Rừng “hộ mệnh” của làng

09:05, 29/05/2013
.

(QNĐT)- Bao đời, người dân làng Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ xem khu rừng Sầu Đâu với diện tích hơn 7ha là “thần hộ mệnh” của làng. Họ đồng lòng bảo vệ rừng với những loại gỗ quý trước sự “thèm khát” của lâm tặc.
 

TIN LIÊN QUAN

Trưa nắng như đổ lửa, nhưng vừa bước vào khu rừng Sầu Đâu chúng tôi đã cảm nhận được không khí mát dịu. Những cây sến, sơn trai, bìn nin, bời lời… hàng chục năm tuổi, to bằng vòng tay người ôm, cao đến hàng chục mét tỏa bóng mát. Mỗi cây có giá trị hàng triệu đồng. Đây còn là nơi trú ngụ của chim, cò và nhiều loài động vật.

 Chung sức giữ rừng

87 tuổi, ông Lê Hòa vẫn rất minh mẫn, hào hứng kể về quá trình giữ rừng của cư dân trong làng: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, dân làng chỉ được lên rừng vào một ngày quy định trong tháng để gom lá khô và củi mục về đun nấu theo hiệu lệnh mõ của các bô lão. Không ai được phép chặt cây tươi khi chưa được sự đồng ý của các chức sắc trong làng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

 

 Một góc rừng Sầu Đâu
Một góc rừng Sầu Đâu


Theo ông Huỳnh Thanh Mười – Trưởng thôn Hải Môn: Khu rừng được xem là bức tường chắn gió bão thổi từ biển vào làng và còn đóng vai trò “lá phổi xanh” của làng nên luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Bao đời nay, dân làng luôn truyền tai nhau “rừng tan thì làng mạt” nên họ xem việc giữ rừng là một nhiệm vụ thiêng liêng.

Trước năm 1975, Mỹ - Ngụy tổ chức càn quét quy mô lớn, triệt hạ từng gốc cây và ném bom napan thiêu trụi cả khu rừng. Bom đạn ngày càng dồn dập, người dân phải bỏ làng phiêu dạt khắp nơi.

Sau ngày quê hương giải phóng, nhân dân trở về làng và nhắc nhở nhau giữ rừng để “rừng không tan thì làng trù phú”. Khi trước, dân làng luôn thiếu chất đốt đun nấu, nhưng không ai chặt phá cây rừng. Thỉnh thoảng chỉ đốn hạ một vài cây để lấy gỗ làm nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo, dùng vào việc chung.

“Những đối tượng ở các xã khác lẻn sang đốn hạ cây rừng liền bị người dân trong thôn kéo đến ngăn cản và cấp báo ngay cho chính quyền xã xử lý” – ông Phạm Văn Sáu – Chủ tịch UBND xã Phổ Minh, cho biết.

 Khu căn cứ cách mạng

Năm 18 tuổi, ông Hòa tham gia cách mạng với nhiệm vụ giúp việc cho Ban Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tổng Huỳnh Lầu (hiện đổi tên thành xã Phổ Minh). Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, khu rừng trở thành nơi trú ngụ của cán bộ cách mạng. Ông cùng với cán bộ và dân làng đã đào 7 căn hầm sâu dưới lòng đất đủ chứa hàng trăm người đề phòng quân Pháp từ tàu biển càn vào làng.

 

 Ông Lê Hòa bên cạnh dấu tích cửa hầm được đào hơn nửa thế kỷ trước
Ông Lê Hòa bên cạnh dấu tích cửa hầm được đào hơn nửa thế kỷ trước


Với bước đi khá nhanh nhẹn so với tuổi của mình, ông đưa chúng tôi vào rừng và chỉ dẫn từng cửa hầm được đào hơn nửa thế kỷ trước, giờ đã bị vùi lấp theo thời gian.

“Sau hiệp định Giơ ne vơ, nguyên Bí thư Ban cán sự Trung – Nam Xứ ủy Trung kỳ Phạm Xuân Hòa cùng nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã từng trú ngụ tại khu rừng này để hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ, tôi vinh dự được chọn vào đội bảo vệ ông Phạm Xuân Hòa cùng với những cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy. Ngày đi nắm bắt thông tin, đến đêm thì đưa các đồng chí ấy xuống tận cơ sở cách mạng trong vùng…” – ông nói.

Ông Mười từng tham gia du kích xã và nhân viên y tế trong những năm kháng chiến chống Mỹ kể lại: Ban ngày, ông cùng đồng đội trú ngụ trong rừng để chờ đến đêm tỏa xuống nắm bắt địch tình từ cơ sở cách mạng trong khu dồn dân Hải Môn.

 

Ông Huỳnh Thanh Mười bên kẽ đá mà ông đã cùng với đồng đội tránh bom pháo trong những năm kháng chiến chống Mỹ
Ông Huỳnh Thanh Mười bên kẽ đá mà ông đã cùng với đồng đội tránh bom pháo trong những năm kháng chiến chống Mỹ


Vì là nơi trú ngụ của cán bộ, du kích nên địch thường xuyên ném bom, nã pháo hòng hủy diệt khu rừng, “đánh bật cộng sản ra khỏi dân chúng”. Những lúc như thế, ông cùng với đồng đội trú ẩn vào hầm hào và kẽ đá nên vô sự. Địch ngày càng cay cú và quyết tâm triệt hạ khu rừng. Chúng tổ chức càn quét quy mô lớn, đốn hạ cây cối rồi ném bom Napan thiêu trụi. May mắn là ông cùng với đồng đội đã rút đến nơi khác nên thoát nạn.

“Tỏa bóng che làng”

Ông Mười khẳng định: Nhờ giữ được rừng nên mạch nước ngầm không bị suy kiệt. Giếng nước sinh hoạt trong làng không bao giờ khô cạn, lúa và hoa màu luôn tươi tốt. Dân làng không phải lo sợ gió bão từ phía biển cuốn tung mái nhà như ở những nơi khác.

Ông Sáu hào hứng: “Đâu cần phải vào rừng, chỉ cần đến đầu làng là đã cảm nhận không khí dịu mát giữa trưa nắng oi ả. Vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cạnh khu rừng sau khi đến tham quan”.

Ông cho biết thêm: UBND huyện Đức Phổ đã quy hoạch khu du lịch sinh thái Mỹ Á bao gồm rừng Sầu Đâu và khu vực liền kề. Nơi đây rồi sẽ mọc lên những khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
    
Rừng Sầu Đâu râm mát giữa trưa nắng, in bóng xanh mướt xuống dòng sông Thoa lững lờ trôi. Bao đời, dân làng Hải Môn nối tiếp nhau gìn giữ rừng cho làng thêm dịu mát, yên bình trước bão giông.

 

Trang Thy


 


CÁC TIN KHÁC
.