Bóng che từ Mẹ

08:07, 24/07/2012
.

(QNĐT)- Một ngày giữa tháng Bảy, tôi về thăm những Người Mẹ Việt Nam anh hùng ở vùng quê Đức Phổ, mảnh đất từng bị bom đạn kẻ thù cày nát trong chiến tranh. Tuy lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng lòng Mẹ tựa như suối nguồn chảy mãi mang yêu thương tắm mát cho đời.

TIN LIÊN QUAN


*  Nỗi đau lặn sâu vào tim

Sắp bước qua tuổi 90, nhưng Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trọng ở thôn Xuân Thành, xã Phổ Cường vẫn khá minh mẫn. Chuyện đời đã qua như những thước phim quay chậm qua lời kể của Mẹ.

Năm 21 tuổi, Mẹ lập gia đình với người đồng chí của mình là Võ Đức. Tuy đói cơm, lạt muối, nhưng hai vợ chồng vẫn tích cực tham gia hoạt động bí mật, nuôi giấu cán bộ… và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Thường ngày, Mẹ Trần Thị Trọng luôn thắp hương, ngắm nhìn di ảnh của chồng và hai người con đã hy sinh.
Mẹ Huỳnh Thị Phụng với tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con độc nhất là liệt sỹ Trần Văn Tính.


Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Mẹ tham gia công tác phụ nữ, vận động chị em tăng gia sản xuất, góp gạo nuôi quân… Chồng của Mẹ tiếp tục tham gia công tác cách mạng và tập kết ra Bắc vào năm 1954, khi người con thứ 4 chưa kịp chào đời.

Tần tảo nuôi 4 con thơ dại, Mẹ vẫn tiếp tục tham gia công tác phụ nữ ở địa phương trước những đòn roi tàn bạo của kẻ thù vì bị nghi ngờ là cộng sản và có chồng tập kết ra Bắc.

Nhiều lần, chúng đánh Mẹ chết đi sống lại để tìm nơi trú ẩn của cán bộ và cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, Mẹ vẫn cắn răn chịu đựng, tiếp tục tham gia phong trào, nuôi giấu cán bộ và làm giao liên cho Đảng ủy xã Phổ Cường.

Đòn roi không khuất phục được ý chí của Mẹ, chúng liền chĩa súng vào đầu dọa bắn và mang con thơ dọa thả xuống giếng nước, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đáng sợ. Trong một lần tham gia đấu tranh trực diện với giặc, Mẹ đã bị thương nặng trước họng súng của quân thù.

Đớn đau lại ập vào đời Mẹ khi hay tin người chồng thương yêu đã hy sinh sau 11 năm xa cách, khi ông trở về Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Vượt lên nỗi đau, Mẹ vẫn tiếp tục tham gia công tác và động viên 2 người con trai tham gia du kích để cầm súng giải phóng quê hương. Tiếp đến, hai người con trai là Võ Cương và Võ Duy Tư lần lượt ngã xuống trên mảnh đất quê hương.

Riêng với liệt sỹ Võ Cương, sau 3 ngày chôn cất, bọn địch đã đào mộ phơi xác “để xem ai còn dám làm cộng sản”. Mẹ như chấp chới giữa cuộc đời, nén chặt nỗi đau vào tim, vượt qua bom đạn, đóng góp sức mình giải phóng quê hương.
    
Còn với mẹ Huỳnh Thị Phụng (85 tuổi) nỗi đau vẫn chưa phôi pha sau hơn 41 năm kể từ ngày người con trai độc nhất hy sinh. Trong Mẹ, luôn hiện lên hình ảnh con trai bước đi chập chững, bập bẹ gọi ba khi người chồng chia tay vợ trẻ, con thơ tập kết ra Bắc.

17 năm sau đó, cậu bé ngày nào đã trở thành anh du kích Trần Văn Tính khiến cho kẻ địch phải khiếp sợ khi nhắc đến tên anh. Và không may, trong một trận đánh không cân sức với kẻ thù, anh đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương.

Khi ấy, Mẹ đảm nhận chức vụ Hội trưởng phụ nữ xã Phổ Nhơn đã quỵ ngã trong vòng tay của những người đồng đội. Nhưng chỉ sau vài ngày, Mẹ lại vượt lên nỗi đau, tiếp tục tham gia công tác để “không còn những người mẹ phải mất con vì chiến tranh”.

Trong một lần xuống cơ sở, không may, Mẹ đã sa vào tay của kẻ thù. Hơn 3 tháng bị giam cầm tại nhà lao Quảng Ngãi, bọn địch chỉ biết trút căm hận bằng những trận đòn roi vào cơ thể gầy còm, tả tơi của Mẹ.

Không đủ chứng cứ buộc tội “làm cộng sản” chúng phải thả Mẹ trở về quê hương. Đây cũng là khoản thời gian hiểm nguy nhất trong cuộc đời của Mẹ, bọn ngụy quyền ở địa phương luôn theo dõi, đánh đập vì “chồng đi tập kết, con là tử sĩ cộng sản”. Nhưng với sự gan dạ, khôn khéo, Mẹ đã vượt qua sự theo dõi, đòn roi của địch để đóng góp sức mình cho cách mạng đến ngày thống nhất đất nước.  

* Lòng Mẹ bao la…

Sau giải phóng, Mẹ Trần Thị Trọng tích cực khai hoang vỡ hóa, vận động nông dân tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại quê hương bị chiến tranh tàn phá. Mẹ ráng sức cuốc từng tấc đất, nhặt từng cọng cỏ để lúa, khoai tươi xanh, chống thiếu đói trong những ngày giáp hạt… nuôi dạy các con nên người.

    Mẹ Huỳnh Thị Phụng với tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con độc nhất là liệt sỹ Trần Văn Tính.
Thường ngày, Mẹ Trần Thị Trọng luôn thắp hương, ngắm nhìn di ảnh của chồng và hai người con đã hy sinh.


Hiện Mẹ đang sống cùng gia đình người con trai út Võ Khắc Chính. Sau 58 năm kể từ ngày chồng tập kết ra Bắc và 47 năm khi nhận được tin chồng hy sinh, Mẹ và gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “Chẳng biết giờ này ông ấy đã yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sỹ hay vẫn còn nằm đâu đó giữa Tây Nguyên đại ngàn?” - câu hỏi ấy cứ đeo bám, giày vò Mẹ trong cả những giấc ngủ chập chờn suốt hàng chục năm qua.

Thường ngày, Mẹ luôn thắp hương, ngắm nhìn di ảnh của chồng và hai con, lật từng trang hồ sơ đã ố vàng như để tìm lại hình bóng của những người thân yêu của mình. “Khi xem truyền hình thấy cảnh chiến sự vẫn còn tiếp diễn ở một số nước trên thế giới, mẹ tôi lại thở dài buồn bã, lặng lẽ thắp hương rồi lầm rầm khấn nguyện…” – anh Chính cho biết.

Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương do đòn roi của địch lại hành hạ Mẹ Huỳnh Thị Phụng. “Thời gian gần đây, cô tôi luôn đau nhức khắp cơ thể. Tôi cũng đã nhiều lần đưa cô đến bệnh viện nhưng các y, bác sỹ lắc đầu ái ngại. Họ bảo chỉ chữa dứt cơn đau chứ không thể bớt hẳn…” – anh Huỳnh Hữu, cháu họ của Mẹ, cho biết.

Tuy đi lại khó khăn, nhưng Mẹ vẫn luôn thương yêu, vui đùa các cháu gọi bà và trẻ thơ trong xóm. Mỗi buổi chiều, chúng thường quây quần bên Mẹ để được nghe kể chuyện cổ tích, đón nhận những viên kẹo, tấm bánh cùng với những lời dạy bảo ân cần. “Tuy con tôi mất sớm, nhưng giờ lại có được cả đàn cháu cũng an ủi lúc tuổi già…” – Mẹ bộc bạch cõi lòng với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hằn sâu vết chân chim.

Khi viết những dòng này, trong tôi cứ vọng mãi câu nói của Mẹ Huỳnh Thị Phụng: “Gia đình tôi tham gia cách mạng để không còn những người mẹ mất con vì chiến tranh…”. Có lẽ đấy cũng là suy nghĩ của những người Mẹ Việt Nam anh hùng trên mảnh đất đau thương và anh dũng này. Sự hy sinh của các Mẹ tựa như những cây đại thụ tỏa bóng che đời cho đất nước được hồi sinh.


Trang Thy
  


CÁC TIN KHÁC
.