Mùa đót trổ bông

09:02, 24/02/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Tháng Giêng, cây đót lại trổ bông rộ khắp các vạt rừng và sườn đồi ở các huyện miền núi trong tỉnh. Những bông đót nhỏ nhoi, lơ thơ trong gió không giúp cho người dân vùng cao giàu có, nhưng cũng giúp cho họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống trong thời điểm nông nhàn.
[links()]
Cứ sau Tết âm lịch, cây đót lại trổ bông trên khắp các vạt rừng. Năm nay, bông đót xuất hiện nhiều và giá đót tươi đầu mùa được thương lái thu mua với giá ổn định từ 4.000 - 5.000 đồng đồng/kg nên sau khi ăn Tết xong, người dân vùng cao huyện Trà Bồng lại tranh thủ rủ nhau đi hái đót về bán cho thương lái.
 
“Một năm chỉ có một vụ đót kéo dài từ khoảng tháng Giêng đến hết tháng hai Âm lịch. Thời gian đót ra bông rất ngắn, nên  gia đình tôi cũng như bà con nơi đây tranh thủ thời tiết nắng ráo vào rừng hái đót để tăng thêm thu nhập cho gia đình”- anh Hồ Văn Tiến ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) cho hay. 
 
Mùa đót trổ hoa nở rộ khắp các vạt rừng, sườn đồi
Mùa đót trổ hoa nở rộ khắp các vạt rừng, sườn đồi
 
Theo người dân ở vùng cao Trà Bồng do diện tích đót mọc tự nhiên ngày càng bị thu hẹp nên muốn hái được nhiều đót, họ phải dậy từ rất sớm mang theo cơm nắm, len lỏi vào các vạt rừng xa, khi mặt trời đứng bóng thì mới xuống núi, trở về nhà.
 
Để hái được nhiều đót, người dân phải đi xa và len lỏi vào các vạt rừng sâu
Để hái được nhiều đót đẹp, người dân phải đi xa và len lỏi vào các vạt rừng sâu

 

Những bó đót được vận chuyển ra đường để chờ thương lái đến thu mua
Những bó đót được vận chuyển ra đường để chờ thương lái đến thu mua

Cây đót khi thu hoạch sẽ được cắt nguyên phần giữa thân đến bông rồi bó lại vận chuyển về nhà hoặc bìa rừng bán cho các thương lái. Mỗi chuyến đi, người khoẻ thì cũng hái được 25-30 kg đót tươi. Với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đót tươi, mỗi ngày một người hái đót cũng kiếm được 120- 150 nghìn đồng. Đây được xem là món "lộc trời" ban cho người dân vùng cao có thêm nguồn thu nhập sau Tết. 

“Gia đình tôi không có nhiều nương rẫy nên nhờ công việc hái đót mà có thêm tiền chi tiêu hàng ngày và cho con cái ăn học”- bà Hồ Thị Lợi ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) nói. 
 
Tranh thủ thời gian nghỉ, những em học sinh lên rừng hái đót đề kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình
Tranh thủ thời gian nghỉ, những em học sinh lên rừng hái đót đề kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình

 

Theo các thương lái, đót năm nay xuất hiện nhiều, nhưng do đầu ra chưa ổn định nên thương lái chỉ mua cầm chừng
Theo các thương lái, đót năm nay xuất hiện nhiều, nhưng do đầu ra chưa ổn định nên họ chủ yếu mua về phơi khô và trữ trong kho
 
Không chỉ người lớn mà cả các em học sinh cũng tranh thủ thời gian nghỉ học lên rừng hái đót nhằm có thêm một khoản nhỏ để phụ giúp gia đình và mua sắm đồ dùng học tập.
 
“Những ngày nghỉ em theo ba, mẹ lên núi chặt đót. Mỗi ngày em cũng kiếm được 50- 60 nghìn đồng. Dù việc hái đót tương đối vất vả nhưng em rất vui khi mình đã kiếm được tiền phụ giúp gia đình và tiết kiệm để mua thêm quần áo, sách vở mới”- em Hồ Văn Thành, học sinh lớp 8 ở xã Trà Sơn chia sẻ. 
 
Cây đót được thương lái thu mua mang về phơi khô chờ thị trường ổn định sẽ xuất bàn
Cây đót được thương lái thu mua mang về, thuê người dân địa phương phơi khô, sau đó mới xuất bán cho các cơ sở làm chổi đót

 

Vào mùa đót, những cung đường lên các huyện vùng cao nổi bật hai bên đường là những bông đót phơi trải dài
Vào mùa đót, những cung đường lên các huyện vùng cao thêm nổi bật khi những bông đót được phơi trải dài hai bên đường

Với đồng bào vùng cao Trà Bồng nói riêng và các huyện vùng cao trong tỉnh nói chung, công việc hái đót được xem là nghề “thời vụ” mang lại nguồn thu nhập giải quyết khó khăn lúc nông nhàn. 

Bởi thế, dẫu có phải leo đèo, lội suối hay len lỏi xuống các vạt rừng xa nhưng họ vẫn đi để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày và cho con trẻ có thêm quần áo mới, sách vở học hành. 
 
H.P