Cú huých từ Nghị định 17

10:03, 04/03/2018
.

Ông Lê Văn Sơn
Ông Lê Văn Sơn

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2.2.2018, Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP (NĐ 17) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Lê Văn Sơn cho biết những điểm mới trong NĐ 17.

Theo ông Sơn, NĐ 17 là sự kế thừa NĐ 67 với một số chính sách cũ còn hiệu lực thực hiện. Tuy nhiên, NĐ 17 đã sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số điều, khoản của NĐ 67 với những nội dung mới cụ thể, thông thoáng hơn, khắc phục những bất cập trong NĐ 67. Đồng thời, NĐ 17 sẽ tiếp tục tác động tích cực đến việc đầu tư đóng mới, duy tu, sửa chữa định kỳ, nâng cấp tàu cá; tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, nâng mức thu nhập, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo...

PV: Về đầu tư hạ tầng nghề cá, NĐ 17 có những quy định gì mới, thưa ông?

Ông Lê Văn Sơn: Về tổng thể, NĐ 17 quy định khá cụ thể chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác, nhằm tiếp tục khuyến khích ngành thủy sản phát triển.

Nghị định 17 hỗ trợ khuyến khích đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá.  ẢNH: PV
Nghị định 17 hỗ trợ khuyến khích đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá. ẢNH: PV


Đối với hạ tầng nghề cá, Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án do bộ, ngành Trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung;  vùng sản xuất giống tập trung, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các Trung tâm giống quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp Trung ương và cấp vùng...

PV: Theo ông, đâu là những chính sách cốt lõi đối với ngư dân trong đóng mới, sửa chữa, cải hoán, nâng cấp tàu cá thể hiện trong NĐ 17?

Ông Lê Văn Sơn: Tôi xin đề cập một số nét mới của NĐ 17 như: “Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ”. Trong quá trình đóng mới, duy tu, sửa chữa định kỳ tàu, chủ tàu có trách nhiệm giám sát. Nếu chủ tàu không đủ năng lực thì thuê tư vấn giám sát. Số tiền thuê tư vấn giám sát được hạch toán vào tổng giá trị đầu tư đóng tàu. Chủ tàu có quyền chọn cơ sở, đóng mới, sửa chữa, cải hoán nâng cấp tàu thuyền, nhưng cơ sở đó phải được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện theo quy định...

PV: Cụ thể về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư như thế nào?

Ông Lê Văn Sơn: Theo NĐ 17, tàu vỏ thép có công suất từ 800CV đến dưới 1.000CV đóng mới được hỗ trợ 35% tổng mức đầu tư và tối đa không quá 6,7 tỷ  đồng; tàu 1.000CV trở lên được hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng. Đối với tàu composite công suất từ 800CV trở lên được  hỗ trợ 35% tổng mức đóng mới, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn có những nét mới trong chính sách bảo hiểm vào đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng... Cụ thể là, Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm đối với tai nạn thuyền viên và 50% mọi rủi ro đối với thân tàu (không hỗ trợ bảo hiểm trang thiết bị đánh bắt và ngư lưới cụ). Đối với tàu vỏ thép và tàu vỏ composite công suất từ 400CV trở lên, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và hỗ trợ đào tạo vận hành tàu, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới...

Điều mà tôi muốn khuyến cáo là, chủ tàu và ngư dân sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tàu hoạt động mà vi phạm pháp luật; đặc biệt là khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt và các chủ tàu, ngư dân trong tỉnh thực hiện nghiêm Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28.5.2017 “về việc ngăn chặn và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài” và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ “về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.

THANH TOÀN
 (thực hiện)

 


.