Vĩnh biệt lớp nhô

04:09, 07/09/2010
.
* Phóng sự của TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Tin em Đinh Thị Ngọc Tâm, học sinh duy nhất của dân tộc Ca Dong huyện vùng cao Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi vừa thi đỗ đại học đã làm nhiều người bất ngờ, nhưng bất ngờ hơn là ngành giáo dục của huyện này tuyên bố rằng, bắt đầu từ năm học 2010-2011, huyện Sơn Tây sẽ nói lời vĩnh biệt lớp nhô sau 14 năm tồn tại kể từ năm học 1996-1997.

Xin được nhắc lại điều này: Sau khi tách ra từ huyện Sơn Hà năm 1994, có đến 98% số người Ca Dong của huyện Sơn Tây còn mù chữ. Nhắc lại điều đó để thấy rằng, việc “vĩnh biệt lớp nhô”, tách hẳn ra khỏi tiểu học để mỗi xã có một trường trung học cơ sở biệt lập là cả một sự “ngạc nhiên” cho những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục cho con em đồng bào thiểu số vùng cao.

Cũng như việc em Đinh Thị Ngọc Tâm, người Ca Dong duy nhất của huyện Sơn Tây thi đỗ vào Trường đại học An ninh TP. HCM năm nay cũng đã gây sự ngạc nhiên cho nhiều người, vì lẽ, Sơn Tây từng “nổi tiếng” cả nước với sự kiện cả huyện không một học sinh nào thi đỗ tốt nghiệp PTTH năm học 2006-2007. Đinh Thị Ngọc Tâm là học sinh đã từng “tôi luyện” trong cái lò của ngôi trường “không phần trăm” ấy đấy!

Bằng “tấm giấy thông hành” vào đại học của mình, Ngọc Tâm muốn nhắn gửi tới mọi người điều này: nếu chịu khó cày bừa trên cánh đồng chữ thì sẽ nhận được những mùa vàng. Nhưng để có cánh đồng chữ ấy, những nhà quản lý của huyện cũng như các thầy cô giáo ở đây đã phải “nghiến răng” để làm một công việc chẳng đặng đừng cách đây đã 14 năm: Mở lớp 6 (gọi là lớp nhô) ngay tại các trường tiểu học. Ngọc Tâm chính là cô học trò đã từng “nhô” suốt 4 năm phổ thông cơ sở tại huyện Sơn Tây này.

* Từ “cắm bản”

Vừa mới thành lập, huyện Sơn Tây đã bước ngay vào năm học mới 1994-1995. Cả huyện chỉ có mỗi một trường tiểu học ở xã Sơn Dung là có mái ngói. Nhưng điều làm cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lúc bấy giờ đã phải gửi một bức thư cho huyện Sơn Tây kêu gọi chính quyền cần phải có giải pháp cấp bách về chuyện học của con em Ca Dong là sau khi bà đọc trên tờ Lao Động một phóng sự có nêu ra con số đáng để giật mình: 98,2% số người còn mù chữ, chứ không phải là chuyện trường học lợp ngói hay tranh.
Trường cấp 2 Sơn Lập phải mượn nhà dân để học. Ảnh: T.Đ
Trường cấp 2 Sơn Lập phải mượn nhà dân để học. Ảnh: T.Đ

Loài người sắp bước qua một thiên niên kỷ mới với những tiến bộ khoa học “không thể tưởng tượng nổi”, ấy thế mà có một nơi ở Việt Nam, số người mù chữ vẫn còn dày đặc như… cây rừng. Mười sáu năm rồi, huyện Sơn Tây vẫn giữ lá thư ấy như khắc ghi một lời nhắc nhở, xót đắng biết bao!

Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây nhớ lại: “Lớp ba là lớp học cao nhất lúc bấy giờ. Nhưng cũng chỉ là mang tiếng “lớp” mà thôi, vì có rất nhiều em đang học lớp ba mà đánh vần vẫn rất khó khăn. Tôi nêu ý kiến với lãnh đạo huyện, nên cấp tốc xóa các điểm trắng về giáo dục trong huyện trước cái đã rồi hãy nói đến chuyện phát triển kinh tế ở tầm “vĩ mô”. Không có cái chữ trong đầu thì mọi sự chỉ đạo xuống người dân chẳng khác gì nước đổ lá môn thôi. Lãnh đạo huyện đã nhất trí với đề xuất đó.

Nhưng cái khó bấy giờ là lấy đâu ra một lúc hàng trăm giáo viên để “phủ sóng” đến tận các bản làng xa xôi của đồng bào Ca Dong? Thế là một bài toán mới, cần phải có lời giải gấp”. “Bài toán” mà ông Thạnh nói ấy chính là tìm giáo viên cắm bản.

Một thông báo ngắn gọn về việc tuyển dụng lớp giáo viên cắm bản này được loan trên các phương tiện truyền thông trong tỉnh, lập tức có đến vài trăm lá đơn gửi đến xin gia nhập đội quân xóa mù chữ. “Không hẳn vì các bạn ấy quá yêu nghề đâu mà cái chính là, đi như thế là để giải quyết một lối thoát. Trình độ chỉ lớp 9 thôi, sau 6 tháng cấp tốc một khóa sư phạm đã là các thầy các cô rồi. Tuổi trẻ bao giờ cũng có những quyết định bất ngờ để thử sức đời mình. Lao vào chỗ khó cũng là một cách thử sức. Và họ đã thật sự “đủ sức” để vượt qua những khó khăn sau đó”. Ông Thạnh nhắc lại  thời tuyển dụng lớp “cắm bản” đầu tiên.

* …đến thầy trò cùng “nhô”

Sáu tháng sau ngày tuyển dụng lớp giáo viên cắm bản, hàng trăm giáo viên đã tỏa về khắp các hang cùng xóm vắng trên tất cả các bản làng của người Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Và chỉ qua ba mùa phượng nở, đến năm 1997, huyện vùng cao này đã tuyên bố xóa xong nạn mù chữ. Ấy cũng là lúc số học sinh lớp 3 ngày mới chia huyện đã “đội khung tiểu học”.

Muốn học lên cấp 2, số học sinh này phải quay ngược về huyện cũ Sơn Hà cách đó hai con đèo, cao chóng mặt với tổng chiều dài của quãng đường gần 50 cây số! Sự nghèo khó của hai vạn dân Ca Dong ngày ấy đã níu chân tất cả những em học sinh nào muốn theo học cấp hai mà phải về tận Sơn Hà.
Giải pháp “lớp nhô” đã hình thành từ đó. Lại một bài toán nữa đặt ra: giáo viên tiểu học làm sao dạy được lớp 6? Thế là “cấp tốc”, bổ sung gấp giáo viên trung học cơ sở về các trường. Nhưng mỗi trường tiểu học chỉ có mươi em lớp 6, không lẽ phải tuyển đến 6-7 giáo viên cấp 2 để dạy đủ các môn thì lấy đâu ra lương để trả?

Cứ thế, cái khó này lại ló thêm cái khó khác, buộc các nhà quản lý và ngành giáo dục phải bám đuổi đến cùng, dù rất khó khăn và trái khoáy. Lối thoát cuối cùng là … thầy trò cùng “nhô”. Nhiều trường đã phải “trưng dụng” cả giáo viên tiểu học để dạy lớp 6!

Thầy giáo Lê Ngọc Pháp, một cựu trào của “thầy nhô”, nguyên là giáo viên Trưởng Tiểu học Sơn Tinh nhắc lại quãng thời gian cả thầy lẫn trò đều phải tự túm tóc mình mà níu ấy: “Thực tế của chuyện dạy và học ở Sơn Tây đã đặt ra cho Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi lúc bấy giờ phải “chạy theo”.

Nghĩa là, hễ đào tạo một giáo viên ngữ văn thì phải học thêm về lịch sử và công dân giáo dục nữa, để khi ra trường, trong những trường hợp cụ thể cần xử lý thì giáo viên đó phải “kiêm nhiệm” luôn các môn xã hội.

Tương tự, giáo viên toán cũng phải học thêm về lý và hóa để sử dụng khi cần. Thực ra, dạy như thế là không khoa học nhưng giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” của Sơn Tây những năm ấy mà đòi hỏi cho đủ giáo viên cấp 2 thì quả là điều không tưởng”.
 
Lớp nhô tại xã mới chia-Sơn Lập. Ảnh: T.Đ
Lớp nhô tại xã mới chia-Sơn Lập. Ảnh: T.Đ

Ông Lê Hoài Thạnh khẳng định: “Không “chữa cháy” như thế thì sẽ không có một hệ thống cấp 2 như hiện nay được. Nhờ những năm “nhô” ấy nên ngày nay huyện Sơn Tây mới có gần 20 em người Ca Dong tốt nghiệp đại học và cao đẳng, thậm chí những em “nhô” ngày ấy, giờ đã là những cán bộ chủ chốt ở các xã nữa”.

* Vĩnh biệt “nhô”

Đến năm 2002, Sơn Tây đã có học sinh lớp 9, nhưng vẫn còn “nhô”. Quá bất hợp lý, vì hiệu trưởng trường tiểu học mà “lính” của mình có cả giáo viên cấp hai lẫn hàng trăm em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Thế là sang năm 2003, 3 xã trong huyện đã có trường trung học cơ sở, 3 xã còn lại, tiếp tục “nhô”.

Dự định đến năm 2008 là sẽ “phủ sóng” trường cấp 2 đến tất cả các xã thì cũng ngay năm đó, Sơn Tây “đẻ” thêm 3 xã nữa. Lại nhô! “Bây giờ thì chúng tôi không chạy theo “nhô” như những năm trước nữa mà hễ chia xã nào ra là sẽ hình thành ngay một trường trung học cơ sở. Chỉ có điều…”. Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây bỏ dở câu nói về chuyện “vĩnh biệt nhô”. Hỏi: có điều gì? Ông nói: “Hàng trăm học sinh cấp 2 của huyện năm nay lại phải tiếp tục học trong nhà dân chứ không có trường!”.

Lại hỏi: Vì sao? Ông Hoàng nói nhát gừng: “Trên chỉ cho tiền xây trường chứ không cho tiền san ủi mặt bằng! Mà ở Sơn Tây này, để có một mặt bằng xây trường, nhiều khi phải san ủi cả một ngọn đồi, kinh phí chẳng kém gì tiền xây trường cả nê chúng tôi đang bí”. Thì ra,  “trên” chỉ nghĩ đơn giản là cứ cấp kinh phí xây trường là đủ, còn mặt bằng thì địa phương lo. Mặt bằng ấy, trong suy nghĩ của “trên” thì chỉ cần “phát động quần chúng” vài ngày cuốc xuổng là có mặt bằng chứ không nghĩ là sẽ phải san ủi cả một ngọn đồi!

Tôi tiếp cận hai lớp học cấp 2 của xã Sơn Lập- một xã tách ra từ xã Sơn Dung năm 2008. Mỗi lớp có khoảng 20 em nhưng phải học nhờ nhà của đồng bào từ năm học trước. Hay tin năm nay sẽ có trường cấp 2 riêng, mặt em nào cũng nở một nụ cười thật tươi nhưng khi nghe thầy “phụ trách trường” (chứ chưa có hiệu trưởng) nói rằng hết “nhô” nhưng vẫn phải “nhờ”, thì tất cả ỉu xìu ngay.

Vì vậy, hết “nhô” cũng mới chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Nhưng dẫu sao, cấp 2 đã “ở riêng” từ năm học này thì việc “vĩnh biệt nhô” sẽ là điều chắc chắn./.

CÁC TIN KHÁC
.