Làng ngứa

08:05, 17/05/2010
.
Trần Đăng

(QNĐT)- Thực ra, những người lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi vẫn “có lý” để cấp phép khai thác vàng trên sông Tang vì nếu không “tận thu” thì toàn bộ số khoáng sản quý ấy sẽ bị hồ Nước Trong đánh chìm vĩnh viễn. Nhưng cách khai thác theo kiểu “tận diệt”, bất chấp những quy định của cơ quan chuyên môn đã mang lại những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho hàng ngàn người dân sinh sống dọc hai bờ sông Tang, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục vạn dân ở vùng đồng bằng, nơi mà hồ Nước Trong sẽ cung cấp nước sinh hoạt trong tương lai. Hệ lụy nhỡn tiền là toàn bộ 117 hộ dân với 457 khẩu ở làng Tre xã Trà Thọ đang “ngứa cùng mình”. 
 
Chức năng của hồ chứa nước Nước Trong là tích nước, góp phần cắt lũ trên sông Trà vào mùa mưa đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ vùng hạ lưu phía bắc tỉnh Quảng Ngãi và nước công nghiệp cho Khu Kinh tế Dung Quất. Chính vì chức năng của nó như vậy nên nước trong lòng hồ tuyệt đối phải là nước sạch, nước trong, đúng như tên gọi của nó. Đáng tiếc là, với những gì diễn ra trên sông Tang hiện nay, nước trong hồ sẽ không thể trong được nữa mà sạch thì chắc chắn cũng không luôn. 
 
Từ “làng chờ” 
 
Cuối năm 2007, hồ chứa nước Nước Trong chính thức khởi công. Đó cũng là thời điểm mà công tác đo đạc và đong đếm số nhà cửa và tài sản của người dân thuộc vùng thượng nguồn sông Tang, nơi sẽ bị lòng hồ nhấn chìm sau khi ngăn dòng, bắt đầu tiến hành. Hay tin hồ Nước Trong khởi công, dân Trà Thọ, Trà Xinh huyện vùng cao Tây Trà, vui thì ít mà lo thì nhiều.
 
Công an đã từng đốt sạch “nhà nổi” này nhưng đâu lại vào đấy. Ảnh: Đình Long
Công an đã từng đốt sạch “nhà nổi” này nhưng đâu lại vào đấy. Ảnh: Đình Long
Gần ba năm qua, hàng trăm gia đình sống dọc sông Tang cứ thấp thỏm chờ đợi đến ngày ra đi. Công việc cân đong đo đếm của ban đền bù đã xong nhưng “ngày đi” của dân thì vẫn thăm thẳm mù khơi. Là bởi, công tác tái định cư cho người dân miền núi vẫn luôn là bài toán khó giải nhất trong công tác di dời hiện nay. Đến nơi ở mới, có thể nhà cửa sẽ tinh tươm hơn, song người dân lấy gì sinh sống khi toàn bộ số diện tích lúa nước hiếm hoi mà họ có được dọc sông Tang đã dâng hiến cho thủy thần?
 
Ông Hồ Chí Thành, cán bộ hưu trí thôn Tre nói: “Đi đâu cũng được nhưng phải có đất để dân sản xuất”. Điều kiện mà ông Thành đưa ra, thoạt nghe thì đơn giản nhưng lấy đâu ra đất ruộng giữa vùng đồi núi điệp trùng này cho dân sản xuất? Đốt rừng thì bị cấm trong khi ruộng lúa nước thì không còn nữa, người dân chỉ còn biết ngửa cổ kêu trời!
 
Thông tin người dân lòng hồ Nước Trong sẽ được “đền bù xứng đáng” đã loang nhanh đến tai một số tay đầu cơ. Họ bắt đầu đến làng Tre ve vãn và “gợi ý”. Gợi rằng, anh (chị), ông (bà) nào cần tivi và đầu đĩa để hát karaoke cho vui tai, mình sẽ cho mượn tiền mua ngay, cần xe máy để cỡi cho sướng … bụng, mình cũng OK nốt. Thế là, rất nhiều người trong làng giơ tay xin đăng ký “mua ngay”. Họ “quên” mất rằng, giá một chiếc xe máy của Tàu loại “ruồi” chỉ mười triệu là cùng nhưng khi có tiền đền bù, phải trả cho “cò” 15 triệu.
 
Cả làng dài cổ ra chờ, không phải chờ được chuyển làng mà chờ tiền đền bù. Thế nhưng, chị Hồ Thị Vui chưa kịp “vui” với chiếc tivi mới tậu đã phải trả lại, anh Hồ Vai Lin chưa kịp mừng với chiếc xe máy mới mua, cũng phải “thối lui” vì tiền đền bù không đủ để trả khoản tiền “chênh lệch” mà các tay “cò” lỡ tay cho mượn. 38 gia đình ở làng Tre này đã dở khóc dở mếu với chuyện mua xe và mua đầu máy hát. Làng Tre lại phải tiếp tục “chờ” thêm một thời gian nữa. 
 
Đến làng ngứa 
 
Trong nhà  ông Hồ Minh Trí, trưởng thôn Tre hiện có treo một cây đàn guitare cáu cạnh. Thấy cây đàn khá bắt mắt, tôi hỏi ông Trí: “Anh chơi đàn này à?”. Ông Trí đính chính: “Không, của thằng con tao đang học dưới huyện đấy”. Rồi ông thở ra, nhưng giọng thì đầy hài hước: “Dân làng Tre bây giờ cần gì ghi ta, ghi tàu nữa mày! Mỗi nhà có một cây đàn không dây, ai cũng “đánh” được”.
 
Chị  Hồ Thị Nga đang “phân bua” chuyện ngứa của con trai. Ảnh: T.Đ
Chị Hồ Thị Nga đang “phân bua” chuyện ngứa của con trai. Ảnh: T.Đ
Sợ khách không hiểu, ông Trí dấn tới: “Dân làng tao nó gãi cả ngày lẫn đêm do ghẻ ngứa, khác nào chơi đàn!”. Hèn chi, trong đợt tiếp xúc cử tri làng Tre mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, các vị đại biểu đã phải che miệng cười khi nghe dân làng đề nghị chuyện này: “Làm sao chữa bệnh ghẻ ngứa cho dân chứ trẻ già trai gái đều ngứa cùng mình, trẻ con ngứa quá không ngủ được, chúng khóc ngằn ngặt cả đêm!”.
 
TIN LIÊN QUAN
Chị  Hồ Thị Nga, một tay vạch lưng áo thằng cu con 12 tháng tuổi để cho các đồng nghiệp truyền hình cận cảnh những nốt ghẻ trên người thằng bé, còn tay kia, không một chút ý tứ, chị “thao tác” vào những nơi mà một người bình thường sẽ không làm thế, miệng chỉ nói mỗi một câu “ngứa quá!”.
 
Ông Hồ Văn Phú ở làng Tre vạch “lộ trình ngứa” của dân làng đến từng ngày tháng: “ Mùng 5 tháng 5 năm 2009 là bắt đầu ngứa. Ban đầu cứ tưởng “nó” ngứa ít bữa rồi thôi, ít nhất là sang mùa đông, trời dịu mát sẽ bớt, nào ngờ càng lạnh càng ngứa, đến nay là ngứa tròn một năm rồi. Tụi tao xuống dưới tỉnh để khám bệnh, bác sĩ cấp cho một ít thuốc xoa (bôi), hết thuốc lại ngứa như cũ”.
 
Dân làng Tre ai cũng nói, chính nguồn nước sông Tang là thủ  phạm gây ngứa cho dân làng. Họ bảo, ông bà cha mẹ họ sống bao đời nay nhưng có ngứa nghiếc gì, giờ bỗng nhiên ngứa ngáy cùng mình. Vậy thì đích thị là do những người đào vàng rồi! Tôi thắc mắc với ông Trí trưởng thôn: “Dân ăn uống, tắm giặt đều lấy nguồn nước từ con suối sau làng chứ có dùng nước trực tiếp từ sông Tang đâu mà làng đổ thừa cho những người đào vàng?”.
 
Ông Trí muốn nổi khùng với nhà báo: “Dân tao ăn lá rừng chắc? Ruộng lúa thì nó (những người đào vàng) phá cho tanh bành rồi, giờ chỉ còn biết xuống sông Tang mò con cua, con cá qua ngày. Ngâm mình dưới nước cả ngày như thế, về có tắm lại nước suối kỹ mấy cũng không thoát ngứa được. Không phải do đào vàng là gì?”. 
 
Có phải do đào vàng? 
 
Một điều không thể chối cãi là, việc “tận thu”  vàng một cách hợp pháp của các đơn vị đào vàng trên sông Tang đã làm ảnh hưởng đến đời sống 117 hộ dân làng Tre khi những khoảnh ruộng cuối cùng của họ chưa bị hồ chứa nước Nước Trong dìm trong biển nước thì đã bị những người đào vàng xới tung lên từ hơn một năm nay. Như 7 sào đất nà của ông trưởng thôn, mỗi vụ cũng kiếm được 15 bao đậu phụng, trị giá 3 triệu đồng, giờ đành “treo niêu” là một thực tế đáng buồn.
 
Ông Hồ Chí Thành vừa gãi ngứa vừa trả lời phỏng vấn truyền hình. Ảnh: T.Đ
Còn việc cả làng bị ngứa có phải là do nguồn nước sông Tang bị ô nhiễm không thì còn phải đợi đoàn kiểm tra báo cáo cụ thể bằng những chứng cứ khoa học. Duy có điều này, UBND tỉnh Quảng Ngãi không biết đã được nghe báo cáo chưa? Đó là, bộ phận trinh sát đã thu được 2,5kg thủy ngân từ bãi đào vàng này. Chưa hết, kiểm tra các “nhà nổi” trên sông Tang, họ cũng đã mục sở thị rất nhiều dụng cụ dùng để phân kim như “vòi khò” và nhiều trã đất (dùng để “thổi” chất bẩn ra khỏi vàng).
 
Nếu chỉ đào đất lên, dùng hệ thống sàng lọc đơn thuần để tìm vàng như giấy phép quy định thì không việc gì phải sử dụng những thứ “chết người” như thế trong bãi đào vàng cả. Lại nữa, sự hiện diện của loại cân tiểu li dùng để cân vàng xuất hiện tại một vài gia đình người Kinh ở làng Tre cũng đã nói lên rằng, những người đào vàng đã phân kim tại chỗ. Và như vậy, sông Tang đang mang trong lòng nó những thứ mà một hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho con người sẽ không bao giờ chấp nhận.
 
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo huyện Tây Trà thành lập đoàn kiểm tra bãi vàng cũng là điều “khó hiểu”, không phải vì không tin sự công tâm của huyện này mà vì, với những gì họ có trong tay từ lực lượng cho đến chuyên môn nghiệp vụ, sẽ không đủ lực để kham những việc quá sức như vậy. Đã hơn một lần, công an Tây Trà đã đột nhập bãi vàng này và đốt sạch nhà nổi bất hợp pháp trên sông cũng như phạt tiền các chủ bãi, song khi công an quay lưng thì đâu lại vào đấy.
 
Để kết thúc phóng sự này, xin được dẫn lời ông trưởng thôn Tre: “Bệnh ngứa ngoài da rồi cũng sẽ bớt thôi nhưng xót trong lòng thì không có thuốc nào chữa khỏi cả”. 

CÁC TIN KHÁC
.