Bọc thép cho tàu gỗ

08:06, 22/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để những con tàu vững chãi hơn trước sóng gió, tai ương, thời gian gần đây nhiều ngư dân trong  tỉnh đã cải tiến tàu cá bằng cách làm mới hoặc gia cố thêm những lớp thép dày ở những điểm xung yếu. Ngư dân tự tin hơn khi vươn khơi bám biển dài ngày trên những con tàu cứng cáp, nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Gần 2 tháng, kể từ ngày phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thầm lục địa của Việt Nam, rồi liên tục gây hấn, đâm va, gây hư hỏng nhiều tàu cá của ngư dân, khi đang đánh bắt hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiến nhân dân hết sức bất bình. Ngư dân Trần Hùng ngụ xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: “Đang vào mùa đánh bắt cá chính trong năm, nhưng hơn một tháng nay, tàu của tụi tui liên tục bị phía Trung Quốc gây hấn, va đâm, xua đuổi. Trở về sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, là mình tức tốc gia cố thêm cho tàu bằng lớp vỏ thép bao bọc xung quanh thành tàu và nhiều điểm xung yếu khác. Nếu thợ sửa tàu đúng hẹn, thì 5 ngày nữa tàu mình sẽ tự tin ra khơi”.

 

Ngư dân bọc thép cho tàu cá ở những điểm xung yếu làm cho tàu cứng cáp hơn.
Ngư dân bọc thép cho tàu cá ở những điểm xung yếu làm cho tàu cứng cáp hơn.


Theo những thợ cả ở HTX đóng tàu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi), trong quá trình đánh bắt, khâu kéo lưới sẽ gây bào mòn nhiều điểm trên tàu. Tuổi thọ của tàu vì thế cũng bị rút ngắn. Việc gia cố thêm những lớp thép dày, bảo vệ tàu cá trong những chuyến hải trình dài ngày là rất cần thiết. Điều đặc biệt, khi được mặc “áo giáp” tàu cá sẽ giảm đáng kể thiệt hại khi bị tàu khác đâm va.

Ông Lê Văn Đồng, ngụ xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) thợ cả ở HTX đóng tàu Cổ Lũy cho biết: “Thời gian gần đây ngư dân rất quan tâm đến việc cải tiến tàu cá, nhằm tăng thêm độ bền cho tàu của mình. Theo kinh nghiệm, chúng tôi bọc lớp thép bao xung quanh thành tàu, độ dày 0,8 cm, được hàn vít rất chắc chắn. Cũng tùy theo kích cỡ con tàu mà kích thước của lớp thép này cũng khác nhau. Chi phí cho lớp bọc thép này dao động từ 50 - 100 triệu đồng, nhưng ngư dân ít khi tính toán thiệt hơn”.  

Hối hả trong công đoạn cuối cùng hoàn thiện chiếc tàu công suất 800 mã lực,  để kịp hạ thủy đúng vào mùa đánh bắt cá chính của năm, chủ tàu Phạm Văn Hoa ngụ xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Hai chiếc tàu cá trước của gia đình đã hư hỏng nhiều nên mình vừa bán, đầu tư thêm vốn để đóng tàu mới. Đây là lần đầu tiên tàu được trang bị thêm lớp vỏ thép, chi phí tăng thêm 90 triệu đồng. Tuy tốn kém nhưng để tàu cứng cáp hơn thì mình không ngần ngại khi thêm tiền đầu tư. Thời gian gần đây việc đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn, vì phía Trung Quốc liên tục gây hấn, đâm tàu của ngư dân mình. Chi phí cho một chuyến ra khơi là không hề nhỏ, vì vậy tuổi thọ của tàu được mình quan tâm hàng đầu. Có tàu to vững chãi sẽ tự tin vươn ra khơi xa, bám trụ được dài ngày trên biển,  góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam mình”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Như Huỳnh - Giám đốc HTX đóng tàu Cổ Lũy cho rằng: “Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, thời gian gần đây ngư dân rất chú trọng đến việc bọc thêm lớp thép dày ở những điểm xung yếu trên tàu gỗ. Thực tế đã khẳng định được tính ưu việt của nó. Tháng 5 vừa rồi, tại HTX Cổ Lũy đã hạ thủy 6 tàu công suất lớn từ 800 - 900 mã lực. Vỏ các tàu này đều được bọc thép vững chắc. Theo tôi, việc ngư dân mạnh dạn cải tiến tàu thuyền, can trường bám biển là một tín hiệu rất đáng mừng, nhất là trong những ngày Biển Đông đang “nóng” như hiện nay.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.