Những mảnh đời bất hạnh

09:12, 23/12/2010
.

(QNĐT)- “Vùng ngoại ô… Vùng ngoại ô…”, cậu bé mù cả hai mắt ngồi bất động trên sàn nhà, thi thoảng cất tiếng hát. Chốc lát, cậu bé lại la hét, đập phá tất cả những thứ quơ được trong tầm tay. Ai đã một lần chứng kiến đều cảm thấy nhói lòng. Và, càng thương xót hơn khi nghe chuyện kể về những mảnh đời trong gia đình nghèo khổ này…

Vượt chặng đường gần 30km từ TP.Quảng Ngãi đến xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), chúng tôi tìm đến nhà một gia đình mà theo như lời của chị Nguyễn Thị Kim Chi-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tịnh Đông thì “không thể nghèo hơn được nữa” và “nghe qua không thể không đau lòng”. Đó là chuyện của gia đình anh Trịnh Văn Hải (ở xóm Gò Yến, thôn Tân Hưng, xã Tịnh Đông).

* Chồng chất nỗi đau
Sau cơn lũ, con đường về xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đầy “ổ voi”, “ổ gà”. Ngôi nhà tình thương của gia đình anh Trịnh Văn Hải ở khu vực thuộc Nông trường dứa 25/3 ngày trước.

“Chết. Chết”, cậu bé mù gào thét, túm lấy người đàn ông trạc tuổi 50 đấm đá túi bụi. “Hưng. Hưng. Cha đây mà, cha đây…”, người đàn ông vừa nắm chặt tay cậu bé, vừa la to.
 
Vợ chồng anh Hải cùng với con trai và cháu ngoại
Vợ chồng anh Hải cùng với con trai và cháu ngoại.

“Đó là anh Hải, bố của thằng bé. Tội nghiệp, sinh 4 đứa con mà có đến 3 đứa bị mù…”, chị Nguyễn Thị Kim Chi-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tịnh Đông, giải thích.

Vợ chồng anh Trịnh Văn Hải mời chúng tôi vào nhà, và rồi câu chuyện được bắt đầu với những dòng nước mắt tuôn rơi. “Đời mình đã khổ, đời con, đời cháu cũng khổ luôn. Thằng Hưng suốt ngày lên cơn la hét, đập phá…”, chị Trần Thị Hoa (vợ của anh Hải) vừa nói, vừa đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt.

Anh Trịnh Văn Hải nguyên là bộ đội chiến đấu ở chiến trường K, còn chị Trần Thị Hoa thì tham gia du kích xã. Cả hai đã đóng góp công sức đấu tranh vì nền hòa bình, độc lập của quê hương, đất nước. Anh Hải bị thương khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường, nên bây giờ mỗi khi trái gió trở trời vết thương tái phát, đau thấu trời xanh.

Thế nhưng nỗi đau ấy không đau bằng chính cái nỗi đau trong cuộc sống đời thường mà vợ chồng anh đã và đang trải qua. Họ sinh 4 người con, thế nhưng có đến ba đứa bị mù. Hiện chỉ có hai đứa con còn sống, đó là con gái đầu và thằng út, còn hai đứa con gái giữa thì chết khi còn nhỏ.

Theo như lời của vợ chồng anh Hải thì hai đứa con gái đã mất, khi mới sinh hai mắt chẳng có con ngươi, chỉ thấy một màu đỏ rực như màu lửa. “Đâu có nghĩ mình bị ảnh hưởng chất độc da cam gì đó đâu, vợ chồng cứ động viên nhau kiếm đứa con trai để sau này có người lo hương khói… Đúng là chuyện đời, chẳng ai biết trước được chữ ngờ…”, chị Hoa bộc bạch.

Họ có ngờ đâu, sau nỗi đau hai đứa con gái lần lượt ra đi vĩnh viễn là đến nỗi đau bởi mảnh đời bất hạnh của thằng con trai út. Nỗi đau, nỗi vất vả dường như quá sức chịu đựng nên anh Trịnh Văn Hải quên cả ngày tháng năm sinh của thằng nhỏ.

“Cô thông cảm, để tui nhớ lại. Mà có dùng đến năm sinh của thằng Hưng làm gì đâu, nó đâu có đi học…”, anh Hải buồn rầu bảo. Ngồi trầm ngâm hồi lâu, anh Hải nhớ lại: “À, nhớ rồi. Trịnh Văn Hưng sinh năm 1992”.
 
Vợ chồng anh Hải mừng hết biết khi sinh được thằng con trai. Em Hưng lúc mới chào đời rất kháu khỉnh. Thế nhưng oái ăm thay, đón nhận niềm vui chưa tròn một tháng thì vợ chồng anh Hải đau đớn khôn cùng khi phát hiện thằng con không cảm nhận được ánh sáng. “Tui lấy tay quơ qua quơ lại hoài mà thằng Hưng không động tĩnh gì. Tội nghiệp, sinh ra đời nó khổ mà mình cũng khổ luôn. Nhưng đã sinh ra thì nuôi chứ biết làm thế nào, con mình dứt ruột đẻ ra cả mà”, chị Hoa nói mà hai mắt đỏ hoe.

Nỗi đau đối với gia đình anh Trịnh Văn Hải chưa dừng lại ở đó, em Trịnh Văn Hưng không những bị mù lòa mà thần kinh cũng bất ổn. Hưng không nhận thức được thế giới xung quanh, chỉ biết có bóng tối, biết có mỗi câu hát “vùng ngoại ô” và rồi la hét, đập phá…

* Thêm những mảnh đời bất hạnh
Hoàn cảnh gia đình anh Trịnh Văn Hải vốn đã khổ, lại càng thêm khốn khó khi đứa con gái đầu là Trịnh Thị Hồng mới 24 tuổi đã có đến 4 đứa con. Bốn đứa con gái của Hồng đều chung nỗi bất hạnh là “không có cha”, phải ở cùng ông bà ngoại. Đứa lớn nhất chỉ mới 7 tuổi, đứa 4 tuổi, đứa 3 tuổi và đứa út mới 2 tháng tuổi.

Ba cháu bé con của Trịnh Thị Hồng (cháu ngoại anh Hải).
Ba cháu bé con của Trịnh Thị Hồng (cháu ngoại anh Hải).
Tuy Hồng là đứa không bị khuyết tật về thân thể, thế nhưng lại hơi bất ổn về thần kinh. Bởi vậy, mỗi lần Hồng rời khỏi nhà để đi làm thuê kiếm tiền là lại bụng mang dạ chửa trở về nhà. Vợ chồng anh Hải dở khóc dở cười. Chị Hoa bảo: “Vợ chồng chị như chết lặng khi nó về nhà mang theo đứa bé trong bụng. Đã khổ rồi lại càng thêm khổ. Chẳng lẽ mình đè nó ra mà đánh, chứ đau khổ hết biết. Nó đẻ rồi bỏ cho mình nuôi, nhưng biết làm sao bây giờ… Tội nghiệp mấy đứa nhỏ”.

Hôm chúng tôi đến nhà, Hồng đã ôm đứa bé mới sinh đi kiếm việc làm ở Gia Lai. Nhìn ba đứa bé mặt mày nhem nhuốt ngồi dưới nền nhà giữa cái lạnh của những ngày cuối đông, chúng tôi ai cũng nhói lòng. Đời ông, đời mẹ của chúng đã khổ, bây giờ là đến đời chúng khổ-những mảnh đời trẻ thơ “mồ côi” cha, ngày qua ngày bữa đói bữa no…

Cháu Trần Thị Ngọc Liên (7 tuổi, con gái đầu của Hồng) đang học lớp 1. Những lúc túng thiếu chẳng biết “bấu víu” vào đâu, vợ chồng anh Hải đành bán con chó để đóng tiền học cho cháu.

 Gia đình anh Hải sống trong ngôi nhà tình thương do hội NNCĐDC/Dioxin hỗ trợ xây dựng. Trong ngôi nhà tình thương chẳng có vật gì đáng giá. Nhường cho ba đứa bé ngủ trên giường, vợ chồng anh Hải và cháu Hưng phải trải ni-lông ngủ dưới nền nhà. Để có cái ăn cho cả nhà, anh Hải suốt ngày làm thuê cuốc mướn. Anh Hải bộc bạch: “Thằng Hưng quậy phá nên phải thường xuyên có người ở nhà để giữ nó. Vậy nên anh đi làm thì chị phải ở nhà…”.

Đã nghèo lại gặp cái eo, anh Hải lên núi chặt keo thuê cho người ta chẳng may bị trợt chân, té gãy xương bánh chè. Vậy là  anh Hải ngồi bó gối ở nhà, còn chị Hoa thì ai thuê gì làm nấy.

Chị Hoa cho biết: “Mỗi ngày đi làm kiếm được vài chục ngàn. Làm ngày nào ăn hết ngày nấy… Bữa nào không đi làm, không có cá thằng Hưng không chịu ăn cơm”. Đến ngày bệnh viện hẹn tái khám nhưng anh Hải không dám đi, phần vì không có tiền, phần vì sợ tái khám bác sĩ tháo ốc vích gắn trong chân ra sẽ phải nghỉ ở nhà một thời gian nữa, mà như thế thì cả nhà bữa đói bữa no.

Phương Lý

CÁC TIN KHÁC
.