Tấm lòng của người cựu binh với khu rừng già

09:05, 29/05/2012
.

(QNĐT)- Với người cựu binh ấy, núi Nhàn (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) như người mẹ dịu hiền không tuổi. “Mẹ hiền” đã từng vỗ về tuổi thơ êm đềm của ông, che chở cho ông và đồng đội một thời máu lửa dưới tán rừng xanh ngắt. Và giờ đây, dù đã ở cái tuổi lục tuần, ông vẫn đứng ra bảo vệ “mẹ hiền” bằng cả lòng quyết tâm và niềm yêu mến vô hạn…


TIN LIÊN QUAN


Người cựu binh ấy chính là ông Trần Đức Minh ngụ ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Một ngày theo ông len lỏi trong khu rừng rậm tự nhiên rộng 46 ha ở núi Nhàn, chúng tôi đã ngộ ra bao điều về tấm lòng cao đẹp đối với rừng của người cựu binh có khuôn mặt sắc cạnh cùng đôi mắt sáng.

Bảo vệ rừng là tri ân cách mạng

Cái nắng nóng gay gắt đến khó chịu của mùa hè miền Trung khiến bước chân thêm nặng nhọc trên quãng đường chưa đầy 1km từ ngôi nhà nhỏ của ông Minh đến núi Nhàn.

Ấy vậy mà, vừa mới đặt chân đến bìa rừng, cái không khí mát mẻ, trong lành cùng cây cối xanh mướt và tiếng chim hót líu lo như đưa chúng tôi vào một thế giới khác. Cũng từ lúc này, hồi ức chiến tranh ác liệt gắn liền với khu rừng tự nhiên ùa về theo từng bước chân của người cựu chiến binh.

 

Với ông Minh, bảo vệ khu rừng tự nhiên trên núi Nhàn là hành động để tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Với ông Minh, bảo vệ khu rừng tự nhiên trên núi Nhàn là hành động để tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc


Sinh ra và lớn lên ở thôn An Thọ, ông Minh có những kỷ niệm đẹp trong suốt tuổi thơ êm đềm cùng lũ bạn gắn liền với núi Nhàn. Ông quen thuộc từng ngách đá, từng gốc cây nơi đây. Khi trải qua thời chiến tranh ác liệt với sự càn quét ráo riết của quân địch, ông và đồng đội vẫn quyết tâm bám trụ, ẩn náu dưới tán lá rừng núi Nhàn.

Ông Minh trầm ngâm kể lại: Vào những năm 1970-1972, tôi cùng đồng đội là du kích địa phương chọn khu rừng này làm căn cứ an toàn. Thời đó, chốt núi Nhàn là một trong những chốt quan trọng vào loại bậc nhất khu vực Tây Sơn Tịnh. Kiểm soát được chốt này là kiểm soát được cả một địa bàn rộng lớn.

“Do vậy, bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập, chúng tôi quyết chiến đấu giành lại từ tay địch từng hòn đá một trên núi. Có biết bao nhiêu chiến sĩ đã phải ngã xuống để bảo vệ khu căn cứ giữa núi Nhàn này. Nên giờ đây, tôi không nỡ chứng kiến cảnh những gốc cây kỷ niệm lần lượt bị đốn ngã.”

Đó cũng là lý do khiến ông Minh cố gắng gìn giữ khu rừng tự nhiên. Với ông, đó là hành động tri ân đầy ý nghĩa đến những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ăn, ngủ cùng rừng

Ngay sau khi rời quân ngũ vào tháng 3/1978, với tư cách là xã đội trưởng, ông liền thành lập tổ bảo vệ rừng cùng với ông Lê Cao Hoàng và anh Nguyễn Văn Cảnh. Anh Cảnh cho hay: Thấy anh Minh tâm huyết bảo vệ khu rừng già để làm lợi cho bà con trong việc có nước tưới tiêu đồng ruộng vào những ngày khô hạn, tôi thấy phục quá chừng. Một mình anh thì không thể quản hết cả khu rừng rộng lớn nên tôi tình nguyện cùng anh làm công việc này. Thế là tổ bảo vệ rừng đồng lòng, quyết bảo vệ từng gốc cây ngọn cỏ của núi Nhàn.

 

Ông Minh cùng tổ bảo vệ rừng của thôn đã từng một thời gian dài ăn, ngủ trên rừng để truy đuổi lâm tặc
Ông Minh cùng tổ bảo vệ rừng của thôn đã từng một thời gian dài ăn, ngủ trên rừng để truy đuổi lâm tặc


Nhớ lại thời gian cao điểm của nạn phá rừng, chặt cây tại khu vực núi Nhàn vào những năm 1979-1982, ông Minh và tổ bảo vệ rừng đã phải lao tâm khổ tứ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn. Biết đối tượng phá rừng đều là dân địa phương nên ông đã đến từng nhà thuyết phục, kêu gọi cùng nhau bảo vệ rừng. Nói chưa đủ, ông còn khăn gói lên rừng ở một thời gian dài, rình bắt tại trận những người đang chặt phá để ngăn chặn, giao chính quyền xử lý.

“Bị họ chửi bới, cầm rựa đuổi dọa chém vì cản mũi việc “làm ăn” của người ta là chuyện thường ngày chúng tôi phải gặp! Nhưng thà bị thế để rồi họ hiểu ra rằng phá rừng là chuyện sai trái mà không làm nữa thì tôi cũng chịu”- Nụ cười rạng rỡ cùng đôi mắt ánh lên vẻ cương nghị luôn thường trực trên khuôn mặt người cựu binh đã qua tuổi 60.

Cuối cùng, với lòng yêu rừng đến bền bỉ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Minh cùng tổ bảo vệ rừng đã chiến thắng nạn chặt phá rừng. Thành công lớn nhất chính là đã thay đổi được suy nghĩ của người dân trong việc đồng lòng giữ màu xanh nguyên thủy của núi Nhàn giống như giữ lá phổi xanh của cộng đồng. Để có được kết quả đó, ít ai biết được rằng người cựu binh rắn rỏi ấy đã ăn, ngủ cùng rừng suốt mấy tháng trời.

Mong mỏi có người tiếp nối

Có lẽ, chúng tôi sẽ không bao giờ hiểu hết về tình cảm nồng nàn của ông Minh dành cho núi Nhàn. Nhưng chúng tôi hiểu được rằng, tiếng chim hót rộn rã vang lên một cách yên bình đến kỳ lạ trong khu rừng rậm của ngày hôm nay là nhờ vào công sức khó nhọc của cha ông ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ. Và cũng nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Minh và tổ bảo vệ rừng, dẫu trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến động.

 

Một trong nhiều hầm đá trú ẩn của du kích trong  kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên khu vực núi Nhàn
Một trong nhiều hầm đá trú ẩn của du kích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên khu vực núi Nhàn


Chuyến thăm khu rừng tự nhiên ở núi Nhàn để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc khó phai. Suốt hành trình leo núi, ông Minh vẫn chăm chú kể về kỷ niệm với đồng đội gắn liền với từng gốc cây, từng chiếc hầm trú ẩn chúng tôi vừa đi qua. Khu rừng từ lâu đã như là máu thịt của người cựu binh già. “Không có núi Nhàn, có lẽ cũng không có tôi hôm nay!”- Ông Minh nói vừa đùa vừa thật.

Mặc cho những đổi thay của đường bê tông, đường điện kéo dài ở phía xa chân núi, khu rừng vẫn giữ vẻ rậm rạp nguyên thủy. “Đây là nơi hội tụ nhiều cây gỗ quý đường kính rộng cả người ôm không xuể và nhiều loài dây leo chằng chịt. Nơi này vẫn luôn là đất lành của nhiều loại chim như chích chòe, hồng tước, cu đất, vẹt...”- Anh Nguyễn Văn Cảnh, thành viên của tổ bảo vệ rừng khoe.

Sau một hồi vất vả, chúng tôi cũng leo lên được đỉnh cao nhất của núi Nhàn. Từ điểm này, toàn bộ 67 nóc nhà của thôn An Thọ ẩn hiện phía sau hàng cây cối xanh màu cùng với cánh đồng bao la đều thu về tầm mắt. Nét yên bình với vẻ đẹp mê hoặc lòng người đang ngự trị nơi đây.
 

Nét bình yên của xóm làng, đồng ruộng thôn An Thọ thấp thoáng dưới màu xanh của rừng tự nhiên nhìn từ đỉnh núi Nhàn
Nét bình yên của xóm làng, đồng ruộng thôn An Thọ thấp thoáng dưới màu xanh của rừng tự nhiên nhìn từ đỉnh núi Nhàn


Hơn 30 năm làm nhiệm vụ bảo vệ núi Nhàn là hơn 30 năm trong lòng ông Minh không ngừng xuất hiện những niềm trăn trở. Với ông Minh, bảo vệ rừng là trách nhiệm, nghĩa vụ để tri ân đến những người đi trước chứ không hề  vụ lợi cá nhân.

Ông Minh cho biết: Chính quyền địa phương đã trả công cho 3 người trong tổ bảo vệ rừng chúng tôi bằng 3 sào đất cát, bạc màu cùng với 1 triệu đồng/năm/3 người. Số tiền ít ỏi này làm sao bằng công sức chúng tôi đã bỏ ra. Nhưng dẫu không có thì chúng tôi vẫn xung phong gắn bó, bảo vệ rừng như bảo vệ gia đình, người thân ruột thịt.

“Chỉ tiếc rằng, ba người trong tổ bảo vệ rừng cũng đều lớn tuổi cả rồi. Một khi chúng tôi không còn sức và ngã xuống thì ai sẽ chịu nối tiếp nhiệm vụ này?”. Ẩn sâu bên trong câu hỏi ấy là nỗi lo về một ngày nào đó không xa, khu rừng tự nhiên này sẽ chẳng còn nữa. Thực sự đó là một nỗi niềm đầy trăn trở…


Thanh Phương
 

 


CÁC TIN KHÁC
.