Tuyệt phẩm sanh 800 tuổi khiến giới săn cây "chết đứng"

09:08, 22/08/2012
.

Cái sự độc nhất của cây sanh nằm giữa đồng Suối Cốc, xã Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình khiến người ta liên tưởng đến biết bao chuyện kỳ bí. Chỉ cần nhìn hình thù của cây thôi, cũng đã đủ cho người có bộ óc ưa hoang đường liên tưởng ra hàng trăm thứ chuyện. 


Người phong phú tưởng tượng thì nói thân như con hươu cao cổ, người thì bảo đó là một con trăn tinh khổng lồ người thì bảo con bạch tuộc “chết” cạn bởi sự thiên biến nghìn năm của địa chất. 

Muốn nói sao thì nói, muốn mường tượng đến ma mãnh hay quỷ quái gì thì mường tượng, còn sự thật cây sanh vẫn sừng sững giữa trời đúng theo quy luật của thiên nhiên. Cây có trước ắt sẽ thành đại thụ. 
 

Một góc của thân cây sanh Suối Cốc với những trân trụ vạm vỡ vun lên thành một ngọn
Một góc của thân cây sanh Suối Cốc với những trân trụ vạm vỡ vun lên thành một ngọn 


Cây sanh ở cổng làng Suối Cốc cũng vậy, mọc lâu năm thì đương nhiên là cổ thụ. Giờ cây như cổng làng dẫn lối vào Suối Cốc. Người đi qua phải chui qua dưới khe một nhánh cây. Cây lớn như người mẹ của làng, tỏa bóng cho người dân, làm chỗ nghỉ ngơi mỗi trưa hè đi làm đồng về. Thế thôi cũng đủ làm cho lòng người tạ ơn bóng mát, tạ ơn thiên nhiên đã đồng cảm với con người vất vả bằng cách chở che qua những tán lá. 

Quả thực, cây sanh nổi tiếng và có tên huyền bí kể từ khi ngành điện ảnh chọn làm nơi ghi những trường đoạn chân quê trong bộ phim “ma làng”. Những cảnh quay dưới gốc cây sanh đã đưa được người ta trở về với làng quê thanh bình của một thời đã qua. 

Cây đa đầu làng, hay cây sanh đầu làng luôn là hình ảnh đẹp trong ký ức của tuổi thơ thế hệ đi trước. Giờ người ta gọi cây sanh Suối Cốc là “cây đa ma làng”. Song, với tôi người được hưởng bóng mát dưới tán sanh đại thụ này thì quả đây là kiệt tác cuối cùng của thiên nhiên bỏ quên cho loài người. 

Một trong số 54 thân trụ
Một trong số 54 thân trụ 


Cây to đã là vốn quý, đằng này không chỉ là “hoành tráng” mà còn như tuyệt phẩm của rừng xanh nằm giữa làng Suối Cốc. Những thân vạm vỡ hàng chục người lớn ôm không hết hướng lên trời xanh kết tụ thành thân lớn như sự đồng điệu kỳ tài của thiên nhiên. Tiếc thay, giờ cây sanh chỉ còn lại 54 đại gốc kết thành khu rừng trước cổng làng Suối Cốc. 

Ông Đinh Văn Bình, trưởng thôn khẳng định: “Đó chỉ là một cây. Những thân cổ thụ hiện tại xưa kia là những rễ buông xuống tạo nên thành một khối cây đại thụ. Cây này trước đây có đến cả trăm thân to lớn, nhưng cách đây 5 năm khi trào lưu chơi cây sanh cổ thụ lan rộng, người dân đã chặt trộm thân lớn để làm cây thế…”. 

Những phi vụ mua bán chặt trộm cây sanh giờ vẫn còn âm ỉ ở Suối Cốc, song người dân thì sao dám bởi họ đã hiểu giá trị và đặc biệt cây sanh này đã nằm trong “sách đỏ” của huyện Lương Sơn và có trong hương ước của xã. 

Tất cả những thân trụ cắm xuống đất đều kết dính và phát triển từ 1 cây
Tất cả những thân trụ cắm xuống đất đều kết dính và phát triển từ 1 cây 


Vì thế, những tay “hổ báo” đến mấy cũng không dám bén mảng đến gốc cây này. Bởi chỉ cần nhát rìu bập xuống gốc cây thì khó mà thoát khỏi gậy gộc của xóm làng truy đuổi. 

Trước tiên khẳng định luôn việc chính quyền xã Hợp Hòa đề xuất cho cây sanh ở Suối Cốc trở thành cây di sản thiên nhiên là việc cần làm. 

Một cây có tuổi vào khoảng 800 năm theo như Viện khoa học bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam khảo nghiệm, phân tích thì đó là những giá trị không riêng cho Lương Sơn mà còn có giá trị chung cho con người. 

“Sau khi nghiên cứu đánh giá cây sanh đã được công nhận cây di sản thiên nhiên. Tới đây đúng ngày 19-5 chúng tôi tổ chức đón nhận gắn biển ngay tại dưới gốc cây này”.- ông Hoàng Ánh Điện, chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình cho biết. 

Các nước trên thế giới, những cây to lớn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Còn ở nước ta, những cây to lớn thường xuyên trở thành tâm điểm nhòm ngó của nhiều người hám lợi. Đặc biệt, cây sanh ở Suối Cốc mặc dù đã được bảo vệ bởi người dân thôn xã, nhưng vẫn có người muốn thôn tính bằng nhiều cách. Bởi phong trào chơi cây cổ thụ vẫn đang “nóng” ở nhiều nơi. 

 

Ông Định Văn Bình Trưởng thôn Suối Cốc: Làng phải có hương ước để bảo vệ
Ông Định Văn Bình Trưởng thôn Suối Cốc: Làng phải có hương ước để bảo vệ
cây thì mới còn nguyên được như thế 


Ngay khi chúng tôi có mặt tại sườn núi phía trên vị trí cây sanh đại thụ đang sừng sững thì tiếng máy cẩu đang gằn tời đưa những gốc cây sấu già lên xe. Chúng ta trồng bao nhiêu năm để có được cây to lớn cỡ vài người ôm? Câu hỏi này chính là câu trả lời luôn cho những phi vụ mua bán cây đại thụ. Bởi chính vì suy nghĩ trồng đến bao giờ mới có cây to như thế được nên họ chọn cách dùng tiền đánh bật gốc đại thụ là cách ươm nhanh nhất ở nơi mong muốn. 

Nguy cơ bản làng trơ trọi không còn là điều lo lắng mà đã thành hiện thực. Bởi giờ đây, những làng quê trên đất nước Việt Nam tìm được hình ảnh thực sự hồn Việt quả là việc làm thật khó. Những gốc đa, giếng nước, khóm tre…đều bị quy đổi thành tiền, và sức hủy diệt của những cái đầu vụ lợi đã biến những làng quê thanh bình thành những ngôi nhà trơ trọi trong nắng. 

Cây sanh ở Suối Cốc giờ là nơi trú ngụ duy nhất của những đàn chim, con sóc trên cánh rừng Lương Sơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những giá trị mà người dân thường nhìn thấy. Còn những giá trị của thời gian thì thật khó đong đếm dưới gốc sanh này. Biết bao nhiêu năm tháng nó mới có thể được như vậy. Biết bao nhiêu đời người của dân làng vẫn lấy bóng mát của nó làm nơi tiếp nguồn sống cho những ngày hè. 

Một phần trụ của thân cây sanh đại thụ
Một phần trụ của thân cây sanh đại thụ 


Rồi thì, những năm chiến tranh, bóng cây cổ thụ không chỉ vây quân thì mà con là nơi chở che cho người dân nương náu đạn bom của kẻ thù. “Những năm đất nước trong chiến tranh, mỗi khi quân gặc dội bom trút đạn thì gốc sanh là nơi ẩn náu của cả xã Hợp Hòa. Thời bình thì là nơi nghỉ trưa của người dân Suối Cốc. Bởi gốc đa ở đầu làng, và bên cạnh đó là đồng lúa vì vậy nơi đây có thể như một sân đình của người dân”- ông Hoàng Ánh Điện, chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết. 

Điều đáng buồn nhất là một thời cây đại thu chở che như thế, nhưng cách đây mấy năm chỉ trong vài đêm đã bị đốn hạ mất mấy chục thân trụ vạm vỡ. Chính ông Bình còn là người từng đếm những thân cắm xuống đất trong những ngày nắng nóng ra hóng mắt dưới gốc cây. 

Ông Bình nói: "Tôi nhớ rõ, tôi còn bẻ 100 que tre nhỏ để cắm từng thân cây một đếm cho chính xác. Đúng 100 thân trụ không hơn không kém". Vậy là trong thời gian sốt cây cổ thụ, cây sanh tuyệt phẩm của thiên nhiên ban tặng xã Hợp Hòa đã bị mất 46 thân trụ.

 

 

Theo VTC


CÁC TIN KHÁC
.