Công trình Hồ chứa nước Nước Trong: Góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi

04:06, 06/06/2018
.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhân dịp bàn giao và gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII - Công trình Đầu mối hồ chứa nước Nước Trong, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 6 Nguyễn Hữu Nghĩa về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong?

Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA: Hồ chứa nước (HCN) Nước Trong là một dự án lớn, đa mục tiêu, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư 2.512,347 tỷ đồng (công trình đầu mối 1.639 tỷ đồng). Mục tiêu chính của dự án là xây dựng đập tạo hồ chứa có dung tích 289,5 triệu m3 để cấp nước bổ sung, ổn định tưới cho 52.000ha đất nông nghiệp thuộc hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham; kết hợp phát điện với công suất 16,5MW; cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du...

Dự án được khởi công vào ngày 9.12.2005, bắt đầu tích nước ngày 28.4.2011; vận hành công trình từ tháng 11.2017. Công trình đã phát huy hiệu quả tốt trong mùa lũ năm 2016, 2017. Công tác quản lý chất lượng công trình luôn được chú trọng; được Bộ Xây dựng xét trao giải thưởng Công trình chất lượng cao năm 2017.

PV: Trong quá trình triển khai xây dựng có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA: Để công trình đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, hoạt động hiệu quả, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị quản lý, thiết kế, thi công, Ban Quản lý còn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi... Đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân trong vùng dự án, trong quá trình giải phóng mặt bằng; di dân, tái định cư; đảm bảo an ninh trật tự...

Tuy vậy, trong quá trình xây dựng cũng gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Công trình đầu mối HCN Nước Trong là công trình thủy lợi lớn, cấp II (nếu theo Quy chuẩn mới QCVN 04-05:2011/BNNPTNT thì đây là công trình cấp I). Đập bê tông có khối lượng lớn, áp dụng công nghệ mới là bê tông đầm lăn, thi công nhiều năm, với điều kiện địa hình, địa chất phức tạp; yêu cầu kỹ thuật cao từ khâu xử lý nền móng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật chống thấm, chịu lực... đến nhiệm vụ dẫn dòng thoát lũ cho từng năm... Do đó, công tác quản lý dự án, giám sát thiết kế, giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình... luôn phải tuân thủ nghiêm các quy trình. Mặt khác, việc bố trí vốn một số năm còn chậm, không đủ vốn, dẫn đến kéo dài thời gian thi công, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn...

PV: Theo ông, công trình này có những tác động thế nào đến phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Ngãi?

 Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA: Công trình này đã tạo nguồn cấp nước ổn định cho công trình thủy lợi Thạch Nham, đảm bảo nước tưới tự chảy phục vụ sản xuất cho 52.000ha đất nông nghiệp; cấp nước cho KKT Dung Quất, khu đô thị Vạn Tường, TP.Quảng Ngãi...; giảm ngập lụt hạ du với tần suất 10%; phát điện 16,5MW; kết hợp phát triển du lịch, giảm xâm nhập mặn hạ du, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng dự án; góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân...

PV: Để công trình vận hành an toàn, phát huy hiệu quả, theo ông đơn vị quản lý và người dân địa phương cần phải làm gì?

Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi là đơn vị quản lý công trình, phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt. Thực hiện tốt việc bảo trì công trình, theo dõi sát các yếu tố về địa chất, thủy văn của khu vực để có kiến nghị cập nhật hoàn thiện quy trình vận hành, điều tiết nước cho phù hợp với thực tế, phát huy tối đa hiệu quả công trình.

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của công trình, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn sự an toàn cho công trình theo đúng quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi, cũng như thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi tham gia sản xuất trong phạm vi lòng hồ và công trình; duy trì và phát triển rừng đầu nguồn, tái tạo nguồn thủy sản của hồ, phát triển du lịch, nhằm phát huy hiệu quả tổng hợp của công trình.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH HẢI
 (thực hiện)



 


.