Công chức cần nhận thức đúng trách nhiệm chấp hành pháp luật

06:12, 27/12/2017
.

Ông Lữ Ngọc Bình.
Ông Lữ Ngọc Bình.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình giải quyết công việc theo chức trách, thẩm quyền, cán bộ, công chức nên xem các văn bản tham vấn của các cơ quan chuyên môn cấp trên, góp ý của cơ quan ngang cấp chỉ có giá trị nghiên cứu, tham khảo để áp dụng pháp luật ra quyết định cho đúng, bởi đó không phải là bằng chứng pháp lý cho quyết định của mình khi có tranh chấp trước Tòa án. Đó là nội dung trao đổi giữa Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình và PV. Báo Quảng Ngãi.
 
PV: Xin ông cho biết, thế nào được gọi là văn bản quy phạm pháp luật?
 
Ông LỮ NGỌC BÌNH: Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này. Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật” (Điều 2). Tại Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã nêu rõ đâu là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

 Chấp hành pháp luật được hiểu là nhận lấy trách nhiệm để thực hành những điều mà pháp luật quy định. Chấp hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ do pháp luật quy định cho mình bằng hành động tích cực. Thế nhưng, thực tế vẫn có cán bộ, công chức trong hoạt động không dựa vào pháp luật, không coi pháp luật là cơ sở pháp lý hoạt động của mình, mà chỉ dựa vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên, mong muốn được sự bảo trợ của chính quyền cấp trên, coi trọng “công văn” chỉ đạo của cấp trên cao hơn pháp luật; coi “công văn” của cấp trên là pháp luật, là lá bùa hộ mệnh, làm theo đó thì không phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực chất đó là việc sai lầm trong nhận thức.

PV: Nếu “công văn” chỉ đạo không đúng pháp luật, thì người phải thực hiện cần lưu ý gì, thưa ông?

Ông LỮ NGỌC BÌNH: Cần phải biết rằng, nếu công chức cứ làm theo mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên, thì không tránh khỏi được trách nhiệm pháp lý. Bởi vì, trong Nghị định 157/2007/NĐ-CP, ngày 27.10.2007 của Chính phủ quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ công vụ, tại điểm d, khoản 1, Điều 13 đã nêu rõ: “Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên, khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành, phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó”.

 Quy định đó cũng được thể hiện trong khoản 5, Điều 9 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, xác định trách nhiệm của công chức: “Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành, nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

PV: Vậy khi đã có “công văn” chỉ đạo của cấp trên mà cán bộ, công chức có liên quan không thực hiện, thực hiện khác có được không và phải chịu trách nhiệm thế nào?

Ông LỮ NGỌC BÌNH: Xem xét vấn đề này phải làm rõ các tình huống như sau. Thứ nhất, nếu “công văn” đó là một quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của cấp ban hành, thì trường hợp nội dung quyết định trong “công văn” là đúng pháp luật, đúng với tình hình thực tiễn, mà người có trách nhiệm tổ chức thi hành không thi hành, hoặc thi hành mà không kịp thời, đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm, vì không làm theo pháp luật và không tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, tức là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm trước cấp trên. Trường hợp phát hiện nội dung quyết định thể hiện trong “công văn” không đúng pháp luật, thì cán bộ, công chức cấp dưới phải hành động đầy đủ theo đúng quy định của khoản  5, Điều 9 Luật Cán bộ, công chức thì mới được miễn trừ trách nhiệm khi thi hành.

 Thứ hai, nếu  nội dung “công văn” đó chỉ là định hướng, trao đổi cho cấp dưới xem xét, quyết định theo thẩm quyền (không phải là một quyết định hành chính theo thẩm quyền của cấp trên) thì trường hợp nội dung trong “công văn” là đúng pháp luật, đúng với tình hình thực tiễn mà người có trách nhiệm, thẩm quyền ra quyết định không tuân theo, tuân theo mà không kịp thời, đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm, vì không làm theo pháp luật và không tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, tức là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm trước cấp trên.

Còn trường hợp nội dung thể hiện trong “công văn” không đúng pháp luật thì cán bộ, công chức cấp dưới có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, hoàn toàn có quyền căn cứ theo pháp luật để quyết định theo thẩm quyền. Cấp trên không có căn cứ truy buộc trách nhiệm pháp lý đối với cấp dưới làm theo thẩm quyền. Nếu cấp dưới lấy căn cứ “công văn” đó để  ra quyết định, thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà cấp ra “công văn” không chịu thay.


 PV: Xin cảm ơn ông!


 NG.TRIỀU (thực hiện)

 


.