Trạm bơm để không, dân “khát”… nước sạch

09:05, 22/05/2013
.

(QNĐT)- Sau nhiều năm chờ đợi, 156 hộ dân ở khu tái định cư thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) vui mừng khi hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất làm chủ đầu tư xây dựng khang trang. Thế nhưng, hơn 700 khẩu ở vùng ven biển này vẫn sống trong cảnh chật vật vì thiếu nước trầm trọng.

TIN LIÊN QUAN


Khu dân cư thôn Đông Thuận hôm nay nhộn nhịp hẳn với những khối nhà cao tầng mọc lên san sát. Người dân tái định cư từ các xã Bình Đông, Bình Thuận (Bình Sơn) sau khi nhường đất lại cho Nhà máy lọc dầu giờ đã dần ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại phải “dở khóc, dở cười” đối mặt với nghịch cảnh đi xin, mua từng gàu nước sinh hoạt.

“Bấm bụng” dùng nước nhiễm phèn

Đầu năm 2013, với số tiền 32 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành nhiều hạng mục như: Chợ, hệ thống điện, nước… cho nhân dân vùng tái định cư.

 

Khu tái định cư thôn Đông Thuận đã được đầu tư nhiều hạng mục dân sinh, nhưng lại đang thiếu nước sạch
Khu tái định cư thôn Đông Thuận đã được đầu tư nhiều hạng mục dân sinh, nhưng lại đang thiếu nước sạch


Cùng lúc đó, trạm bơm nước của khu tái định cư Đông Thuận được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư không làm thủ tục đền bù, cấp đất xây dựng hệ thống điện phục vụ trạm bơm. Do vậy, dù trạm bơm còn rất mới nhưng chưa bao giờ phát huy tác dụng kể từ ngày hoàn thành, chỉ vì… thiếu điện. Điều này đã khiến các hộ dân ở khu tái định cư gặp nhiều phiền toái.

Bà Phạm Thị Linh- ngụ thôn Đông Thuận kể lại: Ngày trước, khi chưa thi công hệ thống nước sạch, dân chúng tôi tự đào, lắp ống dẫn với chi phí 150 nghìn đồng/hộ để có nước sinh hoạt về tận nhà. Khi các hạng mục dân sinh được chủ đầu tư xây dựng, nhân dân trong vùng được hứa hẹn sẽ sử dụng nguồn nước sạch từ trạm bơm nên cần dỡ bỏ hệ thống đường ống dẫn nước cũ. Nào ngờ khi tháo dỡ xong, chờ mãi mà chẳng thấy trạm bơm hoạt động, chúng tôi đành ngậm ngùi đi gánh nước sạch ở xa về dùng.

Cùng với việc đầu tư trạm bơm, phía chủ đầu tư đã hoàn thành hệ thống ống dẫn nước chính về với khu dân cư và đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, quá trình đào đất để xây dựng đường sá và vỉa hè đã khiến cho hệ thống ống nước dẫn về các hộ gia đình bị hư hỏng, tê liệt hoàn toàn.

Trạm bơm không hoạt động, hệ thống ống nước bị hỏng, người dân khu tái định cư loay hoay đào giếng để tìm nguồn nước ngầm. Buồn một nỗi, cả 15 chiếc giếng tự đào của 156 hộ dân đều bị nhiễm phèn nặng, có màu đục ngầu và mùi ngai ngái.

 

Toàn bộ 15 giếng nước tự đào của thôn đều bị nhiễm phèn nặng, nhưng người dân vẫn bấm bụng sử dụng
Toàn bộ 15 giếng nước tự đào của thôn đều bị nhiễm phèn nặng, nhưng người dân vẫn bấm bụng sử dụng

Nhưng do không có nguồn nước sạch sử dụng nên người dân đành phải lấy nước bị nhiễm phèn để dùng trong sinh hoạt gia đình. Riêng nước dùng để nấu ăn và uống thì phải đi gánh ở thôn khác về để sử dụng.

Anh Nguyễn Thế Sơn- Trưởng thôn Đông Thuận thở dài nói: Hiện, người dân muốn có nước sạch sinh hoạt phải lặn lội gánh nước qua đoạn đường xa chừng 500-700 mét từ chiếc giếng nước đã mua của thôn lân cận để sử dụng. Kể từ ngày về sống ở khu tái định cư này, sâu thẳm trong lòng chúng tôi đều có một nỗi khát khao mang tên nước sạch.

Chợ bỏ không, trường mầm non kêu khát

Chuyện thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân vùng tái định cư, mà còn khiến cho khu chợ thôn Đông Thuận bị bỏ không. Hiện khu chợ mới thoáng rộng, đặt ngay trung tâm thôn đang bị khóa im ỉm, bên trong cỏ mọc um tùm.

Tiểu thương Trần Thị Tuyết- ngụ thôn Đông Thuận bộc bạch: Chợ mới hoàn thành từ cuối năm 2012. Hàng chục tiểu thương vui mừng chờ ngày vào khu chợ mới khang trang. Thế nhưng, đến nay hệ thống điện, nước đều không có thì tiểu thương nào dám vào buôn bán.

Do đó, người dân Đông Thuận lại chịu nghịch cảnh che rạp tạm, buôn bán ngoài đường, ngay bên cạnh khu chợ mới, gây cản trở giao thông. Người dân địa phương còn gặp phải nhiều bất tiện khi đi chợ lúc mưa, nắng thất thường. “Buôn bán tạm bợ ai mà ưng đâu, nhưng chúng tôi đành bán tạm ngoài đường thế này để tiện cho việc lấy nước từ các hộ dân gần đó”- Chị Tuyết lý giải.
 
Khu chợ mới bị khóa im ỉm vì chưa có hệ thống nước
Khu chợ mới bị khóa im ỉm vì chưa có hệ thống nước


Người dân địa phương và tiểu thương chịu khổ vì nước đã đành, các cháu đang theo học tại trường mầm non Tịnh Hòa đặt tại thôn Đông Thuận cũng phải chịu khổ lây. Cô Phạm Thị Liên- Hiệu trưởng trường mầm non cho hay: Kể từ ngày xây dựng khu tái định cư mới, 153 cháu học bán trú cùng 9 giáo viên ở lại trường gặp nhiều khó khăn về nhu cầu nước sạch, gây ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học tại trường.
 
 
Để có nước sạch nấu ăn phục vụ cho các cháu, 2 cô cấp dưỡng của trường phải thay nhau đi gánh khoảng 500 lít nước cách xa trường chừng 300m. Cứ như vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, việc lấy nước làm hao tốn rất nhiều thời gian và sức lực.

"Đối với các cháu nhỏ, việc sử dụng nước sạch là rất cần thiết để đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn và sức khỏe. Có những ngày 1 trong 2 cô bị ốm, xin nghỉ phép thì các giáo viên cũng tham gia gánh nước. Suốt 13 năm hoạt động, Trường mầm non Tịnh Hòa chưa bao giờ gặp khó khăn về nước như thời điểm hiện tại. Rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm giải quyết để đảm bảo việc dạy và học tại trường”- Cô Phạm Thị Liên kiến nghị.

Trước những khó khăn trên, chính quyền địa phương đã làm văn bản gửi UBND huyện, tỉnh để có hướng giải quyết, nhằm giúp bà con có nguồn nước sạch sử dụng. Ông Phạm Bách- Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa cho biết: Xã đã đề nghị tỉnh, huyện làm việc với Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất để giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của bà con. Chúng tôi rất mong vấn đề nước sạch sẽ không còn là nỗi lo của nhân dân vùng tái định cư thôn Đông Thuận, đặc biệt là vào thời điểm khô hạn hiện nay.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


CÁC TIN KHÁC
.