"Hành trình niềm tin" của thầy và trò vùng cao

10:12, 07/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)-  Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cùng với đó là địa hình đồi núi hiểm trở... khiến cho con đường đến với cái chữ của học sinh ở vùng cao còn nhiều trắc trở. Song, dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng các em học sinh vẫn kiên trì bám trường, bám lớp góp nhặt từng con chữ, thầy cô giáo ở nơi đây hàng ngày vẫn vượt rừng miệt mài “gieo chữ” cho các em, với niềm tin một tương lai không xa, cuộc sống nơi đây sẽ đủ đầy, phát triển hơn.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi nhiều học sinh ở vùng đồng bằng, thành phố ngày ngày đi đến trường được bố mẹ đưa đón bằng xe thì ở nhiều nơi thuộc vùng cao của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đến trường học các em phải vượt qua nhiều cây số đường rừng, đèo dốc gian nan, có em phải đi bộ gần một ngày đường mới đến được trường để góp nhặt từng con chữ. 

 

Điều kiện đi vất vả, phải băng qua dòng sông Liên mới đến được điểm trường, nên để việc học con chữ không bị gián đoạn, sáng nào phụ huynh học sinh của các điểm trường tiểu học thôn Mang Krúi, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ cũng phải cõng các em qua sông Liên để đến lớp; buổi chiều, nếu phụ huynh không đến đón được, các thầy giáo sẽ cõng các em qua sông để về nhà.

 

Vượt lên những khó khăn, với mong muốn được đi học cái chữ nên dù nắng hay mưa các em học sinh vẫn đều đặn đến lớp. Nơi có những người thầy, người cô tận tụy, miệt mài gieo từng con chữ, xây từng ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn cho các em. Với các em, mỗi ngày được cắp sách đến trường là một ngày vui.  

 

Các em đang đi tìm một tương lai tươi sáng hơn cuộc đời bố mẹ, với hy vọng không phải ngày ngày còng lưng trên nương, vắt mình trên những mỏm đá cheo leo để trồng lấy cây bắp, cây đậu. 

 

Đồng hành cùng các em học sinh, dù phải trèo đèo lội suối đến các điểm trường xa xôi, các thầy cô giáo vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp “trồng người”, những thầy cô giáo nơi vùng sâu vùng xa vẫn cần mẫn, tận tụy gắn bó với nghề để ươm mầm từng con chữ cho các thế hệ học sinh.

 

Bữa ăn của những đứa trẻ vùng cao sau giờ học.

 

Giáo dục nơi vùng cao còn vô vàn khó khăn khi “vừa dạy, vừa dỗ”. Không ít học sinh và phụ huynh vùng sâu vẫn còn chưa hiểu được ý nghĩa của việc học. Với họ, không học cũng biết làm nương! Vì thế, thầy cô có những lúc phải vượt rừng đến nhà động viên, chăm sóc cho các em; góp tiền, góp gạo đem đến nhà để cha mẹ cho các em đi học… Chính bản thân thầy cô cũng phải hi sinh những hạnh phúc cá nhân để đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa.

 

Cùng với việc dạy chữ ở trường, các thầy cô giáo ở huyện vùng cao Sơn Hà còn nhận đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, động viên các em trong hành trình đi tìm cái chữ. 

 

Niềm vui của thầy cô giáo và cha mẹ các em học sinh là khi thấy con mình, học trò mình học tập ngày càng tiến bộ. Đây cũng là động lực để những thầy cô giáo nỗ lực khắc phục khó khăn, miệt mài hành trình cõng chữ lên non chắp cánh cho bao thế hệ học trò vùng cao viết trọn giấc mơ đi tìm con chữ.


 Bảo Ngọc