15 năm đi tìm hồn của đá

10:05, 11/05/2016
.
 

(Baoquangngai.vn)- Cố nhạc sĩ Trần Lập có một câu hát nổi tiếng: “Đừng sống sống như hòn đá/ Sống không có tình yêu/ Sống chỉ biết thân mình/ Tâm hồn luôn luôn băng giá/ Đừng hóa thân thành đá/ Vì tâm hồn đá giá băng”. 

Có phải những viên đá vô hồn giá băng không?, anh Phan Bá Thạch bảo rằng không. Suốt 15 năm qua, anh lặn lội sưu tầm những viên đá, phiến đá tưởng chừng vô tri, để lắng nghe tiếng thì thầm của chúng.
 
Căn nhà nhỏ lọt thỏm trong khu vườn xanh mướt ở tổ dân phố số 2, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi là nơi anh Thạch đang sống cùng vợ và hai con. 
 
Những viên đá được bày trí khắp nơi trong không gian ấm cúng ấy, qua con mắt người thường, chỉ là những tạo vật xù xì,  thô ráp. Nhưng chủ nhân của nó sẽ kể cho bạn nghe những triết lý, nhân sinh quan của cuộc đời bằng đá, khiến ai cũng có thể trầm trồ.
 
Anh Phan Bá Thạch và viên đá hình trái tim. Ảnh: Hiền Linh.
Anh Phan Bá Thạch và viên đá hình trái tim. Ảnh: Hiền Linh.
 
 
Anh Phan Bá Thạch sinh năm 1974, hiện đang là cán bộ thi hành án dân sự huyện Tư Nghĩa. 15 năm trước, anh làm thanh tra giao thông, công tác ở trạm cân ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ, nơi dòng sông Re chảy qua. Trong thì giờ rảnh rỗi, anh thường lang thang nơi những con suối, dòng sông để hòa mình vào khung cảnh sông suối, núi rừng.
 
Những viên đá nằm giữa sông, giữa suối, như níu chân vướng vít nước chảy về xuôi, với những vân đá như nét màu của thiên nhiên khắc lên, tạo tác thành những hình thù tuyệt đẹp. Qua con mắt của một người yêu đá, chúng chở một câu chuyện về đời, về người. 
 
 
Tác phẩm đá
Tác phẩm đá "Cầu đạo". Ảnh: Hiền Linh.
 
Một viên đá anh đặt tên là Thạch Hầu, khỉ trên núi. Một viên đá lỗ mỗ khác anh hình dung là một hòn đảo nơi có những con suối uốn quanh. Một viên đá là cánh chim câu thể hiện khát vọng hòa bình. Có những viên là cô gái dịu dàng cầm nón lá, hay một đám mây chở nàng tiên ở chốn phiêu bồng nào.
 
Viên đá có hình người ngồi thiền. Ảnh: Hiền Linh.
Viên đá có hình người ngồi thiền. Ảnh: Hiền Linh.
 
Có những viên đá chở triết lý phật giáo, thiền học trong đó. Như một viên là ba ông Phúc, Lộc, Thọ trong dáng vẻ điềm nhiên. Một tác phẩm đá gồm hai viên đá, như bức tranh một người phàm đến vị sư cầu đạo. Một viên đá khác là hình ảnh người tọa thiền.
 
Tác phẩm đá Người mẹ ôm con. Ảnh: Hiền Linh.
Tác phẩm đá Người mẹ ôm con. Ảnh: Hiền Linh.
 
Có những viên đá nặng trĩu suy tư với dáng hình người mẹ ngồi ôm con hay ôm nỗi nhớ thương khắc khoải khi con không về nữa. Anh bảo ba viên đá như hình ảnh người mẹ là những tác phẩm anh tâm huyết nhất, người mẹ nào cũng bao dung cho con, và trong chiến tranh, họ là những người “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”.
 
Anh Thạch bảo đó là những kiến thức nhân văn, xã hội anh đúc kết, để người xem dù có thể không nhìn ra, nhưng khi nghe chủ nhân diễn giải đều thấy bị thuyết phục.
 
Những viên đá kể chuyện đời, hay là những chuyện đời phóng chiếu qua hình thù của đá. Hình như những viên đá vô tri kia có một đời sống riêng. Mà sự sống của con người quá lao xao, quá bận bịu để lắng lại lòng mình, nghe thiên nhiên lên tiếng?
 
 
Phiến đá có hình thù giống con rùa được anh Thạch đặt trước nhà. Ảnh: Hiền Linh.
Phiến đá có hình thù giống con rùa được anh Thạch đặt trước nhà. Ảnh: Hiền Linh.
 
 
Viên đá có hình chữ Tâm được anh Thạch đặt trong gian thờ thể hiện tâm huyết của anh. Ảnh: Hiền Linh.
Viên đá có hình chữ Tâm được anh Thạch đặt trong gian thờ thể hiện tâm huyết của anh. Ảnh: Hiền Linh.
 
 
Hiền Linh