Cánh chim khát vọng

03:11, 13/11/2012
.

*Phóng sự của Phương Lý


(QNĐT)- Cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang (16 tuổi, ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức) như cánh chim đong đầy khát vọng bay vút lên bầu trời. Mặc cho ngón chân sưng vù, mồ hôi và nước mắt ướt đẫm, cậu bé vẫn kẹp bút vào chân, trân người viết nên những con chữ.  
    

TIN LIÊN QUAN

 

 Nguyễn Tấn Sang là cậu học trò duy nhất ở Quảng Ngãi hiện đang viết chữ bằng chân. Cậu bé học lớp 1, Trường tiểu học Đức Phú (Mộ Đức). 16 tuổi đời, giờ Sang mới được hưởng quyền được đến trường như bao đứa trẻ khác. Nghị lực đã giúp cậu bé làm nên điều kỳ diệu.  

*“Bàn chân kỳ diệu”

Câu chuyện “Bàn chân kỳ diệu” tôi được nghe trong nhà trường cách đây lâu lắm rồi. Mà chắc không riêng gì tôi, triệu triệu người dân trong cả nước ghi nhớ câu chuyện cảm động này. Nhân vật trong truyện, anh Nguyễn Ngọc Ký-giờ đã hơn 60 tuổi, là nhà giáo ưu tú, người thầy đầu tiên ở Việt Nam dùng chân để viết chữ. “Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, nếu chúng ta giàu nghị lực thì sẽ vượt qua và đạt được điều mong ước”, qua câu chuyện kể, cô giáo đã dạy chúng tôi như thế.

 

Em Nguyễn Tấn Sang cặm cụi viết chính tả.
Em Nguyễn Tấn Sang cặm cụi viết chính tả.


Lời dạy mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa năm nào như văng vẳng bên tai tôi khi gặp em Nguyễn Tấn Sang. Mặc cho ngón chân sưng vù, mồ hôi và nước mắt đầm đìa, Sang vẫn cố kẹp bút viết cho bằng được hai từ “cà chua”. Quả đúng là chua, rất chua đối với cháu bé có số phận kém may mắn phải dùng chân thay cho đôi tay co quắp để viết nên khát vọng của tuổi thơ, để xua đi nỗi đau thể xác và cả những thiệt thòi mà em phải gánh chịu. Cô giáo Lê Thị Tiên (giáo viên chủ nhiệm của Sang) bùi ngùi giải thích: “Hễ gặp chữ nào khó em Sang đều như thế. Khó nhưng em cố viết cho bằng được”.

“Cố lên. Cô sẽ giúp em”, cô giáo Tiên đứng bên cạnh động viên. Nước mắt tôi chực trào khi thấy cháu bé vật lộn với con chữ. Thương lắm, nể phục lắm nghị lực của em Nguyễn Tấn Sang. Các học trò trong lớp viết được con chữ trông nhẹ tênh. Còn với Sang, em dồn sức vào bàn chân, mồ hôi rơi lả chả. Đầu cúi sát bàn chân. Đôi tay co quắp, cái dơ cao phía đằng sau, cái ngặt ngẹo phía trước. Trông Sang như chú chim sắp sửa cất đôi cánh thiên thần, đôi cánh ấy mang theo khát vọng cắp sách đến trường.

Cô giáo Tiên nhẹ nhàng cầm bàn chân thon nhỏ của Sang uốn theo con chữ. Nét tươi tắn đã trở lại trên khuôn mặt cậu bé khi ghép được hai chữ “c” và “h”. Những khuôn mặt trẻ thơ với đôi mắt xoe tròn trong lớp học cũng nở nụ cười “mừng anh Sang viết được chữ ch”.

Bàn chân Sang đã làm nên điều kỳ diệu, đó là bàn chân của khát vọng, của nghị lực phi thường. Cậu bé như tắm trong nước mắt bởi nỗi đau khuyết tật. Chính bàn chân đã giúp em đứng lên, mang đến cho em niềm vui trong cuộc sống.

 “Em Sang viết chữ đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và  tiếng Việt. Vẽ cũng rất đẹp. Sang thường chỉ bài cho các bạn trong lớp…”, cô giáo Tiên ngợi khen. Nghe thế, Sang nở nụ cười hồn nhiên.

Cô giáo Tiên cho hay, chính nghị lực, lòng ham muốn đến trường tột bực của Sang đã thôi thúc cô không ngừng cố gắng đồng hành cùng em trong từng nét bút. “Mỗi lần nhìn thấy Sang viết bài tháo mồ hôi hột là mỗi lần cảm thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Sang cười khi được điểm 10 cũng là mỗi lần không cầm được xúc động”, cô giáo Tiên bộc bạch.

Cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang đều đặn đến trường. Chẳng đếm xuể những lần em vấp ngã, mình mẩy tứa máu bởi những bước đi xiêu vẹo. Trường học luôn là mục tiêu để cậu bé vực dậy. Em lại tiếp tục chặng đường đến trường với những bước đi đầy niềm đam mê. “Té đau lắm, nhưng con thích đi học, con không nghỉ ở nhà đâu”, khát vọng đến trường chất chứa trong câu nói không tròn tiếng của cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang.

* Niềm vui ở lại   

Sau giờ học, tôi theo Sang về nhà. Trong ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của các thành viên trong gia đình khi Sang mang vở ra khoe: “Hôm nay con được điểm 10”. Tôi không sao quên được nụ cười hạnh phúc trên những khuôn mặt vốn hằn sâu nỗi khổ.

 

Sang luôn nở nụ cười tươi khi đến trường.
Sang luôn nở nụ cười tươi khi đến trường.


Anh Nguyễn Tấn Trãi và chị Đỗ Thị Bé (bố mẹ của Sang) luôn sống trong sự giày vò tâm can bởi trong nỗi đau thiệt thòi của con trẻ. Chị Bé thút thít khoe: “Bữa nào có điểm 10 cũng về khoe bố mẹ và hai em (hai bé gái đứa học lớp 3, đứa lớp 1-PV). Thằng Sang học giỏi lắm. Con út học có cái không hiểu, thằng Sang chỉ cho học nữa cơ mà”.

Sang dùng chân lật từng trang vở một cách cẩn trọng. Cậu bé nói với hai em: “Xem anh viết chữ đẹp không nè”. 16 năm, quãng thời gian dài cậu bé khuyết tật Nguyễn Tấn Sang dồn nén nỗi khát khao, giờ mới chạm đến ước mơ. Đó là ước mơ rất đỗi đời thường, rất trẻ thơ. “Con mơ ước được đi học”, Sang nói nũng nịu rồi úp mặt vào lưng mẹ.

Chị Bé cho biết, Sang bị bệnh khi mới chào đời. Vợ chồng anh chị làm việc cật lực kiếm tiền chạy chữa cho con, chồng bán cá viên chiên, làm rẫy, vợ chăm lo việc đồng án, nuôi heo, bò và đi làm công. Cả hai không cho phép mình nghỉ ngơi. Chạy chữa nhiều, nợ nần nhiều, thế mà bệnh của con vẫn thế.

Trước đã nhiều lần vợ chồng chị Bé xin cho Sang đi học. Thế nhưng với dạng tật Sang mắc phải, đôi tay co quắp không thể cầm bút nên trường học không mấy “mặn mà”. Cậu bé Nguyễn Tấn Sang nhiều hôm mang cặp đến trường nhưng chẳng được vào lớp. Khi thì vào lớp nhưng là học sinh… ngoài sổ.

“Giờ thì Sang đã vào biên chế lớp 1 hẳn hoi.  Thằng Sang ở nhà ngày nào cũng kẹp phấn, kẹp bút vào chân tập viết chữ. Nhớ hôm đầu tiên Sang viết được chữ mà ứa nước mắt. Thằng nhỏ cứ khóc đòi đi học. Thương quá nên năm học này quyết tâm xin cho cháu đi học lần nữa…”, chị Bé nói mà khuôn mặt rạng ngời niềm vui.



***

Mâm cơm trưa đạm bạc dọn giữa sàn nhà. Như thường lệ, chị Bé đút cơm cho Sang. Đôi tay dị tật của em không thể tự chăm lo cho bản thân. Giục mãi cậu bé mới rời chân khỏi cây bút. Đôi cánh khát vọng của Sang khi cầm bút khiến những ai đã một lần chứng kiến chẳng thể nào quên. Nghị lực của cậu bé có “bàn chân kỳ diệu” như anh Nguyễn Ngọc Ký năm nào mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng, nể phục trong cuộc sống./.

 


CÁC TIN KHÁC
.