Người bình thường

10:10, 14/10/2015
.

*Bút ký của Nguyễn Anh Tuấn


(Baoquangngai.vn)- Ông là một người bình thường, vì ông luôn cho mình là người bình thường. Cách bình thường nhún nhường cộng với việc làm bình thường nên chốt lại, ông là một người bình thường. Nhưng, xin được viết hoa từ Bình thường trong trường hợp của Anh hùng Hồ Giáo.

 

TIN LIÊN QUAN

Anh hùng Lao động Hồ Giáo.
Anh hùng Lao động Hồ Giáo.

Bữa đó, cặp kính lão đã khiến Hồ Giáo có vẻ trí thức chút đỉnh, khác với Hồ Giáo rẹc nông dân ngoài trại trâu Mura. Ông lục tìm trong cái hộp thiếc đựng huân, huy chương ra hai biểu trưng bằng đồng, danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông nói:  Mấy lần trước sao anh không hỏi cái này mà bây giờ lại hỏi?

Tôi cười: Dạ! Bữa nay làm phim, chứ mấy lần trước chỉ phỏng vấn bác để gắn vào mấy cái phóng sự.

Trước khi làm bộ phim tài liệu chân dung về Hồ Giáo, tôi đã quay phim, phỏng vấn Hồ Giáo rất nhiều lần. Nào là nhân kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh đi phỏng vấn Hồ Giáo - người năm lần được nói chuyện với Bác.

Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, tôi cũng đi phỏng vấn Hồ Giáo, người vẫn luôn thực hiện lời dạy của Bác, học tập đạo đức của Bác và làm theo. Nào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mấy anh em phóng viên lại rủ nhau lên trại trâu Hành Thuận gặp người hùng trong phong trào thi đua, hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Và một dịp làm phim nhân 5 năm ngày mất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một người mà Hồ Giáo trân trọng như cha ruột, chúng tôi trân trọng mời Hồ Giáo nói về tình cảm của hai người Quảng Ngãi đặc biệt. Hồ Giáo nói: Lúc nghe tin cụ Đồng mất, tim tôi cũng giống như lúc nghe Bác Hồ mất. Lúc Bác Hồ mất tôi đang ở Nông trường Ba Vì. Đang xách xô sữa bò, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo, tôi rụng rời tay chân. Xô sữa rơi xuống lúc nào mình cũng không hay biết. Còn khi nghe tin cụ Đồng mất, tôi đang ở trại trâu Nghĩa Hành, nghe anh em chạy đến bảo, cụ Đồng mất rồi, tôi ôm nắm cỏ voi mà đứng như trời trồng...

Gợi chuyện chăn nuôi, đó là cách khôn khéo duy nhất của người đối diện muốn làm Hồ Giáo chuyển từ trạng thái nhát gừng sang trạng thái sôi nổi. Những lúc như thế ông sôi nổi đến rạng ngời.

Năm 1954, Hồ Giáo tập kết ra Bắc và đi bộ đội chính quy. Đến năm  1960 ông được chuyển về công tác ở nông trường Ba Vì. Hồ Giáo kể, những năm đầu ở Ba Vì một mình ông nuôi đến 100 con heo nái đẻ. Các trại khác, tỷ lệ phối tinh thường chỉ đậu đến 60% là cùng. Riêng trại heo của Hồ Giáo luôn đạt trên 90%.

Sau giải phóng, Hồ Giáo vào tỉnh Sông Bé (cũ) nuôi đàn trâu Mura của Ấn Độ tặng Việt Nam. Ở đây, Hồ Giáo trở thành một hòa giải viên xuất sắc cho những con trâu khác “quốc tịch”. Trâu Việt Nam không chịu sống chung với trâu Ấn Độ. Mỗi lần lùa trâu ra cổng, trâu địa phương thấy trâu Mura là đứng lại không chịu đi cùng, và ngược lại trâu Mura cũng thế.

Không biết chúng quá lịch sự nhường nhau hay là ghét nhau. Phải đánh chúng đi ngược vào bên trong trại, sau đó tách riêng từng nhóm theo “quốc tịch” thì chúng mới chịu ra cổng đi ăn. Hồ Giáo nghiên cứu đã làm thử nhiều cách nhưng không thể nào hòa giải được. Cuối cùng ông phải dạy chúng từ thuở còn thơ. Khi trâu Mura con được đẻ ra, ông đem qua trại trâu địa phương để cho sống chung. Và những thế hệ trâu Mura sau này có cách sống và ăn uống chẳng khác gì trâu bản địa.

Hơn 500 con trâu Mura ở Sông Bé ngày ấy đều được đặt tên, và chúng tự bước lên bàn cân mỗi khi tên mình được gọi. Hồ Giáo chỉ cần vỗ tay là chúng cũng sắp theo hàng.

Còn rất nhiều chuyện về nuôi trâu, nuôi bò, nuôi gà, nuôi cá của Hồ Giáo với những chi tiết khá độc đáo liên quan đến tâm tính của từng con vật.
 

  6 giờ sáng và cuộc hành trình 6 cây số từ nhà đến Trại trâu Hành Thuận.
6 giờ sáng và cuộc hành trình 6 cây số từ nhà đến Trại trâu Hành Thuận.


Anh quay phim đặt camera ở một ngã ba đường để quay cảnh Hồ Giáo đi làm. Một giỏ xách bằng nhựa màu vàng, quai bị đứt đã nối lại bằng mấy sợi cước vẫn được Hồ Giáo xách đi mỗi buổi sáng. Bên trong là một cà - mèn đựng cơm. Sáng nào bà Thành, vợ ông cũng chuẩn bị buổi trưa cho ông ở lại trại trâu. Quãng đường 6 cây số từ nhà ở thành phố Quảng Ngãi đến trại trâu huyện Nghĩa Hành, đi về là 12 cây, nhưng Hồ Giáo vẫn ưa đi bộ. Đi bộ từ năm 1991. Nhìn vào phi - giơ camera thấy Hồ Giáo đi bộ mà đầu đội mũ bảo hiểm thật muốn cười. Ông đội mũ bảo hiểm từ lúc cả nước bắt buộc người đi xe máy đội mũ bảo hiểm.

Hồ Giáo đi ngang qua cổng Trường THCS Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa. Mấy học sinh nữ đang đứng trước cổng trường nhìn hoài anh Thanh Phong quay phim. Dáng vẻ tò mò như không hiểu mấy chú đang quay cái gì. Tôi đoán những học sinh này không biết Hồ Giáo và lại hỏi thử. Trời! Mấy đứa không biết thiệt. Có đứa bảo, chỉ thấy có lần ông già đó cho mấy bạn con trai mấy trái đào lộn hột, nên thường nghe mấy bạn gặp ổng là hỏi, ông ơi gần đến mùa đào chưa ông?  Tôi hỏi:  Mấy đứa còn nhớ bài học “Đàn bê của anh Hồ Giáo” hồi tiểu học không?

- Dạ, còn nhớ chứ.

Một đứa chen vào nói biết ông Hồ Giáo là anh hùng lao động.


Biết Hồ Giáo. Nghe Hồ Giáo. Vậy mà hàng ngày người anh hùng ấy đi ngang qua, ngang lại trước cổng trường tụi nhỏ lại không nhận ra.

- Ông đó là Hồ Giáo đó. Tôi vừa công bố, vừa bảo anh quay phim xếp chân máy.

Không trách chi mấy đứa học sinh trung học. Cũng không cần biết ông ấy là ai khi gặp ông ngoài đời. Cũng không cần biết ông ấy quê ở đâu, cư trú ở đâu. Hồ Giáo ở Quảng Ngãi, ở Ba Vì hay ở Sông Bé không quan trọng. Ông là người nuôi bò. Ông là người bình thường. Ông sống lẫn vào dòng người bình thường hàng triệu, hàng tỷ. Vì thế có nhận ra Hồ Giáo đang lững thững ở đâu đó có khi lại mất công phân vân. Có khi bỗng phức tạp vô cùng nếu “nhìn” mà không “thấy” được Hồ Giáo. Nhà Thơ Thanh Thảo đã từng nói “Hồ Giáo vẫn là một bí mật. Bí mật ngay với người Quảng Ngãi”.
    
Năm 2010, Hồ Giáo mới thật sự “nghỉ hưu” ở tuổi 80. Nghỉ việc ở trại trâu Hành Thuận được mấy ngày, ông lập tức rơi vào chứng lẩn thẩn. Nếu quan sát Hồ Giáo ở nhà dễ nhận ra sự ngóng trông gì đó trong nét mặt buồn rầu.

Trong ngôi nhà ở một con hẻm đường Bùi Thị Xuân, thành phố Quảng Ngãi, Hồ Giáo thích nhất là bắt ghế ngồi ngay cửa chính. Ở chỗ đó ông nhìn ra cổng nhà, lâu lâu có người qua lại. Có thể sự động đậy đó giúp hồi tưởng chăng? Bà Thành, vợ ông và vợ chồng đứa con gái hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với ông. Cứ cuối tuần, anh con rể lại phải chở ông lên Hành Thuận để thăm mấy con Mura cho đỡ nhớ. Ở đó ông trở lại con người của Hồ Giáo, bất chấp tuổi già. Dần dần lịch trình luân phiên, tuần này lên trại trâu, tuần sau về quê Tịnh Sơn. Anh Quang, con rể Hồ Giáo kể lại, mỗi lần chở ổng về quê là thấy ổng khác hẳn. Đặc biệt khi đến vuốt ve những con trâu, con bò trong chuồng của mấy người bà con ở quê, ổng tỉnh hẳn ra như người mới vừa uống sâm.

Cuối đời, tình trạng sức khỏe Hồ Giáo kém dần, gia đình của người hai lần anh hùng lao động có nguyện vọng xin miếng đất ở Tịnh Sơn cất nhà cho Hồ Giáo về quê ở, để ông có cơ hội nhìn thấy trâu, thấy bò. Tuy nhiên, hai năm không xong. Lý do huyện đưa ra là bản qui hoạch vùng đất này chưa hoàn thiện.

Ngẫm chuyện đời của Hồ Giáo duy chỉ có tài nghệ chăn nuôi của ông là không gặp trục trặc. Năm 2014, anh Vấn, chủ một cửa hàng bán các sản phẩm sữa Ba Vì đã lặn lội từ Hà Nội vào tận Quảng Ngãi để gặp Hồ Giáo. Mục đích của anh là xin bản quyền. Vốn lâu nay cửa hàng sữa của anh Vấn đã lỡ trót lấy tên là Cửa hàng sữa Hồ Giáo. Cửa hàng rất đắt khách bởi cái tên Hồ Giáo gợi sự tò mò cho nhiều người qua đường.

Để hợp thức hóa và để độc quyền thương hiệu, anh Vấn vào Quảng Ngãi và được Hồ Giáo đồng ý cho phép anh sử dụng họ tên của mình. Mọi giấy tờ anh đều làm theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, đem giấy tờ ấy lên phường Quảng Phú, anh cán bộ phường bảo việc này không phải của phường và chỉ lên Sở Tư pháp. Đến Sở Tư pháp và mấy phòng công chứng thì đều bảo công việc này là chứng thực ở cấp phường xã. Đơn giản, ông Hồ Giáo đến tận bàn làm việc của cán bộ phường và trực tiếp ký vào tờ giấy đó cho cán bộ thấy. Sau đó cán bộ này ghi vài câu đại ý là tôi chứng kiến ông Hồ Giáo ký. Tiếp theo, chủ tịch phường xác nhận là xong. Tuy nhiên, quay trở lại phường, ông Hồ Giáo đã ngồi sẵn sàng trước mặt để ký, nhưng anh cán bộ tư pháp bảo, chuyện này dễ hệ lụy về sau nên không dám xác nhận. Năn nỉ cũng không ký. Đành trục trặc vậy.
 
Hồ Giáo đã kết thúc sự nghiệp chăn nuôi. Chắc chắn một điều, ông không bao giờ là kỹ sư. Hồ Giáo là một điển hình không bằng cấp. Một trăm phần trăm, kể cả bằng cấp học vấn phổ thông cũng không tuốt. Như ông nói, tôi học bổ túc được mấy lớp. Nhưng những ai hiểu về tài nghệ chăn nuôi của Hồ Giáo sẽ thắc mắc, tại sao mấy trường đại học nông nghiệp không trao bằng kỹ sư danh dự cho ông?

Một lần đi phỏng vấn Hồ Giáo, gợi chuyện thời cuộc, ông  bảo: Tôi trước đây cũng được mấy anh lãnh đạo ở tỉnh Sông Bé chỉ định làm giám đốc nông trường đấy chứ. Nhưng tôi dứt khoát không nhận. Lý do là nông trường gần 300 người, trong đó có 5 anh kỹ sư rất trẻ và có năng lực, trong khi mình học bổ túc được vài lớp. Chữ nghĩa bập bẹ, mình nhận chức giám đốc như vậy chẳng khác gì biến mình thành cục đá lăn ra giữa đường, chắn ngang đường đi của anh em, chắn ngang đường phát triển của nông trường. Tôi nói vậy nên mấy anh lãnh đạo tỉnh Sông Bé đồng ý cho tôi tiếp tục làm nhân viên.

Người Bình thường là tên bộ phim tài liệu mà tôi đã làm về Hồ Giáo năm 2008. Còn giờ ghi chép này là những cái chưa nói được trong phim.

Nhớ, cuối năm 2013, đạo diễn Đoàn Huy Giao trong một lần về quê ăn giỗ, ông vừa lên xe đò từ Đà Nẵng thì điện bảo, mày có rảnh không thì chạy xe ra Châu Ổ uống cà phê với tao. Đi liền. Chạy xe máy gần ba chục cây số để uống ly cà phê với ông anh cả phim tài liệu miền Trung. Nói chuyện trên rừng, dưới biển một hồi, ổng bảo:

-  Thằng Thước nó vào làm phim Hồ Giáo có gặp mày không?

-  Dạ em tham gia làm giao liên và làm hậu cần giúp ảnh cả tuần mà.

Đạo diễn Giao bảo, nó ra Đà Nẵng phỏng vấn tao, tao nói, Hồ Giáo là người bình thường, nhưng cũng là tinh hoa nông dân miền Trung. Hồi tao còn nhỏ ở đất Bình Sơn này, tao nhớ cha tao cũng có nuôi hai con bò cày. Lúc một con bò già, ốm yếu cày ruộng không nổi nữa, ổng cho nó nghỉ ở nhà. Còn con bò cày được thì vẫn tận dụng, nhưng nó mà ăn cái gì thì con bò già ở nhà cũng được ăn cái đó. Không phân biệt đối xử giữa kẻ còn làm và người không còn sức. Đó là cách ứng xử của nông dân Quảng Ngãi. Đó là cách ứng xử của con người với động vật. Hồ Giáo có được cái bình thường đó của người nông dân và nâng niu đạt gần đến mức cực đại. Có những người như Hồ Giáo thì những thằng đạo diễn phim tài liệu như tụi mình mới quay được những hình ảnh con trâu làm nũng, làm nịu với người nuôi.

Hôm đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thước vào làm phim Hồ Giáo cũng đã phỏng vấn nhà thơ Thanh Thảo. Tôi ấn tượng bữa nói chuyện vào chiều hôm trước của buổi phỏng vấn, nhà thơ Thanh Thảo nói với anh Nguyễn Thước:

- Hồ Giáo mang chứa một giá trị của lao động. Nếu là nguyên thủ quốc gia, anh phải tận tâm hết mình với nhiệm vụ quốc gia, trách nhiệm chính trị. Nếu anh làm người quét rác hay người chăn bò thì anh cũng kiệt lòng với nghề quét rác, chăn bò.

Thả ly nước xuống bàn rồi nhìn chếch lên trời, nhà thơ kết:

- Giá trị đó vĩnh cữu. Mỹ, Âu, Nhật hay Việt Nam đều chung một giá trị đó. Và xã hội… càng hiện đại thì người ta càng trân trọng giá trị này.

Mỗi lần nghe và ngẫm về Hồ Giáo là một lần tôi tiếp nhận thêm một giá trị về một con người này. Cũng một con người ấy, con người bình thường như thế lại nảy ra bao góc nhìn cho các nhà thơ, nhà văn, đạo diễn. Hồi làm phim “Người Bình thường” tôi cũng nảy ý từ câu viết của nhà thơ Thanh Thảo về Hồ Giáo ở hai từ: Lương thiện và Tự trọng. Lúc đó tôi muốn vừa làm phim về Hồ Giáo vừa muốn học hỏi Hồ Giáo để làm người.

Dù bất cứ anh là ai, anh làm việc gì, chỉ cần giương sẵn hai đức tính LƯƠNG THIỆN và TỰ TRỌNG để chống chọi, để ứng xử thì anh sẽ bớt đau khổ. Mà, ít đau khổ là hạnh phúc./.

Tháng 10/2015


 


CÁC TIN KHÁC
.