Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu hàng đầu

01:01, 13/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo  kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, đến năm 2018 toàn tỉnh có 60 xã và huyện Nghĩa Hành đạt chuẩn NTM. Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Nguyễn Phúc Long cho biết một số kết quả và những vấn đề đặt ra trong lộ trình xây dựng NTM của tỉnh.

PV: Ông cho biết vài kết quả trong việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM của tỉnh trong năm qua?

Ông Nguyễn Phúc Long: Theo kết quả thẩm định, đến cuối năm 2017 Quảng Ngãi có 41 xã nhóm 1 đạt 19 tiêu chí NTM, tăng 17 xã so với năm  2016, nhưng  so với kế hoạch của năm chỉ  đạt 97,6%. Ở nhóm 2 có 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, giảm 8 xã so với năm 2016. Nhóm 3 có 52 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, giảm 6 xã so với năm 2016. Nhóm 4 có 48 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, tăng 10 xã so với năm 2016. Nhóm 5 có 14 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 13 xã so với năm 2016. Đến thời điểm này, số tiêu chí NTM bình quân/xã là 12, tăng 1,2 tiêu chí so với  năm 2016. Về cấp huyện thì Nghĩa Hành đạt chuẩn huyện NTM.

P.V: Hiện các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Phúc Long: Tính đến ngày 31.12, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của tỉnh năm 2017 gần 465,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp trên 186 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 279 tỷ đồng, ngoài ra các huyện, xã đã chi gần 113 tỷ đồng vốn đối ứng để góp nguồn xây dựng NTM.

Trong phần ngân sách tỉnh thì vốn đầu tư phát triển gần 160 tỷ đồng, đã đầu tư cho 18 xã kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2017; hỗ trợ huyện Nghĩa Hành xây dựng NTM; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Nhu cầu về vốn xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt các tiêu chí NTM rất lớn, nhưng nguồn đầu tư lại hạn hẹp, dẫn đến tiến độ xây dựng NTM ở cấp xã, huyện chậm, chỉ tiêu hằng năm chưa cao. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì Quảng Ngãi. Qua thực tiễn, nếu địa phương nào quyết liệt, sáng tạo, huy động tốt sức dân và thực hiện tốt việc xã hội hóa trong xây dựng NTM thì mới đảm bảo nguồn tài chính phục vụ công  tác này.

 P.V: Theo ông, điều gì đáng quan tâm nhất trong xây dựng NTM ?

Ông Nguyễn Phúc Long: Việc xây dựng hạ tầng nông thôn nếu có tiền đầu tư là chúng ta có thể làm được ngay. Nhưng làm thế nào để tăng thu nhập, cải thiện mức sống, đời sống của cư dân nông thôn mới là mục tiêu chính yếu của xây dựng NTM. Vì vậy, tổ chức sản xuất để có mức thu nhập bình quân người/năm và giảm hộ nghèo theo chuẩn hằng năm là những thách thức đối với chính quyền xã, huyện trong chỉ đạo xây dựng NTM trong hiện tại cũng như tương lai.

Chẳng hạn như các xã: Ba Động (Ba Tơ), Trà Bình (Trà Bồng), An Hải (Lý Sơn)...  việc xây dựng hạ tầng để có thể nhanh chóng hoàn thiện một số tiêu chí NTM. Nhưng để giảm hộ nghèo xuống dưới 5% và thu nhập bình quân đầu người phải đạt 35 triệu đồng/người/năm theo chuẩn năm 2018 là điều nan giải. Nếu các địa phương này không tổ chức sản xuất tốt; chậm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... thì vẫn không đủ tiêu chí căn bản và chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
 

 

Nhờ áp dụng tưới phun sương mà xã Phổ An (Đức Phổ) biến vùng cát trắng thành nơi trồng đậu phụng cho thu nhập cao.
Nhờ áp dụng tưới phun sương mà xã Phổ An (Đức Phổ) biến vùng cát trắng thành nơi trồng đậu phụng cho thu nhập cao.

P.V: Ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM năm 2018?

Ông Nguyễn Phúc Long: Căn cứ kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện đối với 19 xã và 1 huyện theo kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới ngay từ đầu năm 2018.

Theo đó, ngoài xã Phổ Ninh chuyển từ năm 2017 sang, năm 2018 tập trung chỉ đạo đạt chuẩn đối với 2 xã của huyện Tư Nghĩa (năm 2019 chuyển sang) là Nghĩa Thọ, Nghĩa Thắng và 16 xã kế hoạch đạt chuẩn năm 2018 là Bình Long, Bình Mỹ, Bình Phú (Bình Sơn); Tịnh Trà, Tịnh Sơn (Sơn Tịnh); Nghĩa Trung, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa); Đức Hiệp, Đức Phú (Mộ Đức); Phổ Văn (Đức Phổ); Tịnh Kỳ, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi); Ba Động, Trà Bình, An Hải và huyện Tư Nghĩa.

Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, các nguồn khác cần tập trung ưu tiên hỗ trợ các xã trên để hoàn thiện hạ tầng thiết yếu đạt chuẩn NTM theo quy định. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Trong năm 2018 sẽ xây dựng 3 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở xã Nghĩa Lâm, Bình Dương và Hành Minh. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và cải thiện đời sống dân cư, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiệm vụ của UBND các huyện, thành phố là tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng NTM. Đồng thời, nâng cao vai trò của mặt trận và các hội đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình xây dựng NTM đối với từng cán bộ và người dân, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và cộng đồng.


THANH TOÀN (thực  hiện)

 


.