Một đêm làm ngư dân

08:06, 19/06/2013
.

(QNg)- Cuối cùng thì tôi cũng được lên tàu ra khơi đánh bắt cá cùng ngư dân Lý Sơn sau nhiều lần ấp ủ. Vượt qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, tôi đã có một đêm trắng cùng ngư dân mưu sinh nơi biển cả. Để có được những mẻ cá, họ phải lao động nhọc nhằn, khổ ải mà những người không quen sóng gió sẽ khó bám lấy nghề...

TIN LIÊN QUAN


Nhổ neo…

Khoảng 15 giờ chiều một ngày đầu tháng 6, chúng tôi ra bờ biển vũng neo đậu tàu thuyền An Hải để tìm tàu xin đi biển. May mắn, tàu của anh Nguyễn Gia Viên (QNg 96111 TS, xã An Vĩnh) cũng sắp nhổ neo. Biết nguyện vọng của tôi, anh Viên gật đầu. Tôi háo hức xuống tàu cùng mấy anh em bạn trực chỉ hướng ra biển.

Hàng tấn cá đã nằm gọn trong lưới sau cú vây lưới lần thứ 2 trong đêm.
Hàng tấn cá đã nằm gọn trong lưới sau cú vây lưới lần thứ 2 trong đêm.


Anh Viên là một trong những chủ tàu cá ăn nên làm ra ở Lý Sơn. Mỗi năm, với 3 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây rút chì, anh thu về cả chục tỷ đồng. Trên tàu, anh trang bị nhiều phương tiện hiện đại để phục vụ đánh bắt cá. Anh Viên bộc bạch: “Tàu này có công suất 450CV nên chạy từ Lý Sơn ra Hoàng Sa chỉ mất 17 giờ. Còn tàu của những ngư dân khác phải mất 2 ngày 2 đêm mới đến nơi”. Trên đường đi, thuyền trưởng Viên liên tục theo dõi trên màn hình các máy dò cá đặt tại cabin. “Tối nay, tàu ra điểm đánh bắt đêm hôm qua, nơi đó còn nhiều cá lắm. Đêm qua khai thác được hơn 12 tấn cá! Mùa này biển êm, làm ăn khá lắm”- anh Viên nói. Trong lúc tôi cùng anh Viên trò chuyện, những anh em bạn tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức cho một đêm thức trắng mưu sinh. Nói về những chiếc máy với màn hình trên cabin, anh Viên cho biết, đó là chiếc máy dò đứng và dò ngang anh đã đầu tư hơn 600 triệu đồng. “Có cái máy này tiện lợi lắm. Khi nào máy báo có cá nhiều là mình dừng lại vây lưới thôi, không phải thả lưới mò như trước đây nữa”.  


Tàu vẫn lướt sóng. Biển hôm nay thật êm, sóng nhẹ. 6 giờ chiều. Hoàng hôn buông xuống. Mặt biển dần rực đỏ. Đảo Lý Sơn đã khuất tầm mắt. Tàu thả neo ở vị trí 15 độ 20 phút vĩ độ Bắc - 109 độ 20 phút kinh độ Đông. Bữa cơm tối được dọn lên. Thức ăn chính là những con cá còn tươi rói vừa vớt lên từ biển cho vào nồi. Phía xa là những ánh đèn cao áp của những con tàu khác đang đánh bắt ở vùng biển này lung linh, rực rỡ, chẳng khác nào thành phố lúc lên đèn.

Đêm trắng giữa biển khơi

 19 giờ. Dàn đèn cao áp trên tàu bắt đầu bật sáng để nhử cá. Lưới đã sẵn sàng. Tàu bắt đầu chạy chậm lại, màn hình máy dò cá tiếp tục hoạt động. Công việc của thuyền trưởng Viên lúc này là liên lạc với anh em trong Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh. Tay cầm bánh lái, tay cầm bộ đàm, mắt anh Viên không rời màn hình máy dò cá - Tình hình thế nào? Đã có gì chưa?... -  Đã có cá, đang vây lưới, bên đó thế nào… Có gì a lô với nhau đấy…


Cuộc trò chuyện liên tục giữa thuyền trưởng Viên và các tàu cá khác trong tiếng  ồ ồ của máy bộ đàm hòa cùng sóng biển.  Anh em trên tàu bắt đầu sốt ruột. Còn tôi đã lao đao vì sóng biển. Lúc này đã 22 giờ. Tàu chuyển lên hướng bắc. Chạy được 1 hải lý thì trên màn hình xuất hiện những luồng đỏ dày đặc. Tàu chạy chậm rồi dừng lại. Các anh em đi bạn trên tàu được đánh thức hết. Tất cả liền chạy ra phía trước mũi tàu trong tư thế sẵn sàng. Thuyền trưởng Viên lại hô to: “Thả lưới xuống”. Lập tức hàng tấn lưới cuộn tròn trước boong tàu được vung xuống biển. Tàu tăng tốc chạy vòng quanh trong bán kính khoảng 300m cho lưới chìm sâu và vây quanh đàn cá. Khi viền lưới đã giáp nhau, anh em bạn hò nhau thu lưới lại. Hơn 1 tiếng đồng hồ cặm cụi, túi lưới được túm lại kéo lên. Nhưng chỉ toàn mớ cá nhỏ. Thất vọng, thuyền trưởng cho anh em mở đáy lưới thả toàn bộ số cá này lại biển rồi nhấn ga cho tàu đi tiếp. Mẻ lưới đầu tiên trở thành công cốc.

Trong màn đêm mênh mông giữa biển, thuyền trưởng Viên và “thuyền phó” là tôi tiếp tục lênh đênh đi tìm cá trong đêm. Bất chợt, một cơn mưa nhỏ đổ xuống, gió thổi mạnh hơn. Mặt biển lấp lánh ánh đèn nhưng thăm thẳm. Cùng với cái mệt, tôi bắt đầu lo biển nổi sóng lớn...  Còn anh Viên thì lo lắng một đêm thất thu.

Mẻ cá cuối cùng

Màn đêm giữa biển khơi thật cô quạnh. Đồng hồ đã chỉ sang 1 giờ sáng của ngày hôm sau. Có cá rồi- anh Viên hô to. Anh em bạn lần thứ 2 được đánh thức. Mọi thao tác cũng rất nhanh gọn như mẻ lưới trước được thực hiện. Trong vòng 10 phút, 5 tấn lưới trên tàu thả xuống biển đã bao vây được toàn bộ đàn cá. 22 ngư dân trên tàu lại cật lực thu lưới. Viền lưới thu lại dần, những chiếc thúng được thả xuống biển cùng vài ba ngư dân men theo mép lưới để đỡ cho khỏi bị vướng. Lưới nhanh chóng được thu lại dần. Cảnh tượng đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cá mực đặc quánh lúc nhúc trong vạt lưới dưới mặt biển.

 Thành quả của một đêm trắng là 6 tấn cá.
Thành quả của một đêm trắng là 6 tấn cá.



Trong khi anh em bủa lưới, thuyền trưởng Viên mở bộ đàm liên lạc ngay với 2 tàu khác. Một lúc sau, hai chiếc tàu cá xuất hiện. Anh em trên tàu cho biết, đây là một chiếc tàu cá khác của anh Viên làm nhiệm vụ thu mua, vận chuyển cá từ các tàu khác ngay trên biển (còn gọi là tàu rỗi). Khi 2 tàu neo vào nhau, hệ thống ròng rọc trước mũi tàu bắt đầu làm việc. Những chiếc vợt được thả xuống nước cẩu cá lên đưa vào khoang. Để thu hết số cá lên tàu, 22 con người phải làm việc cật lực gần 2 tiếng đồng hồ.

Khi những con cá cuối cùng được đưa lên, chiếc tàu chở cá nhổ neo chạy thẳng về cảng Sa Kỳ. Lúc này đã là 3 giờ rưỡi sáng. Ai cũng mệt, mồ hôi cùng nước biển ướt đẫm người. Nhiều ngư dân như rã rời nằm bệt xuống đống lưới trên boong tàu. Thuyền trưởng Viên nhẩm tính: “Với 6 tấn cá này bán được khoảng 70 triệu đồng, trừ chi phí 12 triệu đồng, còn lại sẽ chia cho anh em”.

Một đêm thức trắng cùng ngư dân trên biển, chứng kiến ngư dân trên tàu làm việc trong đêm để bắt lên những con cá từ lòng biển khơi lắm nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy, khiến tôi thực sự cảm phục. Đang miên man trong cơn mê mệt, thì tàu cập bờ khi đất đảo đón bình minh. Tôi rời tàu trong suy nghĩ, dù chuyến biển đêm nay vẫn mang về một nguồn thu nhập khá cho từng người, nhưng được chứng kiến công việc của họ ngoài biển khơi trong đêm mới hiểu hết giá trị của nghề biển. Những giấc ngủ chập chờn, làm việc không ngừng nghỉ trong điều kiện sóng gió suốt tháng này qua năm nọ.

Anh Viên chìa tay vỗ vai tôi thay lời tạm biệt: “Nghề biển là vậy. Với ngư dân, ra biển không chỉ làm kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Xuân Thiên
 


CÁC TIN KHÁC
.