Video: Ngư dân ước mong có một cảng cá

04:07, 08/07/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Dọc theo cửa sông Phú Thọ tại xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi đã từng có một bến cá sầm uất. Tuy nhiên do luồng lạch bị bồi lấp thường xuyên nên tàu thuyền khó ra vào, cũng từ đó ngư dân nơi đây luôn mơ về một cảng cá đúng nghĩa để trở về sau mỗi chuyến vươn khơi. 
Cửa Đại -nơi sông Phú Thọ đổ ra biển, cũng là con đường để hơn 2.000 tàu thuyền của ngư dân các xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) ra khơi khai thác hải sản. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, cửa thường xuyên bị bồi lấp nên hầu hết các tàu cá, đặc biệt là tàu cá có công suất lớn rất khó để ra vào. 
 
Vì thế, hiện nay, mặc dù có cửa biển nhưng hầu hết các tàu cá của ngư dân phải vào cửa biển khác “ăn nhờ ở đậu” để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. 
 
Trở về sau chuyến ra khơi dài, ngư dân Trần Văn Bốn ở ở thôn Làng Cá, xã Nghĩa Phú cùng với nhiều ngư dân khác tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày để tiếp tục chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Dù sở hữu đôi tàu cá công suất trên 400CV và nhà ở ngay sát bến cá Nghĩa Phú, song bao lâu nay anh đành phải neo đậu đôi tàu tiền tỷ của mình ở cảng cá Tịnh Kỳ, cách xa nhà vài cây số.
 
"Cửa biển bồi lấp nên những tàu có công suất lớn như tôi không ra vào được, vì vậy sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi đành chấp nhận đưa tàu vào cảng cá Tịnh Kỳ bán hải sản và neo đậu nhờ ở đó để tiếp nhiên liệu, đá lạnh chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo”- anh Bốn cho biết.  
 
Chỉ những tàu có công suất nhổ mới ra vào luồng lạch thuận lợi nên bến cá Nghĩa Phú rất ít tàu lớn cập bến để bán cá và neo đậu
Chỉ những tàu có công suất nhổ mới ra vào luồng lạch thuận lợi nên bến cá Nghĩa Phú rất ít tàu lớn cập bến để bán cá và neo đậu
 
Cùng chung cảnh ngộ với anh Bốn, nhiều năm qua, ngư dân Trương Quang Dậy ở xã Nghĩa An cũng chấp nhận neo con tàu tiền tỷ của mình ở khu vực cảng Tịnh Kỳ sau mỗi chuyến ra khơi trở về.
 
“Việc neo tàu xa nhà không chỉ khó khăn cho việc đi lại, việc vận chuyển hàng hóa và ngư lưới cụ mà còn tốn kém cả phí gửi tàu, chưa kể tiền thuê người trông coi tàu hộ. Hơn nữa, nếu tàu có vấn đề gì thì cũng không kịp thời chạy đến tàu được. Dù tốn kém, và bất tiện, nhưng chúng tôi phải đành chấp nhận, chứ đưa tàu về gần nhà thì luồng lạch vào không được, biết neo đậu ở đâu”- ông Dậy bày tỏ.
 
Sống trong cảnh “người một nơi tài sản một nẻo” nên nhiều ngư dân ở Nghĩa An và Nghĩa Phú luôn mong luồng lạch ở cửa sông Phú Thọ ra vào được thuận lợi và ước mơ có cảng cá gần nhà để thuận tiện hành nghề và vơi đi nỗi lo.
 
Tàu cá công suất lớn sau mỗi chuyến ra khơi không thể về cập được “bến quê” nên kéo theo đó, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở Nghĩa An, Nghĩa Phú cũng phải hoạt động cầm chừng. Những nhà máy đá, cửa hàng xăng trở nên vắng vẻ. 
 
“Ngày trước tàu thuyền vào thì chúng tôi có cá để thu mua, mang bán, kiếm thu nhập. Từ ngày luồng lạch bị bồi lấp, chỉ có những tàu nhỏ mới vào đây được, đồng nghĩa với nguồn thu nhập của chúng tôi thấp xuống, thậm chí có ngày ngồi không vì không có tàu nào cập bến”- bà Phạm Thị Thúy- một tiểu thương thu mua hải sản ở bến cá Nghĩa Phú buồn bã cho biết.
 
Ngư dân mong muốn có cảng cả và luồng lạch ra vào thuận lợi để đưa tài sản của mình trở về gần nhà sau mỗi chuyến ra khơi
Ngư dân mong muốn có cảng cả và luồng lạch ra vào thuận lợi để đưa tài sản của mình trở về gần nhà sau mỗi chuyến ra khơi
 
Ông Lê Huy Phúc-  Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An cho rằng, từ khi cửa biển bị bồi lấp thì ngư dân gặp khó khăn. Ngư dân phải tốn kém thời gian và chi phí để đưa tàu đi nơi khác neo đậu. Cùng với đó, tàu thuyền không vào được thì các cơ sở kinh doanh đá lạnh, xăng dầu,.. cũng không bán được, thiệt thòi đủ thứ. Đồng thời, những người bám bến cá để mưu sinh cũng không có việc để làm. 
 
Được biết, thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các tàu thuyền công suất lớn sau mỗi chuyến vươn khơi phải vào các cảng cá để xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy Quảng Ngãi có nhiều điểm tàu cập bến nhưng chỉ có 3 cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc từ thủy sản khai thác là: Sa Kỳ, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngư dân mà còn khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan chức năng.
 
Thượng úy Lâm Đình Hiếu, Trạm trưởng trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho hay: Ngư dân gởi tàu thuyền bên đó thì việc trông nom khó khăn và không đảm bảo an toàn. Thêm nữa sức chứa các cảng kia sẽ quá tải. nếu các tàu mà về các bến khác neo đậu thì ở đây sẽ kéo theo các dịch vụ khác không phát triển và ở đây nhân dân không có việc làm và các tệ nạn khác.
 
Tàu thuyền không thể vào cửa biển, luồng lạch khiến ngư dân nơi đây luôn trong tình trạng bất an lo vì sợ tài sản trị giá tiền tỷ bị mất hoặc hư hỏng. Nếu khu vực cửa Đại được các cấp ngành quan tâm xây dựng thành cảng cá và khu hậu cần nghề cá thì nỗi lo sẽ được thay bằng niềm vui để ngư dân chuyên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.
 
Xem Video: 
 
 
PV- CTV