Xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn:
Cộng đồng địa phương phải hiểu rõ giá trị của di sản

03:05, 18/05/2018
.

 


 
 Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Ts. Trần Tân Văn
 Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản PGS.TS Trần Tân Văn

(Baoquangngai.vn)- Theo Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản PGS.TS Trần Tân Văn thì đây chính là phần việc không kém phần quan trọng trong quá trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn. Khi người dân hiểu được giá trị của di sản và những lợi ích mang lại, họ mới có biện pháp, hành động thiết thực để cùng bảo tồn và phát huy.

Tính đến tháng 3.2018, Ban chỉ đạo và Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn (BQL CVĐC Lý Sơn) đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Thường trực là Sở VHTT&DL tỉnh.
 
Hiện nay, BQL CVĐC Lý Sơn đã xúc tiến một số công việc để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn (CVĐCTC Lý Sơn), trong đó có việc hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để khảo sát, đánh giá giá trị địa chất và tư vấn lập hồ sơ, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết và thực hiện các hoạt động để nộp hồ sơ cho UNESCO vào cuối năm 2019. 
 
Báo Quảng Ngãi điện tử (QNĐT) đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản PGS.TS Trần Tân Văn tại buổi "Tọa đàm khoa học về giá trị di sản công viên địa chất ở Quảng Ngãi" để tìm hiểu thêm về những tiềm năng, giá trị di sản ở đây, lộ trình thực hiện để hoàn thiện hồ sơ, trình UNESCO công nhận.
 
PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết, qua cuộc khảo sát thực tế trong thời gian qua, ông tin tưởng, đánh giá, nhận định vắn tắt như thế nào về giá trị địa chất, địa mạo ở Lý Sơn? 
 
PGS.TS TRẦN TÂN VĂN: Sau khi điều tra, khảo sát từ thực tế, chúng tôi hiểu rõ được một số giá trị di sản công viên địa chất ở Quảng Ngãi. Ở đây có địa chất, địa mạo, văn hóa, sinh thái và cảnh quan khá nổi trội. 
 
Về giá trị địa chất, cụm núi lửa biển Lý Sơn- Bình Châu và các vùng phụ cận có nhiều loại đất đá tiêu biểu cho nhiều chế độ phun khác nhau trong các giai đoạn từ 11 triệu năm đến 4.500 năm. Thậm chí, nhiều khu vực trong phạm vi đề xuất có nhiều loại đất đá tồn tại hàng tỉ năm.
 
Về văn hóa, khu vực này còn nhiều dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau như văn hóa đồ đá, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm-pa, văn hóa Đại Việt... giao thoa và tiếp biến lẫn nhau. Về sinh thái, vùng biển và vùng núi trong khu vực có độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật.
 
Về cảnh quan, trong khu vực còn có nhiều thắng cảnh địa chất như Hang Câu, Chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò trên cạn, cổng Tò Vò dưới nước, An Hải sa bàn, Gành Yến, mũi Tổng Binh...
 
Chúng tôi tin tưởng về những triển vọng của Quảng Ngãi. Nơi đây sẽ trở thành mạng lưới thành viên của công viên địa chất toàn cầu, được UNESCO công nhận.
 
PV: Thời điểm này, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ hỗ trợ BQL CVĐC Lý Sơn những công việc cụ thể nào?
 
PGS.TS  TRẦN TÂN VĂN : Chúng tôi đang giúp BQL CVĐC Lý Sơn xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai xây dựng từng bước một. Cụ thể, chúng tôi đang tiến hành điều tra, khảo sát các di sản, phân định dự kiến ranh giới công viên địa chất và đề xuất phương án để UBND tỉnh ra các quyết định xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, bao gồm những giá trị di sản gì, khu vực nào cần bảo tồn, khu vực nào có thể phát triển.
 
PV: Vậy theo ông, những địa phương nào ở Quảng Ngãi sẽ nằm trong ranh giới dự kiến của CVĐCTC Lý Sơn?
 
PGS.TS  TRẦN TÂN VĂN : Chúng tôi đang mở rộng điều tra khảo sát rộng hơn so với phạm vi trước đây. Cụ thể, ngoài huyện Lý Sơn còn có các huyện khác như Bình Sơn, Tây Trà, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TP.Quảng Ngãi. Kết quả điều tra khảo sát sẽ là cơ sở để chúng ta chọn một số phương án trình UBND tỉnh, lấy ý kiến từ cộng đồng địa phương và ra quyết định cuối cùng.
 
PV: Việc mở rộng phạm vi, qui mô có ý nghĩa như thế nào?
 
PGS.TS  TRẦN TÂN VĂN : Trước đây, công viên địa chất ở Quảng Ngãi chỉ có Lý Sơn và Bình Châu, rất là nhỏ bé, ý nghĩa khoa học và tầm cỡ quốc tế còn hạn chế. Vì thế, cần thiết chúng ta phải mở rộng ra để có những giá trị di sản khác về văn hóa, sinh thái, cảnh quan v.v… Điển hình như các loại đá cổ, có niên đại lâu đời ở Trà Bồng, Sơn Hà. Hay như quá trình hình thành bờ biển, tương tác lục địa với biển để tạo thành một hệ thống đầm phá ven biển ở khu vực Sa Huỳnh cũng rất đặc biệt. Nó cho ta thấy chỉ có ở chính nơi đó mà không phải nơi nào khác hình thành được nền văn hóa Sa Huỳnh. 
 
Theo kế hoạch, dự kiến trước ngày 1.7.2019, tỉnh sẽ gửi thư bày tỏ nguyện vọng cho UNESCO thông qua kênh chính thức. Từ ngày 1.10 đến ngày 30.11.2019, tỉnh sẽ nộp hồ sơ chính thức cho UNESCO.

PV: Qua nhiều lần khảo sát, ông nhận thấy người dân ở các địa phương họ nhận thức như thế nào về giá trị công viên địa chất để bảo tồn các giá trị về di sản?

 
PGS.TS  TRẦN TÂN VĂN : Thật ra người dân địa phương, mặc dù chưa có nhận thức một cách giáo khoa, hàn lâm về di sản địa chất nhưng trong quá trình sống ở địa phương, bản thân họ đã có nhận thức rất tốt. Một ví dụ như hiện nay, người dân ở đảo Bé họ không biết rằng miệng núi lửa có quá trình hình thành như thế nào nhưng họ biết rất rõ mảnh đất núi lửa mà họ đang canh tác có điều kiện rất tốt để trồng hành, trồng tỏi. 
 
Bây giờ, chúng ta phải đối chứng tri thức bản địa với tri thức hàn lâm, xem thử tri thức nào nó tiệm cận, gần gũi với đời sống người dân. Từ đó có hình thức tuyên truyền thật tốt đến cộng đồng. Khi cộng đồng nắm bắt được các giá trị di sản, họ sẽ tự khắc biết cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị cần thiết. Tôi cho rằng, đây là một trong những phần việc khá quan trọng. 
 
PV: Thưa ông, trong thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi cần làm những phần việc gì?
 
PGS.TS  TRẦN TÂN VĂN : Trước hết, cần phải phải tiếp tục điều tra, khảo sát, nắm bắt tối đa các giá trị di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất. Sau khi có cơ sở dữ liệu rồi, chúng ta hãy lựa chọn ra những giá trị tiêu biểu nhất để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức để đại đa số cộng đồng địa phương hiểu được giá trị di sản, những mối nguy tiềm ẩn, đe dọa khu vực đó. Với sự hỗ trợ của nhà khoa học, các chuyên gia và chính quyền các cấp thì tôi tin, chúng ta sẽ có biện pháp để bảo tồn di sản trên vùng đất này.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Trưởng ban tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của Unesco ông Nakada Setsuya
Trưởng ban tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Unesco- ông Nakada Setsuya

“Tôi đã đến khảo sát công viên địa chất Lý Sơn từ hơn hai năm trước, khi đó công viên địa chất có diện tích khá nhỏ, các giá trị mang tầm cỡ quốc tế còn hạn chế. Tuy nhiên, trong chuyến đến thăm lần này, công viên địa chất ở Quảng Ngãi được mở rộng ra rất nhiều. Tính đa dạng của di sản địa chất, đa dạng sinh học được tăng lên và tôi thấy ở đây nhiều tiềm năng, triển vọng để UNESCO công nhận CVĐCTC Lý Sơn . Điều quan trọng bây giờ, chính người dân phải hiểu được các giá trị di sản, thông qua việc hiểu được, mới có những hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy”, Trưởng ban tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Unesco- ông Nakada Setsuya, nhấn mạnh.

 

Thực hiện: Thiên Hậu

 


.