"Vua tỏi"- Nguyễn Văn Định:
Chất lượng sản phẩm quyết định thành công của thương hiệu

06:04, 05/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Chấp nhận bỏ công việc ổn định ở công ty dịch vụ dầu khí để đi bán tỏi dạo, và sau nhiều năm, anh Nguyễn Văn Định ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn không chỉ thành công với thương hiệu "vua tỏi", mà sản phẩm của anh đã có mặt tại các siêu thị BigC trên toàn quốc, đặc biệt  sản phẩm của anh đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

Để đạt được thành công như hôm nay, theo "Vua tỏi " Nguyễn Văn Định thì ngoài việc dám nghĩa, dám làm, quyết tâm theo đuổi cái ước mơ thì yếu tố sống còn của doanh nghiệp là sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng, an toàn, tạo niềm tin cho khách hàng.
 
PV: Được nhận vào làm ở công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) Quảng Ngãi là niềm mơ của bao người. Vậy sao anh lại bỏ để đi kinh doanh tỏi ?
 
Anh Nguyễn Văn Định: Ban đầu tôi cũng nghĩ, học đại học bách khoa, ra trường kiếm được việc làm ổn định đã là may mắn. Nhưng rồi cơ duyên cứ gắn tôi với sản phẩm của quê hương mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất đảo, từ nhỏ đã thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân xứ đảo. Hành, tỏi Lý Sơn khá nổi tiếng, thế nhưng giá cả luôn bấp bênh, người dân luôn bị ép giá.
 
Anh Nguyễn Văn Định
Anh Nguyễn Văn Định
Thời tôi đi học đại học cũng như vừa mới đi làm, do biết tôi là người Lý Sơn nên bạn bè, đồng nghiệp cũng hay nhờ tôi mua tỏi về làm quà biếu. Điều này chứng tỏ, người dân các nơi rất chuộng tỏi Lý Sơn, nhưng họ không biết mua đâu cho đúng và yên tâm.
 
Lúc ở Đà Nẵng, mỗi lần vào siêu thị BigC thấy nhiều người khách hỏi nhân viên ở đây có bán hành, tỏi Lý Sơn không mà siêu thị không có bán. Tôi nghĩ, tại sao mình không kinh doanh hành, tỏi Lý Sơn? Nếu mình làm tốt, có thương hiệu, hành, tỏi trồng chất lượng, nguồn gốc rõ ràng thì Big C sẽ chấp nhận lấy hàng bán. Lúc đó, giá trị cho cây tỏi sẽ tăng lên rất nhiều và bà con trồng tỏi quê mình không phải bị ép giá nữa.
 
Thế là tôi quyết tâm chọn tỏi Lý Sơn để khởi nghiệp.
 
 
PV: Thời gian đầu khởi nghiệp, anh gặp khó khăn gì không?
 
Anh Nguyễn Văn Định: Vất vả, khó khăn lắm chứ! Học một đàng làm một nẻo mà. Vốn liếng trong tay không nhiều, chỉ có vài chục triệu tích lũy từ tiền lương và vay mượn bạn bè, người thân. Thấy bỏ việc đi bán tỏi ai cũng phản đối, thậm chí có người nói mình "hâm". Thời gian đầu, khi tôi về quê mua tỏi rồi đi bán dạo khắp nơi, thấy tôi quyết tâm vậy rồi bạn bè, đồng nghiệp ai cũng thương và ủng hộ. 
 
Tuy nhiên, quá trình đi bán tỏi khắp nơi, tôi nhận ra một điều, sản phẩm dù ngon, chất lượng đến mấy nhưng nếu bao bì xấu, chưa có thương hiệu thì chưa chắc được tin dùng và bán được giá cao.
 
Từ đó tôi quyết định lập công ty, xây dựng thương hiệu. Mới "chân ướt, chân ráo" mở công ty, thời gian đầu cũng vất vả và bị hành lên hành xuống với thủ tục giấy tờ, và rồi cuối cùng tôi cũng thành lập được công ty với tên gọi "Công ty Hải đảo Lý Sơn".
 
Sản phẩm của
Sản phẩm của "vua tỏi " đã có mặt tại các hệ thống siêu thị BigC trong cả nước
 
Có công ty, tôi vào siêu thị Big C để thuyết phục họ bán tỏi Lý Sơn nhưng nhiều lần bị từ chối. Không nản chí, sau cả chục lần thuyết phục, cuối cùng họ chấp nhận lấy sản phẩm tỏi Lý Sơn để bán. Tuy nhiên thời gian đầu họ chỉ lấy vài kg để bán thăm dò khách hàng. Ai ngờ được khách hàng ưa chuộng, tỏi Lý Sơn tại siêu thị Big C bán không kịp. Từ đó, lãnh đạo siêu thị Big C gọi điện yêu cầu ký hợp đồng cung cấp tỏi hành Lý Sơn với số lượng lớn. Đến lúc này tôi mới yên tâm và thở phào nhẹ nhõm, Big C đã chịu thì coi như bước đầu khởi nghiệp của tôi đã thành công.
 
Năm 2014, tôi tham gia vào Hiệp hội sản xuất và thu mua hành tỏi Lý Sơn, rồi được bầu làm phó chủ tịch hiệp hội. Sau đó, tôi ra Hà Nội để làm thủ tục đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ, với cái tên “Vua tỏi ”.
 
Bước đầu khởi nghiệp thuận lợi, tôi quyết định vay mượn thêm vốn để thuê đất, xây dựng kho bảo quản hành, tỏi tại Đà Nẵng và mở chuỗi cửa hàng “Vua tỏi”.
 
Hiện thương hiệu “Vua tỏi” đã có mặt hầu hết các siêu thị và cửa hàng trong cả nước. Chỉ tính tại 36 Siêu thị Big C cả nước, mỗi tháng đã tiêu thụ hàng chục tấn hành, tỏi Lý Sơn.
 
PV: Được biết, một doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tìm đến mình để tiêu thụ tỏi. Anh nói rõ hơn về thông tin này?
 
Anh Nguyễn Văn Định: Ngoài cung cấp hành, tỏi cho hệ thống siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc, công ty chúng tôi còn tổ chức chế biến tỏi đen để nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là tỏi đen làm từ tỏi một (còn gọi là tỏi cô đơn). 
 
Vừa qua, một doanh nghiệp của Nhật Bản đã đến công ty để tham quan. Họ tìm hiểu rất kỹ, xem quy trình sản xuất, từ đất, nước, phân bón... quy trình chế biến, kiểm tra chất lượng sản phẩm có đạt hay không... Rất vui là sản phẩm của chúng tôi đều đạt tất các tiêu chuẩn mà họ đưa ra.
 
"vua tỏi " Nguyễn Văn Định giới thiệu quy trình trồng hành, tỏi cho đối tác Nhật Bản
 
Phải nói rằng, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của tỏi cô đơn Lý Sơn rất tốt, điều này đã được Viện nghiên cứu cây trồng Việt Nam công nhận. Đây là lý do Nhật Bản họ chuộng sản phẩm tỏi đen cô đơn Lý Sơn.
 
Không dừng lai ở tỏi đen, hiện có một đối tác cũng Nhật Bản đã ký kết với chúng tôi để mua 500 tấn hành về phi xuất qua Nhật.
 
Ngoài hành, tỏi, tỏi đen, hiện công ty chúng tôi cũng đã sản xuất rượu tỏi đen và các sản phẩm đặc sản ở Lý Sơn. Các sản phẩm này đang người tiêu dùng ưa chuộng.
 
PV: Theo anh, muốn nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn thì phải như thế nào?
 
Anh Nguyễn Văn Định: Vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề sống còn của sản phẩm nông nghiệp. Cũng như nhiều loại nông sản khác, theo tôi để nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn, không có cách nào khác là sản xuất tỏi phải sạch, nghĩa là phải canh tác theo hình thức hữu cơ, vi sinh. Có thể làm theo hình thức này sản lượng sẽ không cao nhưng bù lại giá thành bán ra sẽ tăng. Hiện chúng tôi cũng đã triển khai thí điểm trồng theo hình thức hữu cơ và tôi cũng khuyến khích bà con trên đảo trồng tỏi sạch. Lúc đó tôi sẽ bao biêu toàn bộ.
 
Nếu cần thiết, công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa kỹ sư về nghiên cứu đất, giống giúp bà con canh tác theo hình thức hữu cơ, vi sinh. Cũng rất vui là một vài năm gần đây, chính quyền ở huyện Lý Sơn cũng rất quyết liệt trong việc yêu cầu người dân trồng tỏi an toàn. Đây là cách bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn cũng như thu hút khách du lịch đến với Lý Sơn. Bởi khi khách du lịch đến với Lý Sơn chứng kiến người dân trồng tỏi không an toàn, thì đầu tiên khách du lịch sẽ không dám đến Lý Sơn nữa, cùng với đó thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ bị ảnh hưởng.
 
PV: Thời gian qua, tình trạng tỏi ở một số nơi được nhập ngược về Lý Sơn, sau đó "đội lốt" tỏi Lý Sơn để bán với giá cao. Vậy, anh có hiến kiến gì để hạn chế tình trạng này?
 
Anh Nguyễn Văn Định: Vấn đề ăn cắp thương hiệu, nhái nhãn hàng hóa đang khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính và người sản xuất thiệt hại nặng. Chính sản phẩm "Vua tỏi" của công ty tôi cũng từng bị ăn cắp thương hiệu, làm giả.
 
Còn chuyện tỏi nơi khác đưa về Lý Sơn là thực tế diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, ta không thể cấm nông sản nơi khác nhập về Lý Sơn nếu loại nông sản đó không vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Nên tôi nghĩ, người trồng tỏi Lý Sơn phải tự cứu mình bằng cách, sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn khi bán phải có bao bì, gắn nhãn mác. Những sản phẩm không phải hành, tỏi của Lý Sơn nếu phát hiện gắn nhãn mác tỏi Lý Sơn thì yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
 
PV: Cảm ơn anh!
 
 
M.Toàn (thực hiện)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.