Sắc vàng trên rẫy

02:11, 23/11/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày này trên các triền đồi của các huyện vùng cao, những đám lúa rẫy đã vàng ươm. Thời điểm này cũng là lúc bà con đồng bào miền núi thu hoạch lúa rẫy.

Chúng tôi về xã Sơn Liên ở huyện miền núi Sơn Tây trong cái nắng hiếm hoi của những ngày mùa đông. Dọc hai bên đường, giữa màu xanh trùng diệp của núi rừng là sắc vàng của những rẫy lúa chín. Trong cái nắng dịu nhẹ, bà con Cadong cùng nhau lên rẫy thu hoạch lúa, tiếng cười nói rộn ràng vang khắp cả triền đồi. 
 
Không giống như cách thu hoạch lúa nước, bà con khi thu hoạch lúa rẫy là họ sẽ dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ tuyệt nhiên không dùng dao hay liềm để cắt lúa. Đó là một việc làm bất biến cho dù họ biết sẽ mất rất nhiều thời gian. 
 
Lúa rẫy chín vàng ươm trên các triền đồi
Lúa rẫy chín vàng ươm trên các triền đồi
 
Năm nay, cây lúa rẫy trên nương cho nhiều bông, lúa được mùa nên bà con đồng bào Cadong không giấu được niềm vui khi gặp chúng tôi. Ông Đinh Kà Lên (50 tuổi) ở thôn Đăk Doa xã Sơn Liên cho biết, năm nay, lúa rẫy được mùa nên “cái bụng” của bà con Cadong vui lắm. Vừa nói, ông Lên vừa thoăn thoát dùng tay tuốt lúa cho vào gùi.
 
Theo bà con, so với mọi năm, năm nay đạt năng suất khá cao. Bình quân 1ha khoảng trên 15 tạ. Lúa được mùa, nhà nào cũng thu hoạch được nhiều lúa rẫy nên niềm vui thể hiện rõ trên từng gương mặt sạm đen của bà con khi cuộc sống giữa núi rừng còn quá nhiều khó khăn…
 
Bà con đồng bào miền núi dùng tay để tuốt lúa rẫy
Bà con dùng tay để tuốt lúa rẫy
 
Cùng với cây lúa nước thì hầu hết bà con đồng bào miền núi nhà nào cũng trồng một vài sào lúa rẫy. Lúa rẫy là vật phẩm không thể thiếu trong các lễ cúng Giàng, cúng Thần lúa và các dịp lễ cơm mới hoặc tiếp khách quý... của bà con vùng cao.
 
Vụ lúa rẫy thường bắt đầu từ khoảng tháng 4-5 âm lịch hàng năm và tháng 10 -11 thì thu hoạch. Giống lúa rẫy là loại giống nguyên chủng được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Giống lúa này ít cần dinh dưỡng và kháng bệnh tốt nên không phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, chỉ bằng nước trời, hơi sương của đất trời mà lúa vẫn xanh tươi, trĩu hạt…
 
Lúa rẫy sau khi thu hoạch về được bà con sàng lọc, phơi khô và lưu giữ cẩn thận
Lúa rẫy sau khi thu hoạch về được bà con sàng lọc, phơi khô và lưu giữ cẩn thận
 
Cho đến bây giờ, cách trồng lúa rẫy của bà con đồng bào vẫn hết sức đặc biệt. Từ khâu gieo trồng, thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống, với những vật dụng thô sơ. Hằng năm, đến mùa lúa rẫy, người dân trong làng đi tìm chọn đất rẫy trỉa lúa. Người dân gieo lúa chỉ cần dùng dùi chọt lỗ và bỏ lúa xuống rồi lấp đất lại. Đến mùa thu hoạch, lúa rẫy được bà con phơi khô cẩn thận. Khi ăn, lúa được giã bằng cối, do vậy hạt cơm lúa rẫy thơm ngon bội phần bởi hương vị của tự nhiên, của trời đất dồn lại.  
 
Với bà con đồng bào Cadong, Kor, H're trồng lúa rẫy không chỉ để lấy gạo ăn, mà còn là một cách gìn giữ phong tục tập quán của cha ông. Bởi vậy, dù đã tiếp thu nền văn minh lúa nước nhưng bà con vẫn giữ truyền thống trồng lúa rẫy. Và hiện nay, gạo lúa rẫy cũng là một trong những đặc sản của người dân ở vùng cao Quảng Ngãi.
 
 
Bảo Ngọc