Đời ở trọ

03:09, 20/09/2011
.

(QNĐT)- Chủ trương nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn xa vời đối với nhiều công nhân. Họ vẫn cứ phải sống trong những căn phòng trọ ẩm thấp, tồi tàn với mức giá khá cao. Và có lẽ họ sẽ ở trọ đến cuối đời nếu vẫn còn gắn bó với nghiệp công nhân lương tháng chỉ đắp đổi qua ngày.
 

Vượt hàng chục kílômét từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi vào một chiều mưa đầu thu, tôi đã được tận mắt chứng kiến “những người khốn khổ” khi phải sống trong những căn phòng trọ ẩm thấp, tồi tàn.
 
 Một khu nhà trọ công nhân tại phường Phước Long B, quận 9, TP. Hồ Chí Minh vắng im lìm vì họ phải làm việc suốt ngày tại các công ty, xí nghiệp.
Một khu nhà trọ công nhân tại phường Phước Long B, quận 9, TP. Hồ Chí Minh vắng im lìm vì họ phải làm việc suốt ngày tại các công ty, xí nghiệp.

Bước vào căn phòng rộng chưa đầy 10m2 dưới cái nóng hầm hập hòa lẫn tiếng ếch, nhái gọi bạn tình trên những cánh đồng lúa lân cận, tôi vội quay ra thì gặp ngay mùi hôi từ nhà vệ sinh liền kề xộc ngay vào mũi. Vì vậy mà tô cháo gà của những công nhân Công ty TNHH MTV cao su Thống Nhất đãi người đồng hương xứ Quảng là tôi mất hết hương vị. Lại gặp lúc cúp điện nên cả 6 con người phải xì xụp ăn uống dưới ánh sáng leo lắt của ngọn nến, mồ hôi nhễ nhại.

Anh Nguyễn Nguyên Vũ, quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đây là khu trọ “bề thế” nhất so với các nơi khác. Vì vậy mà mỗi tháng vợ chồng anh phải đóng cho chủ nhà trọ gần 1 triệu đồng, chưa kể khoản tiền điện, nước sinh hoạt.

Cứ 6 giờ sáng, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Kim Yến rời nhà mang con trai đầu lòng chưa đầy 6 tháng tuổi sang gửi nhờ ở nhà người chị gái cách đấy hơn 17km rồi tất tả đến nơi làm việc.

Hơn 18 giờ chiều, anh chị lại hối hả tạt qua chợ mua vội thức ăn và đón con trở về phòng trọ lo xong bữa tối đến khoảng 21 giờ đêm. Có nhiều hôm, cả hai anh chị phải tăng ca đến 21 mới giờ mới trở về đến nhà khi cháu bé đã ngủ vùi trên tay mẹ.

Sự vất vả ấy đã đem lại khoản thu nhập cho vợ chồng anh mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Anh nhẩm tính: “Sau khi trừ tiền thuê trọ, ăn uống, tiền sữa cho con và các khoản chi khác, mỗi tháng vợ chồng tui cũng dành dụm được gần 1 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản lễ, tiệc đấy, chứ một tháng chỉ cần nhận dăm tấm phong bì thì coi như méo mặt, có khi phải vay mượn rồi trả dần”.

Cùng nơi làm việc với anh Vũ có anh Tạ Phú Dĩnh quê ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy khá điển trai nhưng đến cái tuổi 34 mà anh vẫn chưa lập gia đình mặc cho mẹ già ở quê luôn mong có cháu ẵm bồng.

“Lương tháng chưa đến 3 triệu đồng, không đủ lo cho bản thân thì làm sao dám nghĩ đến vợ con” – anh tâm sự.
 
Mặc dù làm việc suốt ngày, thậm chí tăng ca nhiều giờ liền trong đêm nhưng lương công nhân chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Mặc dù làm việc suốt ngày, thậm chí tăng ca nhiều giờ liền trong đêm nhưng lương công nhân chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Cùng trọ với anh Dĩnh còn có hai nam công nhân làm chung công ty quê ở Trà Vinh. Do căn phòng khá hẹp, lại phải “ưu tiên” cho hai chiếc xe máy cùng với xoong, chảo và bếp ăn nên diện tích còn lại chỉ vừa đủ trải chiếc chiếu. “Do chỉ cần có nơi để ngả lưng vài tiếng đồng hồ trong đêm nên tụi tui không dám thuê những căn phòng rộng rãi, thoáng mát. Bớt được khoản thuê trọ để lo những chi phí khác” – anh tâm sự.

Tuy chưa lập gia đình nhưng chi phí mỗi tháng cho việc ăn uống, thuê trọ, điện, nước, xăng xe của anh Dĩnh cũng lên đến gần 2 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản “phí giải sầu” là những ly cà phê đá hay nhậu lai rai với bạn bè, những tấm thiệp hồng của người thân… “May mắn là mẹ già ở quê có lương hưu, em trai đã có việc làm ổn định chứ không thì…” – anh bỏ dở câu nói.
   
Dù công việc không nặng nhọc nhưng với gần 12 tiếng đồng hồ phải luôn tay với việc lưu hóa, ép cao su trên máy nên sau khi tan ca là anh Dĩnh vội tạt vào hàng quán ăn uống qua loa rồi trở về phòng trọ tắm rửa, nghỉ ngơi. Vì vậy nên khoản thời gian dành cho việc giải trí đối với anh chỉ là là món hàng xa xỉ. Anh và những người bạn khác cứ mong đến ngày chủ nhật để được nghỉ ngơi sau cả tuần làm việc vất vả.

Thỉnh thoảng, anh cũng tự thưởng cho mình ly cà phê đá hay cùng với vài người bạn lai rai dăm ba xị rượu đế cho vơi bớt nỗi buồn. “Mải việc, chẳng còn thời gian để giao lưu kết bạn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ gặp những nữ công nhân làm cùng, lấy nhau rồi cũng chẳng khá hơn thì làm sao dám nói đến chuyện cưới xin?!” – anh Dĩnh lý giải về việc độc thân của mình.

Với vợ chồng anh Vũ và chị Yến thì cứ mong đến giờ tan ca để được nhìn thấy gương mặt thân thương của cậu con trai chưa đầy 6 tháng tuổi. Những hôm đầu tiên xa mẹ, cu cậu khóc đến khản giọng trên tay người cô ruột. Nhiều lúc, sữa căng đầy ngực chị đành phải vắt bỏ trong nỗi xót xa, thương con và thương cả phận mình…

Và cứ sau giờ làm việc, anh chị lại vội vã đón con trở về với chiếc tổ ấm của mình. Đó cũng là khoản thời gian hạnh phúc trong nhất trong ngày của gia đình anh chị. “Dành dụm hơn 2 triệu đồng mua được chiếc tivi nhưng cũng chẳng rảnh rỗi để mà xem thì còn thời gian đâu để đến rạp xem chiếu bóng hay ca nhạc?!” – anh Vũ cho biết.

Trước khi vượt hàng chục kílômét trở về trung tâm thành phố, chúng tôi đã có những giây phút hàn huyên bên ly cà phê đá mà các anh vẫn thường dùng để “giải sầu”. Tiếng guita bập bùng dưới bàn tay điêu luyện của anh Dĩnh hòa quyện cùng ca từ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”. Vâng! Các anh đang ở trọ trần gian, trọ trong những căn phòng ẩm thấp, tồi tàn. Không biết đến ngày nào các anh mới thoát khỏi cảnh trọ, có được căn nhà của riêng mình? Khi ấy thì tiếng đàn và lời ca sẽ bay bổng và lãng mạn hơn.
                   
Trang Thy
 
 

 


CÁC TIN KHÁC
.