Hấp dẫn "chợ" rau sạch trên non

02:06, 22/06/2014
.

Baoquangngai.vn)- Không biết từ bao giờ trên đỉnh đèo Eo Chim (Tây Trà)  có những  “chợ cóc” nho nhỏ bán những thứ  “đặc sản” của núi rừng. "Chợ" nằm giữa lưng chừng bởi bà con sống quanh vùng tụ họp lại để bán những sản vật của núi rừng do chính người dân nơi đây kiếm được.

TIN LIÊN QUAN

 

Dù địa điểm bán ở giữa đèo núi hoang vắng, thế nhưng "chợ" thu hút một lượng khách khá đông. Nếu ai đã từng đến đây, sẽ không thể "làm ngơ" trước các đặc sản rau rừng được người dân bày bán. Ai đến đây cũng muốn mua để mang về thưởng thức hay làm quà biếu người thân, bạn bè.

Được sinh ra giữa đại ngàn, nhiều loại rau rừng như măng, rau má, khổ qua rừng, đọt mây, ớt sim, rau dớn, rau lang… đã trở thành đặc sản bởi độ ngon của nó. Hương vị của núi rừng, cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá.

Trong lúc nhiều người sợ rau trồng vì chăm bón bằng thuốc có nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe thì rau rừng lên ngôi. Chúng mọc tự nhiên trong rừng hay ven suối nên những loại rau này luôn sạch.“Rau trồng bây giờ dễ có thuốc sâu nên mỗi khi có dịp lên công tác ở Tây Trà, khi về tôi luôn tìm rau hái trên rừng để mua về nhà ăn vừa rẻ, vừa sạch lại ngon”- chị Nguyễn Thị Tuyết Mai ở Sơn Tịnh cho biết.

Trong các loại đặc sản của vùng cao Tây Trà, cùng với măng rừng, rau dớn, khổ qua rừng... thì ớt sim được khách hàng ưa chuộng nhất, bởi hương vị rất riêng của nó mà các loại ớt ở các khu vực khác không có được. Không giống như những loại ớt được trồng ở miền xuôi, ớt sim không được chăm bón mà mọc tự nhiên ở khắp cánh rừng. Những quả ớt mùi thơm lừng, có vị cay thanh khiết không hề pha lẫn với các loại ớt trồng, trở thành sản vật của đồng bào vùng cao.

Được thiên nhiên ban tặng nguồn rau rừng đa dạng, người dân nơi đây không ngần ngại băng rừng vượt núi hái rau bán cho khách. Ðiều đáng nói là giờ đây, những món rau rừng dân dã ấy nghiễm nhiên trở thành “đặc sản”. Hiện, có không ít bà con đồng bào Cor vùng cao Tây Trà xem việc đi tìm rau rừng là “nghề” để cải thiện cuộc sống. "Mỗi ngày, sau bữa cơm trưa là tôi “leo núi” để hái rau rừng đến chiều mới về. Đi hái buổi chiều để sáng hôm sau bán rau không bị héo"- bà Hồ Thị Út cho biết.

Một buổi lên rừng, một người có thể kiếm được vài ba ký rau rừng. Thu nhập tuy không cao, mỗi ngày chỉ vài chục ngàn, nhưng với những người dân vùng cao- nơi cuộc sống còn lắm khó khăn này, đó lại là nguồn thu nhập chính để trang trải hàng ngày và nuôi dưỡng những ước mơ về cuộc sống khấm khá hơn trong tương lai.

 

Thực hiện: Bảo Ngọc