Săn cá thài bai

04:04, 19/04/2012
.

Thài bai không phải là tên của một loài cá, mà là để chỉ chung các loài cá bống khác nhau khi còn nhỏ.

Ẩm thực nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi là món cá bống sông Trà, thế nhưng “đệ nhất ngon” của ẩm thực được chế biến từ các loài cá trên sông ở xứ Quảng là món cá thài bai hấp. Vào cuối tháng 3, chúng tôi có dịp cùng với lão ngư Lê Bưng ở thôn 3, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi đi săn cá thài bai trên sông Trà Khúc.

Thài bai đơm ngược

Trên sông Trà Khúc đoạn qua xã Nghĩa Dõng, chúng tôi cùng lão Bưng mang những tấm đăng và vài chiếc đó ra mé sông. Trên chiếc thuyền nhôm bơi ngược dòng sông, lão Bưng vừa uốn nhịp chèo vừa giải thích: “Cá bống có nhiều loài, dựa theo hình dáng mà chúng có tên như: bống vồ, bống găm, bống dừa, bống kèn, bống nhớt, bống gấu. Khi còn nhỏ, con nào con nấy như cây tăm, bơi thành đàn thì gọi là cá thài bai”.

 Lão Bưng đặt đó, giăng đăng bắt cá thài bai.
Lão Bưng đặt đó, giăng đăng bắt cá thài bai.

Theo lão Bưng, từ cuối tháng 9 đến tháng giêng, cá bống trên sông Trà đẻ trứng, trôi theo dòng nước ra cửa biển Cổ Luỹ rồi nở thành cá thài bai. Sau đó, chúng rủ nhau làm cuộc hành trình ngược dòng từ biển để về lại sông Trà. Sau những cơn mưa lũ khoảng cuối tháng chạp, những ngư dân vùng Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng và Tịnh An (huyện Sơn Tịnh) lại đổ xô ra sông đón cá. Mãi cho đến cuối tháng 3 âm lịch, khi con cá thài bai bơi ngược sông Trà đã lớn, chúng tách đàn để kiếm ăn thì nghề săn cá thài bai trong năm cũng chấm dứt.

Trò chuyện với lão Bưng trên chiếc thuyền một hồi lâu, trước mắt tôi hiện ra bờ cừ bằng cọc tre, dài trên 60m đóng chếch từ bờ ra giữa dòng sông. Lão Bưng nhanh nhẹn chống sào vào bờ cát rồi nhảy xuống thuyền đi dọc bờ cừ. Té ra là ở phía dưới bờ cừ chìm trong nước là những tấm mành tre. Lão Bưng cho biết: bờ cừ đóng từ hồi cuối tháng chạp, rồi lấy mành tre giăng ngang. Khi thuỷ triều lên, con cá thài bai bơi đến đó gặp tấm mành chắn nên chuyển hướng bơi vào bờ. Ở sát bờ, nối những tấm mành là dãy bờ cừ hình chữ chi. Lão Bưng lấy những tấm đăng dài làm bằng tre chèn ngang rồi đặt chiếc đó vào khoảng giữa những tấm đăng ngược dòng nước. Thấy tôi trố mắt nhìn, lão giải thích: “Hầu như tất cả các loài cá trên sông đều đơm xuôi (hứng cá theo dòng nước), nhưng chỉ có con thài bai là đơm ngược dòng nước, bởi vì chúng luôn bơi về phía thượng nguồn”.

Sau khi đặt chiếc đó, lão Bưng dùng cuốc cào xuống sông để xoá dấu vết. Lúc này cả đó và đăng đều có màu cùng với màu cát trên sông. Sau đó, lão Bưng bơi thuyền đưa chúng tôi ra tít ngoài giữa sông chờ đợi… Rồi thuỷ triều lên, từng đàn cá thài bai tiếp tục đi ngược sông Trà mà chúng chẳng hề biết được rằng, những tấm đăng, đó đang bẫy chúng, nên chúng cứ tung tăng bơi rồi nằm gọn trong chiếc đó của lão Bưng.

Kỳ thú săn cá thài bai

Trong khi ngắm từng đàn cá thi nhau chui vào chiếc đó, lão Bưng cho biết: “Cả đời tui từ nhỏ đến giờ 76 tuổi, tui luôn gắn bó với khúc sông này với con cá thài bai. Bây giờ, già rồi, con cháu nhiều lần can ngăn, không cho tui tiếp tục nghề săn cá thài bai. Nhưng rồi, thấy tui ngồi buồn, chúng đành để tui ra sông để săn loài cá này”. Lão Bưng kể, nửa đầu thế kỷ trước cho đến năm 1985, khi Quảng Ngãi chưa ngăn dòng sông Trà để làm đập Thạch Nham lấy nguồn nước tưới cho 50.000ha lúa và hoa màu, nước sông Trà trong mùa hạ vẫn còn cao, nên vô số loài cá, nhất là loài cá thài bai sinh sôi khá nhiều.

Để chuẩn bị cho mùa săn cá thài bai, trong những ngày đông giá rét, ông nội của lão Bưng đã bơi thuyền ngược sông Trà lên vùng đầu nguồn tìm mua những cây tre mỡ kết thành bè xuôi sông Trà về Nghĩa Dõng, rồi chọn gò đất cao tập kết tre. Sau đó, ông nội của lão Bưng chẻ tre vót nan đan đó, đăng và những tấm mành. Để đặt một chiếc đó, phải có cả trăm tấm mành, hàng chục tấm đăng. Muốn làm mỗi chiếc đó, phải vót đến 300 nan tre mỏng như cây tăm để bện. Công việc này đòi hỏi khá tỉ mỉ và công phu, nhưng điều khó nhất vẫn là bện chiếc cửa của chiếc đó cho thật đều để khi đặt đó xuống nước, con cá thài bai bơi đến đó không cảm thấy lo ngại khi chúng bơi vào trong chiếc đó.

Nghề đan đó, đan đăng đã khó, nên có rất ít người làm được đã đành, cộng vào đó, thì nghề săn cá thài bai cũng khá thầm lặng. Sau khi đặt đăng, đặt đó, người săn cá phải đi dọc bờ cừ ngâm mình trong nước để vớt rong rêu và rác từ thượng nguồn đổ về sao cho bờ cừ được sạch sẽ, không cản dòng nước, do đó, những người thiếu kiên nhẫn, sẽ không thể làm nghề này. Lão Bưng kể: “Hồi trước, khi sông Trà chưa ngăn dòng xây đập Thạch Nham, có khi chừng năm giờ sau khi đặt đó, tui đã đánh bắt được trên 30kg cá thài bai. Còn bây giờ, trong cả mùa đánh bắt, thường chỉ có một ngày vào đầu tháng 3 được chục ký cá là nhiều. Điều kiện săn cá thài bai khó như vậy và cá cũng đang ít dần, nên bây giờ ở sông Trà Khúc chỉ còn có bốn người chuyên săn cá thài bai, trong đó người trẻ nhất, tuổi cũng đã lục tuần”.
 

Đệ nhất khoái cá thài bai hấp xúc bánh tráng.
Đệ nhất khoái cá thài bai hấp xúc bánh tráng.



Thài bai xúc bánh tráng đệ nhất khoái

Câu chuyện bỗng dưng chuyển hướng khi bên chiếc đó xuất hiện một cánh cò. “Hôm nay cá vào đó nhiều, nên cò bay đậu bên chiếc đó để ăn cá. Con cò này lạ lắm, từ đầu mùa cá thài bai chỉ quanh quẩn ở khúc sông này. Hôm nào cá vào đó nhiều, nó lại bay đến đó để bắt cá ăn”, lão Bưng nhận định. Nói rồi, lão Bưng bơi thuyền vào mé bờ sông rồi neo lại. Cả lão cùng chúng tôi hăm hở bước đến ba chiếc đó. Trong cả ba chiếc đó, cá thài bai kín đầy. Lão Bưng nhanh nhẹn, bưng cả chiếc đó lên bờ rồi dốc ngược đổ cá vào chiếc mủng tre. Những con cá thài bai nhỏ bằng cây tăm đã cùng chúng tôi bơi thuyền về nhà lão. Khi đi ngang vườn, lão Bưng còn hái thêm một nắm lá ngò, hành lá.

Do cá thài bai đánh được trên sông khá sạch, nên chẳng cần phải rửa lại cá. Lão Bưng cho hay, cá thài bai nếu kho mằn mặn, rắc tiêu ăn với cháo trắng là món ngon dành cho phụ nữ mới sinh, hoặc cho các cháu bé bị còi xương. Cũng có người còn cho ướp cá đem đúc bánh xèo ăn cho vui, nhưng khoái khẩu nhất vẫn là món hấp cá thài bai. Sau khi đổ cá vào tô lớn, nêm một chút nước mắm, muối vào quấy đều rồi đặt lên trên vài cọng hành lá, lão Bưng mang tô cá hấp cách thuỷ. Sau chừng mươi phút, cá thài bai chín đều, lão vội bắc nồi xuống, bưng tô cá còn bốc khói và rải đều lên tô cá một ít tiêu và cho thêm vài cọng ngò rồi bày biện ra bàn. Chẳng cần đũa, chẳng cần chén, chúng tôi thưởng thức món cá thài bai xúc bánh tráng khá đậm đà, rồi đưa cay bằng rượu gạo, mới hiểu thêm đệ nhất khoái của món cá thài bai đậm đà, ngòn ngọt và cay cay. Trong cơn chếnh choáng men say, lão Bưng cứ nhắc đi nhắc lại: “Hôm nào quay lại nhà tui, ra sông săn cá thài bai, tui sẽ đãi món cá thài bai đúc bánh xèo và cháo cá thài bai để có thể hiểu hơn về đặc sản độc đáo của quê mình”.

 

Theo SGTT
 


CÁC TIN KHÁC
.