Thú vui 'săn cá' mùa biển động

04:01, 02/01/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa biển động, không thể ra khơi, nhiều ngư dân ở các vùng biển tìm thú vui câu cá biển ven bờ, vừa góp cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm nguồn thu nhập trong những ngày tàu nằm bờ. 

TIN LIÊN QUAN

Người dân các vùng ven biển, phần nhiều gắn với cuộc sống mưu sinh trên biển. Những thanh niên trai tráng, đàn ông có sức khỏe ngoài đánh bắt gần bờ, còn lại một số lượng lớn thường theo những con tàu đánh bắt xa bờ ra vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa… Tuy nhiên, trong những ngày biển động, tàu nằm bờ trong một thời gian dài, tranh thủ thời gian này, nhiều ngư dân lại mang cần ra bờ biển buông câu. 
 
Nhiều ngư dân mang cần ra biển câu cá trong những ngày biển động
Nhiều ngư dân mang cần ra biển câu cá trong những ngày biển động
 
Mùa biển động là thời điểm nhiều loại cá vào gần bờ để kiếm mồi, trong đó nhiều nhất là cá căn (cá ong). Chính vì vậy, trong những ngày này, ở vùng biển các xã  bãi ngang, xuất hiện rất nhiều những ‘cần thủ’ tập trung dọc bờ biển hàng giờ liền với hy vọng kiếm được ‘mồi ngon’.
 
‘Biển động là thời điểm tốt nhất để câu cá căn.  Loài cá căn này kì lạ ở chỗ là cứ biển động, sóng lớn thì cá dễ cắn câu hơn những lúc biển yên ả bình thường’- anh Nguyễn Hữu Tuyến ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) cho biết. 
 
Hành trang của một chuyến đi  gồm cần câu, thùng đá (dùng đựng cá ) và mồi câu. Mồi câu là tôm tươi, đây là thức ăn yêu thích của những loài cá gần bờ. 
 
Tôm tươi dùng để làm mồi câu
Tôm tươi dùng để làm mồi câu
 
‘Cần thủ’ chỉ cần đứng trên bờ, dùng cần câu ném mạnh những lưỡi câu đã gắn mồi ra xa khoảng trăm mét (động tác cũng giống như quăng mồi câu rê cá lóc). Mỗi lần ném như thế có đến khoảng chục lưỡi câu được buộc chặt trên một sợi dây cước dài, mỗi lưỡi câu cách nhau khoảng 2-3 gang tay. 
 
Để chống chọi với gió biển và dòng nước nhằm đưa được lưỡi và mồi ra xa đúng tầm nước, cũng như  để các thẻo cước gắn lưỡi câu không rối, người câu phải gắn một cục chì ở cuối cùng sợi dây câu.  Tuỳ theo mức độ gió mà chọn chì đủ nặng, thông thường từ 20g đến 50g là vừa đủ. 
 
Tôm được cắt nhỏ để gắn vào các lưỡi câu
Tôm được cắt nhỏ để gắn vào các lưỡi câu
 
‘Cần thủ’ Ngô Thanh Sang ở thôn Phổ An xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: Khi buông câu xong, bằng kinh nghiệm, người câu chỉ cần dùng ngón tay để cảm nhận cá cắn câu hay chưa, nhiều hay ít. Nếu ‘hên’ trúng đàn cá thì mỗt lần quăng kéo cũng có thể dính cá ở tất cả các thẻo câu. Cái cảm giác cá cắn cần rùng rùng dưới nước, mình vừa giỡn, vừa dụ để kéo lên bờ là sướng nhất. 
 
‘Mình câu 2 cần một lúc, mỗi cần gắn khoảng 10- 12 lưỡi câu, bình quân 3-5 phút  kéo câu 1 lần. Mỗi ngày câu được khoảng 3-5kg cá. Câu cá cũng có cái hên, gặp người ‘sát cá’ thì câu được nhiều, có người câu cả buổi chẳng được con nào”- anh Sang cho hay.
 
Một 'cần thủ' đang buông cần tìm luồng cá
Một 'cần thủ' đang buông cần tìm luồng cá.

 

Cá câu được ngoài dùng để cải thiện bữa ăn gia đình và còn góp phần tạo nguồn thu nhập cho không ít người
Cá câu được ngoài dùng để cải thiện bữa ăn gia đình và còn góp phần tạo nguồn thu nhập cho không ít người
 
Câu cá mùa biển động, không chỉ là thú vui của nhiều ngư dân ở nhiều lứa tuổi trong những ngày rỗi việc mà còn cải thiện bữa ăn gia đình với bữa cá biển tươi “roi rói” đảm bảo chất lượng . Thậm chí, nếu những ngày gặp may, nhiều người câu một buổi cũng kiếm được vài kg cá, bán được tiền vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ cho họ có cái ăn, nguồn thu nhập trong mùa biển động.
 
H.P