"Đánh đu" cùng số phận trên sông Re

02:11, 21/11/2012
.

(QNĐT)- Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Sơn Hà, chúng tôi được Chánh văn phòng UBND huyện "bật mí": "Chú về xã "đu dây" viết bài đi, hay đó". Xã "đu dây" nghe sao lạ quá? Thấy tôi ngớ người như chưa hiểu thì Chánh văn phòng huyện tiếp lời, xã "đu dây" là xã có tới 2/3 dân số bên kia sông Re, hàng ngày họ phải đi bè tự tạo và kéo dây thừng qua sông. Khổ lắm, người dân ở đây bao đời chỉ mong muốn có một cây cầu.


Theo lời chỉ dẫn của anh Phùng Tô Long- Chánh văn phòng UBND huyện Sơn Hà, chúng tôi tìm đến xã "đu dây". Chỉ với quãng đường hơn 35 km từ trung tâm huyện, nhưng chúng tôi phải đi hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể đến được nơi cần đến, đó là xã Sơn Ba (một xã nghèo của huyện Sơn Hà, giáp với huyện Ba Tơ).  

Quả thật như những gì người dân gọi, con sông Re chia cắt xã phần lớn xã Sơn Ba với các địa phương khác. Do không có cầu nên hàng ngày, người dân, đặc biệt là các em học sinh muốn đi học không còn cách nào khác là vượt sông trên chiếc đò tự tạo và một sợi dây được nối giữa hai bờ sông.

Nhọc nhằn tìm con chữ

Chúng tôi đến đây gặp lúc các em học sinh của Trường THCS Sơn Ba và giáo viên ở đây "đu dây" trên chiếc bè để vượt sông Re. Bình thường, nước sông Re có vẻ hiền hòa, nhưng vào những ngày mưa thì dòng sông không mấy chốc trở nên hung dữ và sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ. Nói là "đu dây" thực ra là người dân đi trên một chiếc bè tự tạo bằng những miếng ván ghép lại, được đặt trên những ruột ô tô bơm căng.

 

Hàng ngày hàng trăm học sinh xã Sơn Ba đi học trên bè tự tạo và đu dây qua sông.
Hàng ngày hàng trăm học sinh xã Sơn Ba đi học trên bè tự tạo và đu dây qua sông.
Nguy hiểm luôn rình rập các em mỗi khi qua sông.
Nguy hiểm luôn rình rập các em mỗi khi qua sông.

Ôm chiếc cặp trong tay như có vẻ sợ bị rơi xuống sông, em Đinh Văn Sợ- học sinh lớp 7B, Trường THCS Sơn Ba cho biết, nhà cách trường học 5km, ngày nào em cũng cùng các bạn phải qua sông Re để đến trường. Đi hoài thấy quen, nhưng nhiều lúc cũng thấy sợ, nhất là mỗi khi nước lớn. "Em và các bạn mong ước có một chiếc cầu treo để không phải đu dây, đi trên bè qua sông như thế này nữa"- em Sợ nói.

Không chỉ có em Sợ mà hiện xã Sơn Ba có 234 em học sinh, trong đó học sinh THCS là 151 em, học sinh tiểu học 83 em, đa phần là con em người H’re và hàng chục giáo viên. Để đến trường, hằng ngày họ phải vượt sông Re bằng bè và đu dây. Tuy nhiên, vào mùa lũ, nước sông Re chảy xiết thì các trường đành phải cho học sinh nghỉ học.

Thầy Trần Duy Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, sau buổi học là các em phải đi bộ gần 2km mới đến điểm đu dây qua sông Re về nhà, nhiều em phải đi bộ cả 4-5 km nữa mới về đến nhà. Sợ nhất là vào mùa mưa, các giáo viên ai cũng lo lắng không biết các em qua sông như thế nào. Chỉ khi nào nước sông lớn quá thì nhà trường mới cho các em nghỉ học”.Thấy thương các em chịu khó học, nhưng nhà trường cũng không biết làm sao?

Ở các huyện miền núi, việc vận động các em học sinh đến trường là một thành công lớn. Thế nhưng ở xã Sơn Ba, các em học sinh ở đây, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vì phải lội suối băng rừng để đến trường, nhưng nhiều em vẫn không nản lòng mà quyết tâm theo cái chữ. Đây là niềm hạnh phúc nhất của những giáo viên ở xã Sơn Ba.

Thương học trò nghèo của mình ngày ngày phải vượt suối, băng rừng, đu dây kéo bè vượt sông sâu tìm chữ, trường đã vận động các nhà hảo tâm xây phòng nội trú cho 36 em thôn Gò Da có nhà cách trường hơn 8km. Ngoài ra, các giáo viên cũng trích lương của mình để quyên góp tiền, gạo giúp đỡ một số em có nhà quá xa trường ở nội trú ăn học. Tuy nhiên, phần lớn các em học sinh còn lại là phải chịu khó phải băng rừng, vượt sông trên đò tự tạo để đến lớp kiếm cái chữ.

Mong ước có một cây cầu


Theo UBND xã Sơn Ba, toàn xã có 1.007 hộ thì trong đó có 630 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu ở bảy thôn gồm: Làng Ranh, Làng Bung, Làng Già, Làng Chai, Kà Khu, Mò O, Di Hoăn hằng ngày muốn đi lên nương rẫy hoặc đưa con đến trường phải vượt sông Re trên những chiếc bè tự tạo và đu dây.

 

Không chỉ có học sinh mà hàng ngày người dân qua lại sông Re cũng trên những chiếc đò và đu dây như thế này.
Không chỉ có học sinh mà hàng ngày người dân qua lại sông Re cũng trên những chiếc bè và đu dây như thế này.


Ông Đinh Văn La (thôn Làng Bung, một trong những người đưa bè, kéo dây thừng đưa khách qua sông Re cho biết, hằng ngày ông đưa cả trăm người qua sông. Đã không ít lần ông phải "thót tim" vì đang kéo dây thừng đưa khách qua sông thì nghe tiếng "chủm" - người và xe máy của khách rơi xuống sông. Cũng có lúc các em học sinh vừa đi vừa nô đùa nên bị rơi xuống sông, nhưng may các em biết bơi nên không sao. "Chỉ mong sao nhà nước đầu tư làm cầu để người dân và học sinh qua sông được thuận lợi" -ông La nói.

 

Theo quan sát của chúng tôi, trên một đoạn sông ngắn khoảng 350m có tới 7 điểm du dây qua sông. Ông Đinh Văn Nã-Bí thư Đảng ủy xã Sơn Ba cho biết, điều kiện kinh tế của một xã nghèo như Sơn Ba thì khó có thể mà làm được một cây cầu qua sông Re. Vì vậy, người dân mong muốn nhà nước hoặc các nhà hảo tâm, nếu chưa đủ kinh phí làm cây cầu kiên cố thì có thể làm cầu treo, để giúp người dân và học sinh trong xã đi lại thuận lợi, nhất là trong mùa mưa lũ.

 

Trên một đoạn sông ngắn có tới 7 điểm đu dây qua sông như thế này.
Trên một đoạn sông ngắn có tới 7 điểm đu dây qua sông như thế này.
 
Ông Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, đã nhiều lần khảo sát làm cầu treo nối đôi bờ sông Re nhưng do quãng sông rộng hàng trăm mét nên không khả thi. Huyện đã lập dự án xây cầu kiên cố dài 160m, rộng 5m (bắc qua đoạn sông hẹp nhất), với tổng kinh phí 25 tỷ đồng. Cách đây ba năm, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho chủ trương, nhưng rồi, chưa có kinh phí nên cây cầu trên vẫn còn nằm trên giấy. Vì vậy, ngày ngày người dân và học sinh trong xã vẫn phải "đánh đu" với hiểm nguy trên những chiếc bè tự tạo để sang sông!
 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
               
 

CÁC TIN KHÁC
.