắt đầu hoang mang, thiếu tự tin vào mình. Đến tuần thứ 3 thì... tôi không tin vào mắt mình nữa. Hai tấm ảnh chụp cảnh núi Phú Thọ bị băm nát tơi bời, đăng ngay trang 1, mở trang 6 thì thấy bài báo “to vật” chiếm cả nửa trang. Bài viết là của mình, nó sờ sờ trước mắt mà cứ ngỡ nằm mơ! Thời đó mà được đăng trên tờ Lao Động, dù là một bản tin “con ruồi” cũng mê mẩn cả ngày, huống là nửa trang báo, nhuận bút đến 800.000 đồng, bằng hai chỉ vàng!

Tác giả tại giàn khoan mỏ Bạch Hổ-Vũng Tàu.
Tác giả tại giàn khoan mỏ Bạch Hổ-Vũng Tàu.


Đã 22 năm rồi, kể từ khi phóng sự đầu đời của nghề báo xuất hiện trên tờ Lao Động, tôi đã viết hàng trăm phóng sự ở rất nhiều tờ báo khác nhau, song “mối tình đầu” ấy vẫn cứ thổn thức mỗi khi nhắc về nó. Được sự khích lệ của tòa soạn (cái này rất quan trọng cho các nhà báo mới vào nghề), tôi lao vào chuyên mục này bằng tất cả niềm đam mê của tuổi trẻ. Có bạn đọc hỏi: “Anh thích phóng sự nào nhất?”.
 

Phóng sự là một thể loại rất kén đề tài, có “sự” rồi nhưng người viết phải biết “phóng” làm sao đó để những con số cùng sự kiện và những nhân vật mà mình đề cập ấy nó cựa quậy, nó lung linh lên. Càng cựa quậy, càng lung linh bao nhiêu thì tuổi thọ của nó càng lâu trong lòng bạn đọc bấy nhiêu.

Thú thật là rất khó trả lời, vì cũng như những đứa con rứt ruột đẻ ra, bảo yêu thương đứa nào nhất thì cũng ngắc ngứ đấy thôi. Nhưng bạn đọc thì lại công tâm với sản phẩm của nhà báo. Hôm kỷ niệm 5 năm Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho dòng sản phẩm đầu tiên, tôi tình cờ ngồi cùng bàn với những vị quan chức từng lãnh đạo ngành dầu khí, anh Đặng Hồng Sơn, Chánh văn phòng của nhà máy giới thiệu tôi với mọi người. Tất cả trong bàn cười ồ: “Tác giả của phóng sự “Thành phố trực thuộc xã”, ai chả biết mà giới thiệu!”. Thú thật là tôi vô cùng bối rối, vừa sướng râm ran vừa rất ngại ngần, vì bài báo ấy, tôi đã “chọc” thẳng vào sự trì trệ trong quá trình xây dựng nhà máy lọc dầu, làm “mất lòng” không ít những vị lãnh đạo ngành dầu khí bấy giờ.

Có người ví von, thông tin trên báo của ngày hôm nay là huyệt mộ của những bài báo ngày hôm qua. Nghĩa là, “tuổi thọ” của một bài báo là vô cùng ngắn ngủi. Ấy vậy mà đã hơn 15 năm rồi, có người còn nhắc đến tên một bài báo, hỏi có niềm vui nghề nghiệp nào hơn? Và chỉ có “phóng sự” thì mới sống khỏe và lâu đến vậy.

Tác giả phỏng vấn bằng… tay với ông Colburn, viên phi công đã cứu hàng chục phụ nữ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968.
Tác giả phỏng vấn bằng… tay với ông Colburn, viên phi công đã cứu hàng chục phụ nữ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968.


Cũng như mới đây, qua facebook, một nhóm thiện nguyện ở TP.Quảng Ngãi muốn hỏi tôi về một nhân vật mà tôi từng đề cập trong phóng sự “Chuyện cổ lai hy” viết về hoàn cảnh của vợ chồng hai người lính bị nhiễm chất độc da cam, không thể sinh con. Anh chị vô Bệnh viện Đức Phổ “đặt hàng” xin con. Đợi mãi không thấy “con”, anh lại ra Bệnh viện Quảng Ngãi “đặt hàng” tiếp. Cũng chẳng thấy “con” đâu. Thế rồi đùng một cái, cùng lúc cả hai bệnh viện mang đến “biếu” cho anh chị cả hai đứa! Chị buôn bán lặt vặt ở ga Thạch Trụ, anh thì hành nghề rà sắt vụn mà dụng cụ hành nghề được một đồng đội cũ biếu cho, chỉ đủ ăn qua ngày, giờ phải cùng lúc nuôi hai đứa trẻ. Thật cám cảnh quá chừng! Tôi viết về anh chị ấy bằng tất cả sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Rồi công việc lu bu đã “lấp” đi câu chuyện nọ. Nhóm thiện nguyện đã xới lên chuyện cũ và muốn giúp anh chị ấy. Xóm nhà và con đường dẫn vào “tổ ấm” ngày nào vẫn còn lờ mờ trong ký ức của tôi. Và nhóm thiện nguyện đã tìm ra nhà! Anh Hòa, “nhân vật” của tôi ngày nào giờ đã “lên lão”, hai con họ đã là những thanh niên. Gia đình anh chị đã “thoát nghèo”, một phần từ sự giúp đỡ của bạn đọc.

Tôi nhắc lại chuyện trên không phải “kể công” mà chỉ muốn nói rằng, phóng sự là một thể loại rất kén đề tài, có “sự” rồi nhưng người viết phải biết “phóng” làm sao đó để những con số cùng sự kiện và những nhân vật mà mình đề cập ấy nó cựa quậy, nó lung linh lên. Càng cựa quậy, càng lung linh bao nhiêu thì tuổi thọ của nó càng lâu trong lòng bạn đọc bấy nhiêu.

Nhiều người còn nhớ đến “Thành phố trực thuộc xã” không hẳn vì cái tít là lạ mà cái chính là nó nêu được những kỳ vọng cùng nỗi bức xúc của cả triệu người Quảng Ngãi trước sự ì ạch của Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng một văn phong vừa gần gũi, nhưng cũng hết sức quyết liệt. Cũng như bạn đọc vẫn còn nhớ đến phóng sự “Sáng lớp 6 chiều lớp 1” là cùng lý do như vậy. Học lớp 6 rồi mà đọc không ra chữ nên buổi chiều phải học lại lớp 1. Nếu sự kiện đó mà viết một bài phản ánh, hẳn sẽ rất ít người còn nhớ, song nó là phóng sự, một thể loại được xem như “đại bác” trong các loại “hỏa lực” của tờ báo nên tiếng vang của nó rất lớn, “sát thương” của nó rất cao. Họ nhớ đến phóng sự lâu là vì lý do này.

Chuyện viết phóng sự là cả một đề tài dài, không thể gói gọn trong bài báo nhỏ này. Báo Quảng Ngãi mở được mục này như là điều tất yếu của một tờ báo. Tôi biết, đội ngũ phóng viên và cộng tác viên trong tỉnh rất háo hức muốn được góp công sức để nuôi dưỡng mục mới mẻ này. Tôi luôn tin là họ sẽ có những phóng sự trên báo Quảng Ngãi mà “tuổi thọ” của nó không chỉ tính bằng năm.


Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG

 


CÁC TIN KHÁC
.