Dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong
Dân nản lòng vì chờ tái định canh

09:05, 17/05/2013
.

(QNĐT)- Dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong được xem là dự án lớn nhất cũng như kéo dài nhất của tỉnh Quảng Ngãi từ trước đến nay. Người dân ở khu vực lòng hồ đã chấp nhận đến ở các Khu tái định cư mới. Thế nhưng đã hai năm trôi qua, người dân vẫn chưa được cấp đất để sản xuất, khiến cuộc sống rơi vào khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Hợp phần di dân, tái dịnh cư Hồ chứa Nước Trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng vốn được phê duyệt trên 372 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên 654 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ và cụm công trình đầu mối; xây dựng 6 khu, điểm tái định cư, tái định canh bền vững cho 433 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mỏi mòn chờ đất tái định canh

Chúng tôi tìm đến khu tái đinh cư Suối Y 1, 2, 3 và Sà Lác thuộc xã Trà Thọ, huyện Tây Trà. Đây là những khu tái định cư được triển khai khá sớm của dự án Hợp phần di dân Tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong. So với nhiều khu tái định cư khác, thì đây cũng là khu tái định cư mà người dân ở khu vực lòng hồ đã chấp nhận đến tái định cư từ năm 2011. Thế nhưng đã 2 năm sau khi người dân từ bỏ ruộng vườn để đến khu tái định cư mới, nhường đất cho việc xây dựng dự án Hồ chứa nước Nước Trong, cuộc sống của người dân ở những khu tái định cư này đang gặp không ít khó khăn vì thiếu đất sản xuất.

 

Do chưa có đất sản xuất, nhiều thanh niên khu tái định cư
Do chưa có đất sản xuất, nhiều người dân ở khu tái định cư chỉ biết ngồi nhà nhìn ra rừng, núi...


Mặc dù đã hơn 9 giờ sáng, đây là thời gian mà nhiều người dân ên nương, lên rẫy. Thế nhưng một điều lạ là hầu hết người dân ở các khu tái định cư đều ở nhà. Chị Đinh Thị Trên (33 tuổi), ở khu tái định cư Sà Lác, thôn Nước Biết, vừa nằm võng, vừa nghe nhạc bằng điện thoại trông rất sành điệu. Khi được hỏi giờ này sao không lên rẫy? Chị bảo: Muốn lên rẫy lắm chứ nhưng không có đất, nhà nước chưa bố trí đất. Ở nhà hoài buồn lắm, nhưng biết làm gì khác.

Chị Trên cho biết, trước đây chị và gia đình ở khu vực lòng hồ. Sau khi được địa phương và nhà nước vận động, gia đình chị nhường đất, nhận đền bù rồi chuyển lên sống ở Khu tái định cư này từ năm 2011. Khi chưa đi, nhà nước hứa lên nơi ở mới sẽ được bố trí đất để sản xuất, trồng lúa, trồng mì… nhưng đã hai năm rồi, vẫn không thấy đất đâu cả… Tiền nhà nước đền bù mấy trăm triệu, giờ gần hết rồi.

 

Nhiều khu tái định cư, mặc dù người dân đến ở hơn 2 năm nhưng hạ tầng điện, nước vẫn chưa hoàn thiện. (Trong ảnh: Hệ thống nước sạch khu TĐC Sà Lác vẫn chưa có nước).
Nhiều khu tái định cư, mặc dù người dân đến ở hơn 2 năm nhưng hạ tầng điện, nước vẫn chưa hoàn thiện. (Trong ảnh: Hệ thống nước sạch khu TĐC Sà Lác vẫn chưa có nước).

 

"Dự án hồ chứa nước Nước Trong, được đánh giá là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, vừa là công trình thủy lợi kết hợp thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Theo thiết kế, hồ chứa nước Nước Trong có tổng diện tích 460 km2, nằm trên dòng sông Tang, một nhánh thượng nguồn của dòng sông Trà Khúc với diện tích mặt hồ hơn 12km2, dung tích chứa hơn 300 triệu m3 nước, có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 1.900 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành cung cấp nước tưới cho hơn 52.000 ha đất nông nghiệp; bổ sung nguồn nước cho công trình thủy lợi Thạch Nham, cung cấp nước cho TP Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất, hàng loạt các khu công nghiệp nhỏ và các dự án nuôi trồng thủy sản ở các huyện đồng bằng Quảng Ngãi".

Cũng như gia đình chị Trên, anh Đinh Văn Nhếch, thôn Tre, xã Trà Thọ than vãn: Gia đình chuyển lên khu tái định cư này 2 năm rồi, nhưng giờ không có đất sản xuất. Nhiều người đi tìm việc làm thuê, nếu may mắn có việc thì ngày kiếm hơn 50 chục ngàn, còn không thì ở nhà chơi. “Nhiều lúc nhớ rừng, nhớ rẫy quá, liều đi lên rừng phát rẫy lấy đất sản xuất. Nhưng đến chỗ nào cũng bị người dân bản địa không cho, bởi phần lớn đất ở đây là của họ. Không biết đến bao giờ người dân mới được bố trí đất để sản xuất?”.- Anh Nhếch nói.

Còn tại Khu tái định cư Bắc Nguyên 2, xã Trà Thọ. Đây là Khu tái định cư vừa được hoàn thành đảm bảo tái định cư cho 31 hộ dân khu vực lòng hồ. Cũng như nhiều khu tái định cư khác, hiện nhiều hộ dân ở khu vực lòng hồ vẫn chưa mặn mà đến đây bởi nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu đất sản xuất vẫn là nguyên nhân chính.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư cũng đang than vãn vì diện tích tái định cư quá chật hẹp. Trung hình một hộ dân được xây dựng một căn hộ với diện tích 100m2. Bà Đinh Thị Gương (55 tuổi), thôn Tre, xã Trà Thọ nói: Trước kia ở lòng hồ, nhà cửa, ruộng vườn rộng lắm. Nuôi con trâu, con bò, con gà gì cũng được. Giờ lên đây, nhà chật quá, ở sát nhau, lại thiếu đất sản xuất… khổ lắm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tấn Vũ- Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà cho biết, qua tiếp xúc với bà con tại các khu tái định cư, hầu hết bà con đều than phiền những bất cập và thiếu thốn ở nơi ở mới, trong đó than phiền nhất là hạ tầng chưa hoàn thiện, điện chưa có, nước thì lúc có, lúc không, diện tích nhà đất quá ít so với nơi ở cũ và cái khó nữa là chưa có đất sản xuất… “Hiện chúng tôi đang làm công văn gửi các ngành chức năng sớm giải quyết những kiến nghị, bức xúc của bà con” –Ông Vũ nói.

Tiến độ quá chậm vì thiếu vốn?

Theo Ban quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong. Để đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư, BQL sẽ tiến hành do đạc, san ủi, cải tạo gần 110 ha đất để cấp cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì việc cải tạo đồng ruộng cho dân chỉ mới dừng lại ở việc kiểm kê, đo đạc 30% trên tổng diện tích.

 

Vẫn còn nhiều hộ dân ở lòng hồ chưa chịu đến Khu tái định cư vì thiếu đất sản xuất và chưa được đền bù.
Vẫn còn nhiều hộ dân ở lòng hồ chưa chịu đến Khu tái định cư vì thiếu đất sản xuất và chưa được đền bù.


Ông Nguyễn Văn Thái- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong lý giải rằng: Việc chưa khai hoang ruộng tại các khu vực tái định cư để cấp đất cho dân sản xuất là do diện tích kiểm kê, bồi thường lớn và có địa hình phức tạp, khó khăn trong công tác đo đạc. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác so với thực tế, nhất là tính pháp lý của đất. Việc hoàn thành công tác bồi thường để có đất khai hoang ruộng vườn còn chậm do chưa có tiền bồi thường...

Cũng theo ông Thái để sớm có đất khai hoang, cải tạo ruộng sớm giao đất cho dân thì địa phương cần vận động nhân dân bị ảnh hưởng cho nợ tiền bồi thường và cho phép thi công khai hoang ruộng. Sau khi phương án bồi  thường được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ tiến hành chi trả cho người dân.

Theo kế hoạch, năm 2013 là năm cuối cùng tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành toàn bộ dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong. Thế nhưng hiện nay, theo đánh giá tiến độ thực hiện còn quá chậm, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, trong khi điều kiện thời tiết nắng mưa bất thường, nếu không đẩy nhanh tiến độ thì việc hoàn thành dự án theo kế hoạch là khó thực hiện.


Năm 2013, nhu cầu nguồn vốn là 381 tỷ đồng, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, Ban quản lý dự án này mới được bố trí kế hoạch vốn hơn 17,1 tỷ đồng. Theo Ban quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong hiện tiến độ các hạng mục cho dự án còn chậm, trong khi nguồn vốn bố trí thiếu. .

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2013, Ban quản lý dự án cần hoàn thành xây dựng 121 nhà ở tại khu tái định cư; thực hiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng trên tổng diện diện tích 323 ha; thu dọn lòng hồ 56 ha; chỉnh trang và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho 37 hộ di dân, san nền các khu tái định cư để bố trí cho 42 hộ dân; hoàn thành việc khai hoang ruộng, vườn rừng và giao đất sản xuất ổn định cho các hộ dân…

Liệu từ nay đến hết năm 2013, toàn bộ dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong có hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Điều này ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, của BQL, các nhà thầu, sự bố trí vốn kịp thời thì cần có sự hỗ trợ và đồng lòng của người dân trong vùng dự án.



Bài, ảnh: M.Toàn

 


CÁC TIN KHÁC
.