Gặp lại đứa trẻ trong ca mổ song sinh chấn động một thời

08:09, 22/09/2012
.

Cách đây 25 năm, ca mổ tách rời cặp song sinh dính liền nhau của y học Việt Nam đã gây chấn động ngành y trong nước và thế giới.

Một ca mổ hội tụ đầy đủ y đức, trí tuệ và tình người đã dành lại sự sống cho hai con người để 20 năm sau, một đứa trẻ trong ca mổ diệu kì ấy đã trở thành cha của một cặp song sinh lành lặn. Một sự lặp lại hoàn hảo và có hậu như món quà vô giá dành tặng sự sống diệu kì của những "ông bụt, bà tiên" mặc áo blu trắng.

Ca mổ lịch sử

Năm 1981, một sản phụ ở huyện Sa Thầy (Kom Tum) đã sinh hạ một cặp song sinh dính liền phần bụng với nhau. Các bác sĩ chẩn đoán, hai đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam.

Ngay sau khi tiếp nhận cặp song sinh đặc biệt này, bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ đã có chế độ chăm sóc đặc biệt. Để tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình hai bé, làng Hòa Bình Bệnh viện Từ Dũ đã nhận mẹ và chị gái vào bố trí cho công việc để họ vừa làm có tiền trang trải cuộc sống. Hai bé trai được đặt tên là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức.

Việt - Đức lớn lên trong sự bao bọc, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Làng Hòa Bình. Vào thời điểm đó, cặp song sinh Việt - Đức được cho là duy nhất và phức tạp nhất về cấu tạo vì có chung ổ bụng và bộ phận sinh dục.

Nguyễn Đức nhớ lại: "Ngày đó, tôi cũng đã ý thức được cơ thể không bình thường của mình rồi. Càng lớn, cuộc sống và sinh hoạt cá nhân của chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn. Tuy là hai anh em song sinh dính với nhau nhưng tính tình mỗi người lại khác. Anh Việt thích xem phim hành động, phim hoạt hình còn tôi lại thích đá bóng và ca nhạc nên nhiều khi hai anh em bất đồng nhau. Giận nhau một lúc lại thôi có lẽ vì chúng tôi là hai trong một".

 

Nguyễn Đức tại Nhật Bản

Năm 1987, sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện Việt bị viêm màng não và ngày càng có dấu hiệu trầm trọng. Một cuộc "di lý" bằng chuyên cơ đặc biệt đưa cặp song sinh này sang Nhật Bản để các giáo sư kiểm tra trước khi tiến hành ca mổ lịch sử. Bệnh tình của Việt không hề có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ lo lắng nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến Đức.

Sau ca mổ lịch sử, Nguyễn Đức dần hồi phục sức khỏe, bắt đầu cuộc sống độc lập và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Nguyễn Việt do di chứng của bệnh bại não lại nhường phần lớn các bộ phận cho người em nên phải sống đời thực vật. Sau 19 năm sống trong sự chăm sóc tận tình của tập thể y bác sĩ Làng Hòa bình, năm 2007, Nguyễn Việt đã không thể chứng kiến cái ngày hạnh phúc bước lên xe hoa của đứa em trai một thời cùng chung ổ bụng với mình.

Sức sống kì diệu

Sau mổ, phải mất hơn một năm, các vết mổ của Nguyễn Đức mới dần lành lại. Những "người mẹ" ở Làng Hòa Bình đã cho Đức học chữ ngay trên giường bệnh vì lúc này Đức quá tuổi đến trường. Vừa phải điều trị vết thương vừa tập vật lý trị liệu, Nguyễn Đức vừa học chữ. Một người bình thường như thế đã là quá sức còn đối với cơ thể không bình thường, sức khỏe hạn chế nhưng bằng ý chí và nghị lực, Đức đã dần lấy lại được thăng bằng.

Từ trên giường bệnh, anh học chữ, anh chữa vết thương và tập bước đi trên chính một cái chân của mình mặc dù phải nhờ đến cây nạng gỗ. Hơn một năm oằn mình chống chọi với những vết thương đang dần lành sẹo, Đức đã có thể tự bước đi. Anh được gửi vào trường trẻ khuyết tật học văn hóa.

Do vừa phải trải qua ca mổ kéo dài, hao tổn nhiều sức lực và cả trí tuệ nên việc học của Nguyễn Đức gặp rất nhiều khó khăn. Anh thường bị mệt mỏi, căng thẳng mỗi khi tập trung lâu vào một việc gì đó. Anh tự nhận ra rằng, so với những đứa trẻ khuyết tật khác thì anh thuộc dạng đặc biệt. Anh gắng gượng học nhưng rồi phải dừng lại ở học kì đầu của năm lớp 10. Bằng vốn kiến thức và kĩ năng trong những năm theo học, Đức bắt đầu theo đuổi ước mơ học nghề. Đức chọn lĩnh vực công nghệ thông tin để "bắt ép" cái đầu phải hoạt động, kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê trong đó. Hơn ai hết anh hiểu, cơ thể khiếm khuyết của mình không cho phép anh làm các việc chân tay nặng nhọc, sự lựa chọn của anh lúc này có lẽ là duy nhất và cuối cùng.

Đức được tạo điều kiện sang Nhật học khóa nghề cấp tốc 3 tháng sau đó quay trở lại Việt Nam, anh được bố trí công việc tại Làng Hòa Bình Bệnh viện Từ Dũ. Là lớp đầu tiên và là anh cả của các em nhiễm chất độc da cam đang sống ở Làng Hòa Bình, hàng ngày được tiếp xúc, gần gũi với các em như tiếp thêm sức mạnh cho Đức vượt qua mọi rào cản về bệnh tật và sức khỏe. Hai năm với công việc liên quan đến máy móc, thông tin, Đức chuyển sang làm công tác đối ngoại. Khối lượng công việc đồ sộ luôn chiếm hết thời gian của anh. Anh say mê vào các dự án, các chương trình từ thiện, hỗ trợ của người Nhật với trẻ em nhiễm Diôxin của Việt Nam.

Nguyễn Đức lớn lên và có một ý chí như ngày hôm nay đều nhờ những người mẹ trong Làng Hòa Bình. Anh tâm sự, có lẽ cả cuộc đời mình trả nợ ở Làng Hòa Bình này cũng không đủ được. Đó là món nợ ân tình, nợ cái nghĩa vô giá mà các y bác sĩ và cả những người Nhật đã dành lại sự sống cho anh. Trong tâm khảm Nguyễn Đức, anh luôn coi nước Nhật là quê hương thứ hai và những người Nhật đã giúp đỡ anh là những bậc cha mẹ đã tái sinh ra anh lần thứ hai.

Hạnh phúc đến như một phép màu

Năm 2004, trong một lần đi đám cưới người bạn, Đức vô tình bắt gặp ánh mắt tò mò của cô gái là bạn của cô dâu. Cô ấy có cái tên thật đẹp, Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Đã nghe danh Đức từ lâu nhưng chưa có dịp được gặp mặt nay cô gái nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt ngoài đời thì ngỡ ngàng xen lẫn mừng vui. Sau đám cưới, Tuyền và Đức có dịp gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tuyền cảm nhận được bên trong cơ thể không lành lặn của Đức là một ý chí thật phi thường. Cô tận mắt chứng kiến Đức chơi đá banh, lái xe máy ba bánh đi làm hoặc tham gia các chương trình từ thiện.

Từ cảm phục, cô dần cảm tình rồi mến thương anh chàng này lúc nào không hay. Về phần mình, Đức chứng minh cho Tuyền thấy anh không bất lực trước hoàn cảnh, anh có thể làm được những việc mà người bình thường làm được. Anh dần hướng Tuyền theo những chuyến đi từ thiện để cô ấy cảm nhận trọn vẹn và chân thật nhất những việc Đức làm.

Tình yêu của Tuyền với Đức bị gia đình cô phản đối quyết liệt vì lo cho tương lai và cuộc sống của con gái. Tuyền thuyết phục gia đình mình bằng tình yêu chân thành. Cô mang về cho mẹ xem những bằng chứng thiết thực nhất mà người yêu mình đã làm được. Cuối cùng, sau hai năm yêu thương và tranh đấu, năm 2006, một đám cưới đặc biệt của chú rể Nguyễn Đức và cô dâu Thanh Tuyền diễn ra trong sự chúc tụng, mừng vui của cả cộng đồng.

Hạnh phúc được nhân lên sau ba năm ngày cưới, vợ chồng Nguyễn Đức cho ra đời một cặp song sinh một trai một gái lành lặn. Một lần nữa, sự kiện Nguyễn Đức - đứa trẻ trong ca mổ lịch sử năm xưa làm cha của hai đứa con song sinh đã gây tiếng vang lớn trong giới y học và toàn xã hội. Đến nay, hai con của Nguyễn Đức đã được hơn 3 tuổi và đều khỏe mạnh bình thường.

Niềm vui vô bờ thể hiện rõ trên khuôn mặt người cha đặc biệt này, anh cho biết: "Trước khi quyết định sinh con, vợ chồng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Đó là một sự đánh liều với vận mệnh, những nỗi lo, những hồi hộp từng ngày từng giờ chờ mong kết quả cuối cùng của các bác sĩ chẩn đoán về thai nhi. Đến khi tận mắt nhìn thấy hình hài hai giọt máu của mình, tôi mới vỡ òa trong hạnh phúc".

Nguyễn Đức quyết định đặt tên hai con là Phú Sĩ và Anh Đào. Đứa con trai mang tên một ngọn núi ở Nhật Bản và đứa con gái mang tên một loài hoa đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Nguyễn Đức chia sẻ, anh muốn làm một việc gì đó để tạ ơn những ân nhân Nhật Bản. Anh lấy tên con để ghi nhớ về đất nước này và để gắn kết thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Ngày 4/10/1988, ca mổ bóc tách cặp song sinh Việt - Đức do giáo sư - bác sĩ Trần Đông A làm trưởng ê kíp cùng nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành tham gia. Sau 15 tiếng, với ba ê kíp mổ gồm 70 các y bác sĩ đã thực hiện thành công tốt đẹp, bóc tách rời hai đứa trẻ thành hai con người độc lập. Đây là ca mổ bóc tách trẻ dính liền đầu tiên tại Việt Nam và là ca mổ song sinh thứ 7 trên thế giới.

 

 

Theo Người Đưa Tin


CÁC TIN KHÁC
.