Cô gái tật nguyền "trổ tài" đào giếng - Kỳ 1: Một phận người kém may mắn

09:06, 17/06/2012
.

(QNĐT)- Sau gần 4 năm trời chạy chữa bệnh yếu đốt sống cổ, đến khi 5 tuổi, bé gái Huỳnh Thị Nhàn (sinh năm 1987) ở xóm 2 Đông, xã Bình Mỹ, Bình Sơn mới lẫm chẫm bước đi. Niềm vui chẳng tày gang thì đến lúc này cha mẹ cô đau buồn nhận ra đứa con tội nghiệp của mình bị câm điếc bẩm sinh...

Là con thứ 4 trong một gia đình nghèo khó với 5 anh chị em, thuở mới lọt lòng Nhàn trông rất trắng trẻo và bụ bẫm hơn nhiều đứa trẻ cùng lứa khác khiến cha mẹ cô hết sức vui mừng. Họ đặt tên bé là Nhàn, với mong muốn cuộc đời cô sẽ được an nhàn, hưởng thụ. Nào ngờ, trái với những mong muốn ấy, Nhàn lớn lên không được bình thường đã mang lại bao nỗi đau xé lòng cho cha mẹ cô.

Bất thường ngay từ nhỏ

Khi tròn 1 tuổi, mặc cho những đứa trẻ cùng lứa đã chập chững biết đi, Nhàn cứ lặng lẽ nằm im trong nôi. Đó cũng là lúc cha mẹ cô phát hiện ra con gái mình bị câm điếc và mắc bệnh yếu gân cổ, khiến cho xương cổ cô bé rất yếu, không thể giữ đầu cố định.

Ông Huỳnh Kỳ (sinh năm 1960)- cha của Nhàn mường tượng lại: Lúc đó, 2 vợ chồng chỉ biết chạy đông chạy tây cầu cứu thầy giỏi, dốc sạch tiền trong nhà để chữa bệnh cho con. Mong sao nó khỏi bệnh và sống khỏe mạnh như người bình thường là mừng lắm rồi.

 

Huỳnh Thị Nhàn tuy đã 25 tuổi nhưng thân người nhỏ thó và gầy tong teo
Huỳnh Thị Nhàn tuy đã 25 tuổi nhưng thân người nhỏ thó và gầy tong teo


Sau bao nhiêu kỳ công của cha mẹ, Nhàn đã khỏi bệnh yếu gân cổ và trở nên cứng cáp hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cô lại phải xót xa, cam chịu nhìn con gái yêu mãi mãi sống trong thế giới câm lặng, không âm thanh, tiếng động.

Không hiểu vì lý do gì, đến 5 tuổi Nhàn mới biết đi, chạy nhảy bình thường. Đây chính là lúc mọi hy vọng của gia đình về việc cô sẽ vui vẻ sống khỏe mạnh đều bị dập tắt. Nhàn vừa mới biết đi đã có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, hay đi lang thang khắp nơi và khóc nhiều ngày liên tiếp.

Càng ngày, Nhàn càng xanh xao dù hằng ngày ăn rất khỏe. Điều đặc biệt là cô không bao giờ đụng đến các món cá, thịt mà chỉ ăn rau xanh và uống sữa. Đến nay dù đã 25 tuổi, nhưng Nhàn trông chẳng khác gì một đứa bé chừng 8, 9 tuổi. Nhỏ thó và gầy tong teo.

Như bù lại những mất mát quá lớn về tinh thần và thể chất, trời phú cho Nhàn có được những tài hoa và sự khéo léo khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Hơi ấm gia đình dành cho cô gái bất hạnh

Vì là đứa trẻ bị thiệt thòi nhất trong 5 anh chị em, nên Nhàn đón nhận được nhiều tình cảm và quan tâm của cả cha mẹ lẫn người thân trong gia đình.

Ngay từ lúc Nhàn tròn 1 tuổi, khi phát hiện con gái tội nghiệp mắc bệnh yếu xương cổ, mẹ Nhàn là bà Hồ Thị Quế đã hao tốn không biết bao nhiêu nước mắt xót thương cho thân phận con mình.

 

Vợ chồng bà Quế kể về những chuỗi ngày vất vả đi chữa bệnh cho con
Vợ chồng bà Quế kể về những chuỗi ngày vất vả đi chữa bệnh cho con


Những năm 1988,1989, đường ghồ ghề đất đá là thế mà bà vẫn phải đội nắng, đội mưa vượt hàng chục cây số chở con đi chữa bệnh. Nhớ lại những hôm con gái bé bỏng đói lả và khóc, bà Quế  phải vừa địu con, cho con bú vừa đạp xe cọc cạch vượt qua quãng đường đá lởm chởm cho kịp giờ khám.

Cứ thế, suốt 1 năm dài bà Quế kiên nhẫn chở bé Nhàn trên chiếc xe cũ đi chữa bệnh khắp nơi. Còn ông Huỳnh Kỳ- bố của Nhàn thì miệt mài làm thuê làm mướn để kiếm gạo nuôi các con và dành tiền chữa bệnh cho Nhàn.

Nhà nghèo, đông con, chỉ sống phụ thuộc vào 3 sào ruộng, bao nhiêu tiền bạc 2 vợ chồng làm lụng đều ưu tiên tích cóp dồn vào cho Nhàn. Thời đó, có được bữa cơm trắng, không phải độn khoai củ cho các con ăn no là điều khao khát của 2 vợ chồng nghèo.

Nỗi khổ vì con của bà Quế và ông Kỳ chưa dừng lại khi bé Nhàn trở chứng có dấu hiệu tâm thần hay đi lang thang. Mỗi lần như vậy, bà Quế cứ chạy đôn chạy đáo tìm gọi con khắp nơi với nỗi lo sợ mơ hồ rằng con sẽ không tìm được đường về.

 

Nhàn với hành động kỳ quặc của mình bên chiếc giếng tự đào
Nhàn với hành động kỳ quặc của mình bên chiếc giếng tự đào


Bà Quế xót xa nói: “Nhiều lúc bực quá, tôi buộc ra câu la mắng nhưng lại sực nhớ ra nó bị điếc có nghe được đâu, tôi đành phải lấy roi quất mấy cái vào đít để nó chừa”. Nhưng, cha mẹ nào mà không xót con, mỗi roi đòn đánh con như vết kim châm vào trái tim yêu thương của người mẹ tảo tần.

Rồi mỗi lần Nhàn nổi cơn khóc nhè cả chục ngày liên tiếp, bà Quế và chồng phải thay phiên nhau đạp xe chở Nhàn đi khắp xóm để dỗ nín. Nhiều đêm, 2 vợ chồng cứ chở đi lòng vòng mãi đến 12 giờ khuya Nhàn mới chịu về nhà ngủ. Lúc đó, đôi chân già nua của người làm cha, làm mẹ đã mỏi nhừ. Nhưng có mỏi đến mấy, mệt đến mấy vẫn không thể nào sánh với tình thương bao la dành cho đứa con gái tội nghiệp.

Sau nhiều lần chạy vạy tiền chữa bệnh cho con, gia đình bà Quế đang ngày càng khánh kiệt. Đến tận lúc này, khi đã trải qua nhiều nỗi vất vả vì con, vợ chồng bà Quế lại phải đau đầu vì hành động kỳ quặc của cô con gái mắc bệnh tâm thần. Mới đây nhất là việc cô  tự tay đào giếng khá đẹp và công phu bằng những dụng cụ hết sức thô sơ. Đến nay, chiếc giếng đã sâu gần chục mét.

 

Thanh Phương
 

Còn nữa


CÁC TIN KHÁC
.