Cà phê chồn một huyền thoại

08:08, 18/08/2012
.

Cà phê Buôn Ma Thuột vốn đã nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Chẳng những thể, trong dân gian còn truyền tụng cả câu chuyện về cà phê chồn mà nhiều người quả quyết đặc sản này của Đắc Lắc quý và lạ không kém gì thứ “trảm mã trà” của người Trung Hoa khi xưa. Đến nay, đã mấy ai được nhìn thấy chứ chưa nói đến việc uống thứ cà phê đặc biệt ấy và câu chuyện về thứ cà phê chốn vẫn lưu truyền như một huyền thoại của vùng đất nhiều bí ẩn này…

Câu chuyện chẳng phải là hoang tưởng. Giống chồn thích ăn trái cà phê chín, chúng nuốt hết cùi và hạt thải ra theo đường tiêu hóa đã biến thành một loại khác hẳn, thơm ngon hết sức. Nhưng thứ cà phê mà ta sẽ nói dưới đây – cà phê chồn lại phải hội đủ một số yếu tố rất đặc biệt, đáng để người đời và các nhà chuyên môn để tâm xem xét.
 

Cà phê chồn một huyền thoại
 

Trong bốn loại cà phê ở Đắc Lắc, giống Arabica tròn hạt, dầy mình và có hàm lượng ca-phe-in rất cao. Giống chồn ở Dak Lak cũng có 4 loại, trong đó có loại chồn mầu xám tro, mang 2 sọc dài trên lưng và nặng từ 10-12kg là thứ tinh khôn và nhanh nhẹn hơn cả. Người Ê Đê gọi chúng là M’jia. Tháng 11 là mùa thu hoạch cà phê ở Dak Lak, cũng là thời điểm giao phối của giống M’jia. 

Con vật sẽ đi ăn cà phê chin và người ta cho rằng các loại axit amin trong cơ thể nó sẽ kết hợp trái cà phê và từ đó dẫn đến sự đổi thay về chất của hạt cà phê sau khi đã thải ra. Cà phê chồn (thứ thiệt) chỉ được tạo ra từ con M’jia đực khỏe mạnh sau khi nó “cộng tác” với loài Arabica. Rất hiếu kì trong tâm thế của kẻ ưa khám phá, mùa khô năm 1986, tôi đã có cái may mắn hiện diện trong chuyến đi tìm thứ đặc sản độc đáo này tại nông trường cà phê Phước An, huyện K’rông Pắc tỉnh Đắc Lắc. 

Người dẫn đường cho tôi là anh bạn Trần Ngọc Vinh, cán bộ đoàn tỉnh Đắc Lắc và chúng tôi đến nhà anh Lạc, một thợ săn lành nghề kiêm tay trống cừ khôi của đội văn nghệ huyện, gia đình họ đã nhiều đời làm nghề thợ săn, chính từ đây, tôi được vỡ lòng mấy khái niệm về cà phê chồn.

 

Cà phê chồn một huyền thoại
 

Tinh mơ, con thú sẽ chậm rãi tiến vào vườn cả phê dò xét tỉ mẩn, nó tỏ ra ưa thích những cây cà phê 4-5 tuổi, có tán lá đều và quả chin mọng. Người săn rừng lão luyện thấy rõ vết chân nó (hai móng trước, một móng sau, móng phía trong hơi cúp vào) đảo vòng quanh gốc chừng 2 – 3 vòng rồi mới lên cây tiếp tục xem xét. “Quỹ đạo” dò xét của nó hiện rõ mồn một, nếu con chồn trở ra theo đúng đường vào gốc cây cà phê, tức là đêm ấy nó sẽ không ăn trái cây này; ngược lại, nếu nó đi ra bằng đường khác, thường là đối xứng với lối vào tất là chắc chắn tối hôm ấy chừng 10-11h đêm con M’jia sẽ ăn trái cây này.

Thật lý thú khi Lạc cho tôi biết những tình tiết trên và ngay đêm ấy, tôi khoác áo Pilốt cùng anh chàng xách khẩu các-bin mới mượn, đầu đội mũ có gắn đèn thợ săn bươn bả đến hiện trường sớm để mai phục. 

Thời khắc chậm như kiến bò, chừng 11.30, M’jia đến hiện trường và hai mắt nó sáng rực như hai cục than, chẳng sợ gì ánh sáng đèn và ngang nhiên trèo lên cây rồi nhanh chóng vào việc. Bữa ăn của M’jia kéo dài từ 2-3 tiếng đồng hồ và sau một tiếng gì đó, từ hậu môn nó những hạt cà phê cứ lần lượt thải ra, rơi tí tách dưới gốc cây. Lạc thì thầm vào tai tôi: “Nó đấy thầy ạ”. Tôi biết hết bữa, đống hạt kia có thể nặng tới 3kg. 

Cà phê chồn một huyền thoại
 

Dễ đến 3 lần, Lạc chỉ chực bắn song tôi ngăn anh lại, bởi kẻ ngoại đạo làng săn chỉ muốn có thêm sản phẩm lạ còn người thợ săn lại chỉ mong ấn cò bắn hạ con thú. Thế rồi cũng chỉ it phút sau, tay súng cừ khôi nhất huyện Krông Pắc bóp cò, sau tiếng các-bin khô khốc, tôi chỉ nghe một tiếng rên nhẹ và từ trên cao, con M’jia rơi bịch xuống. Tay thợ săn vọt lên tóm ngay lấy con chồn tội nghiệp, còn người hiếu kì là tôi cũng kịp băng ra và theo lời dặn của Lạc, tôi đem cái túi cói ra và bốc lấy bốc để những hạt cà phê ươn ướt dính nhiều đất đỏ ba-zan vừa mới từ bụng con thú tuồn ra.  

Chúng tôi hỉ hả trở về nhà Lạc trong đêm ấy, người ướt sương đêm và nhanh chóng cho tất cả cà phê vào chậu lớn rửa thật sạch bằng 3 nước. Tất cả những hạt cà phê nổi lên sẽ được để riêng ra, loại này có chất lượng đúng bằng trái chín của cây cà phê mà M’jia đến ăn. Những hạt chìm xuống đáy chậu, thường chỉ đến 1/3, được mang ra phơi kỹ và sử dụng. 

Đó chính là thứ cà phê chồn huyền thoại mà ngay cả những tay nghiện cả phê nhất ở mảnh đất này cũng rất, rất khó có dịp thưởng thức. Bây giờ, rừng bị đẩy vào phía núi xa, cây cà phể được quy hoạch lại, họ hàng nhà M’jia mất dần, lấy đâu ra thứ đặc sản quý hiếm kia?

 
 

Sau chuyến đi năm ấy, tôi bị cảm sốt và phải nhập viện, tuần sau, từ dưới Krông Pắc cách thị xã 22km, Lạc lên bệnh viện thăm tôi, sau khi tôi cám ơn và khen là thịt M’jia ngon lắm, anh chàng bẽn lẽn đưa ra một gói nhỏ, nặng chừng 0,5kg cho tôi và nói: “Đây là quà của thày”. Biết là thứ quý, tôi tận hưởng mùi thơm và cất vào táp-đơ-nuy sau khi gói kỹ bằng giấy báo.

Vậy mà chỉ một ngày sau, khi đến bệnh viện thăm tôi, nhạc sỹ Mạnh Trí bỗng ngợ ngợ và hỏi : “Ở đây có mùi gì lạ thế, phải chăng là thứ cà phê huyền thoại gì đó?” Hôm sau xuất viện, tôi đã đem gói cà phê ấy qua nhà hàng xóm và gặp cụ Y Bi Alê-ô, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam để hỏi cụ. Ông cụ mừng và bảo tôi “Cháu có thứ cà phê chồn thứ thiệt rồi đó”. Tôi từng nghe cụ và cha vợ tôi khi đó là cụ Y Wang Mloduondu nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc TW, cho biết tại vùng đất này còn có thứ cà phê được lấy từ tổ kiến hay tổ chồn song thứ này chẳng hơn gì cà phê thường, “ghê” nhất chỉ là cà phê chồn chúng tôi mới có...

Dân sành cà phê chỉ uống nóng pha phin, cái hay độc đáo là ở chỗ người xung quanh sẽ rất ấn tượng vì mùi thơm ngon khó tả và bay đi rất xa, một phin đã pha ra thì ai đi qua cũng phải hỏi thăm. Bởi thế nên giờ đây, ôn lại chuyện ấy tôi càng khẳng định điều mình từng viết lên báo: “Nếu bây giờ ai có cà phê chồn thứ thiệt, giá đắt đến đâu cũng xin một lần…”. Hỏi và tự trả lời, làm gì có nữa mà mộng mơ!

 

Theo Truyền hình số

 


CÁC TIN KHÁC
.