Cơ sở đào tạo nghề ở Quảng Ngãi: Loay hoay trong "bể" khó (kỳ 1)

09:06, 26/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, cơ sở đào tạo nghề “mọc lên” ngày càng nhiều là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các cơ sở đào tạo nghề đang loay hoay trong “bể” khó.
 

Kỳ 1: “Bí” đầu vào


Vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã giảm đáng kể chỉ tiêu, đồng thời vận dụng nhiều kế sách, song các trường, trung tâm dạy nghề vẫn cứ “vắng” người học.

 

“Đầu hàng” chỉ tiêu

Trước thực tế trường ĐH, CĐ “mọc” lên như nấm với đủ loại hình chiêu sinh, trong khi đó tâm lý của số đông học sinh và phụ huynh là phải vào ĐH cho bằng được hoặc chí ít phải học CĐ, khiến cho các cơ sở đào tạo nghề rơi vào thế “bí”. Mặc dù đã vận dụng triệt để các giải pháp thu hút người học, song hầu hết trường, trung tâm đào tạo nghề đều không đạt chỉ tiêu tuyển sinh.

Trung tâm đào tạo nghề huyện Trà Bồng được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chưa phát huy hết công năng.
Trung tâm đào tạo nghề huyện Trà Bồng được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chưa phát huy hết công năng.


Ông Lê Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất, thở dài: “Mặc dù đã thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi cho người học như miễn giảm học phí, trao học bổng toàn khóa học... Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đầu vào của trường năm nào cũng gặp khó khăn. Chỉ tiêu trên giao 1.200 HSSV, nhưng khi nhập học chỉ ở mức xấp xỉ 1.000 em cho cả hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề”.

Tương tự, Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi cũng “gian truân” trong công tác tuyển sinh. Ông Võ Đình Tá-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi cho hay, vài năm trở lại đây trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Đơn cử như năm 2013, chỉ tiêu tỉnh giao 1.000 nhưng chỉ tuyển được khoảng 700. “Để đạt con số 700 phải đi khắp nơi, tuyên truyền đủ hình thức, vất vả từ đầu năm mãi cho đến tháng 10. Trước đây đến tháng 8 là đã tuyển đủ và chốt danh sách chuẩn bị khai giảng. Năm nay chỉ tiêu tỉnh giao 900, nhưng xem ra rất khó. Trường nghề nhiều nên tính cạnh tranh cao... ”, ông Tá nói. Theo ông Tá, trường tự chủ về mặt kinh phí dựa trên đầu học sinh. Do khó khăn trong công tác tuyển sinh buộc nhà trường phải cắt giảm một số khoản chi tiêu.

Hầu hết cơ sở đào tạo nghề “trải thảm đỏ” để đón học viên. Tuy nhiên, thực tế đúng như lời một cán bộ quản lý giáo dục nói vui nhưng tình thật, rằng “chuột chạy cùng sào mới vào... trường nghề”. Ngay như Trường CĐ Nghề cơ giới, cơ sở đào tạo nghề có thâm niên và thuộc tốp đầu trong cả nước về chất lượng đào tạo, song công tác tuyển sinh cũng khiến cho ban giám hiệu nhà trường phải “đau đầu”. Ông Võ Thanh Trí-Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề cơ giới nhận định: “Tình hình tuyển sinh năm nay cũng sẽ rất khó khăn, chỉ tiêu 800 HSSV nhưng rất khó thực hiện.  Đã hai năm rồi trường không tuyển đủ chỉ tiêu do Bộ NN&PTNT giao, mặc dù trường đã tìm đến tất cả các trường THCS để chiếu phim tư liệu, quảng bá về trường, thậm chí cho xe ôtô chở học sinh đến trường tham quan…”.

Trụ sở bề thế, học viên lèo tèo

Mặc dù ở khu vực miền núi, thế nhưng huyện Trà Bồng “sở hữu” trung tâm dạy nghề được xem là bề thế nhất trong hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh xét về mặt trụ sở, diện tích… Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng, do Tổng công ty Lương thực Miền Nam tài trợ.

Trung tâm có diện tích lên đến gần 11.000m2, bao gồm: 11 phòng dạy lý thuyết; 4 nhà xưởng thực hành; khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên. Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên khoảng 400 em/khóa (3 tháng) và 1.200 em/năm. Dù được phép đào tạo với số lượng học viên rất lớn như vậy, nhưng gần 2 năm qua, Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng tiếp nhận chưa đầy 500 học viên. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, trung tâm mở được 10 lớp dạy nghề với khoảng 200 học viên.

Hầu hết các học viên theo học tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng là thanh niên người Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà. Không chỉ đào tạo miễn phí, các học viên thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách còn được hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, trung tâm dạy nghề vẫn chưa tạo được sức hút đối với người dân, bởi lẽ có nhiều ngành nghề không thiết thực, học viên không thể vận dụng để mưu sinh sau khi kết thúc khóa học.   


Lý-Triều-Phương

*Kỳ 2:  Đâu là giải pháp?  

 


.