Tacloban gượng dậy giữa hoang tàn sau siêu bão

02:11, 11/11/2013
.

Quãng đường từ sân bay Tacloban (Philippines) đến khu trung tâm thành phố chỉ dài 10 km, nhưng những ngày này phải mất 6 giờ mới tới nơi, vì đường sá hầu như bị hư hỏng, và cây cối, nhà cửa đổ rạp thành chướng ngại vật...

 


Hai bên đường phố Tacloban đầy rác, mảnh vỡ nhà cửa, cây gãy, và thi thể... Ảnh chụp ngày 10.11 - Ảnh: Reuters
 
Để đến Tacloban, thành phố ven biển của tỉnh Leyte với 220.000 dân (trước khi siêu bão đổ đến), giờ đây người ta phải đi bộ băng qua các cây gãy, cột điện ngã, nhìn những thi thể ngổn ngang trên đường và treo trên cành cây. Ngoài ra là những đống xà bần đủ loại và đám đông người sống sót đang tìm kiếm thức ăn, nước uống...
 
Đó là cảnh tượng như tận thế mà phóng viên báo Guardian (Anh) ghi nhận ngày 10.11, ba ngày sau khi siêu bão Hải Yến với sức gió đến 315 km/giờ quét qua miền nam Philippines làm ít nhất 10.000 ngườii chết, chủ yếu ở Tacloban.
 
Siêu bão Hải Yến đã khiến tất cả các ngôi nhà nào còn đứng được ở Tacloban không còn mái nhà. Các trung tâm dành cho người sơ tán bão cũng bị tàn phá, gây ra những thiệt hại nhân mạng rất lớn. Sóng lớn cao hơn 6 m quét vào tàn phá nhà cửa ven biển, quăng các tàu thuyền vào sâu trong đất liền, như cảnh tượng động đất - sóng thần tháng 3.2011 ở Nhật Bản.
 
Từ hôm qua 10.11, nhiều người dân ở Tacloban đã xông vào các ngôi nhà, cửa tiệm, siêu thị vắng chủ để lấy thực phẩm, nước uống. Cảnh giành giật xảy ra nhiều nơi, khi lượng hàng cứu trợ không đủ cho hơn 200.000 người dân tại đây, khi phi trường gần như bị phá hủy.
 
Lực lượng cảnh sát ở đây bất lực khi có tin đoàn cứu trợ bị cướp, máy rút tiền bị phá, vì từ hơn 300 người nay cảnh sát thành phố còn khoảng 20.
 
Tổng thống Philippines, Benigno Aquino sau chuyến thăm Tacloban ngày 10.11 đã ra lệnh đưa 300 cảnh sát và binh lính đến Tacloban để tìm kiếm cứu nạn và duy trì trật tự.
 
Một giáo viên cho hãng tin AFP biết người dân ở đây đang trở nên hung bạo vì thiếu ăn, thiếu mặc.
 
Thế giới dồn dập cứu trợ
 
Từ hôm 9.11, một nhóm thủy quân lục chiến Mỹ đã đến Philippines để đánh giá tình hình và tham gia cứu trợ. Sáng 11.11, một nhó khác từ Okinawa đã lên máy bay vận tải C-130 trực chỉ Philippines. Mỹ hứa cung cấp nhân lực, máy bay, tàu thuyền, hàng cứu trợ khẩn cấp cho Philippines.
 
 

Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản lên máy bay sang Philippines tham gia cứu hộ - Ảnh: Hải quân Mỹ
 
Giáo hoàng Francis bày tỏ lòng chia buồn sâu sắc và chiều qua 10.11 đã kêu gọi các tín đồ Thiên chúa giáo thế giới cầu nguyện cũng như đóng góp cứu trợ cho các nạn nhân ở Philippines.
 
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết một chuyến bay chở 60 tấn hàng cứu trợ cùng thuốc men sẽ đến Philippines ngày 12.11, và các chuyến khác mang theo nước uống, thiết bị vệ sinh.
 
Ủy ban châu Âu gửi hỗ trợ hơn 4,2 triệu USD, Anh đóng góp hơn 10 triệu USD, Đức gửi 23 tấn hàng viện trợ cùng đội cứu hộ đến Philippines.
 
Úc cho biết sẽ viện trợ bước đầu 390.500 USD. Việt Nam ngày 10.11 viện trợ khẩn cấp 100.000 USD cho Philippines...
 
 

Hàng cứu trợ cho Philippines đang được bốc lên tại sân bay Frankfurt, Đức - Ảnh: Corbis

Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản lên máy bay sang Philippines tham gia cứu hộ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Phá một cửa tiệm để vào lấy thực phẩm, tại Tacloban - Ảnh: News.sky.com

Cậu bé này với vết thương trên mặt do bão gây ra, ngồi giữa khung cảnh hoang tàn ở Tacloban, gần đó là nhiều người đang nhặt nhạnh những gì có thể ăn được - Ảnh: Reuters

Cố tìm những gì còn sử dụng được để chống chọi cái đói, cái rét sau siêu bão, ở Tacloban ngày 10.11 - Ảnh: Reuters 

Mưa vẫn còn ở Tacloban gây khó khăn cho người dân lẫn đội cứu hộ - Ảnh: Reuters

Băng qua đường phố hoang tàn như thế này rất nguy hiểm - Ảnh: Reuters
|
Nhà cửa không còn, đành vệ sinh tắm giặt giữa trời - Ảnh: Reuters

Nhiều người dân Tacloban cố nhặt nhạnh được những gì để duy trì sự sống càng tốt - Ảnh: Reuters

 

Theo Thanh Niên