Tăng cường quản lý địa bàn biên giới biển

02:10, 19/10/2017
.

Đại tá Đoàn Thanh Long
Đại tá Đoàn Thanh Long

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị định 71/2015/NĐ-CP, ngày 3.9.2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển (KVBGB), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổ chức cắm biển báo KVBGB.

Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đại tá Đoàn Thanh Long về công tác này.

PV: Xin ông cho biết, công tác cắm biển báo trên KVBGB ở tỉnh ta được thực hiện đến thời điểm này?

Đại tá Đoàn Thanh Long: Nghị định 71/CP có hiệu lực từ 20.10.2015, thay thế cho Nghị định 616/2003/NĐ-CP ngày 18.12.2003 của Chính phủ về Quy chế KVBGB. Theo quy định trên, Quảng Ngãi có 25 xã thuộc 5 huyện, thành phố ven biển nằm trong KVBGB. Hiện nay, BĐBP tỉnh đang triển khai thực hiện cắm biển báo. Theo kế hoạch, trong tháng 10 này, sẽ hoàn thành việc cắm biển báo. Sẽ có 54 biển báo được cắm tại các trục đường giao thông trên địa giới hành chính xã biên giới biển.

Theo Nghị định 71/CP, biên giới biển được tính từ đường biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo. Việc thực hiện cắm biển báo, nhằm giúp chính quyền địa phương, các sở, ngành và lực lượng vũ trang phối hợp với BĐBP thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo phân cấp; xây dựng KVBGB tỉnh Quảng Ngãi ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh, vững mạnh về kinh tế.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cắm biển báo tại KVBGB xã Bình Trị (Bình Sơn).                                               Ảnh: Quang Thắng
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cắm biển báo tại KVBGB xã Bình Trị (Bình Sơn). Ảnh: Quang Thắng


PV: Quy định của KVBGB có những nội dung gì cần lưu ý, thưa ông?

Đại tá Đoàn Thanh Long: Việc cắm biển báo là để cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan quản lý nhà nước nhận biết, để chấp hành các quy định của pháp luật khi vào KVBGB. Theo đó, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vào KVBGB phải có những giấy tờ liên quan theo quy định và phải trình báo, thông báo cho công an, BĐBP biết.

Với công dân Việt Nam (trừ công dân có hộ khẩu thường trú trong KVBGB) vào KVBGB phải có một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy chứng minh sĩ quan, giấy chứng minh quân đội, giấy chứng minh công an nhân dân (đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân); nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại công an cấp xã sở tại. Người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong KVBGB phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng; máy trưởng, thuyền viên phải có bằng hoặc phải có chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên và giấy chứng nhận bảo hiểm thuyền viên theo quy định pháp luật. Người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong KVBGB phải có biển số đăng ký và mang theo các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá (đối với tàu cá có tổng công suất dưới 20CV); giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền hoặc giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu thuyền theo quy định...

Phương tiện đường bộ vào KVBGB (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường từ 10 ngày trở lên, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng hoặc chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải thông báo bằng văn bản cho đồn biên phòng sở tại biết về số lượng người, phương tiện, biển kiểm soát, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động...

PV: Nhiệm vụ của BĐBP khi thực hiện cắm biển báo trên địa bàn KVBGB của tỉnh thời gian đến như thế nào, thưa ông?

Đại tá Đoàn Thanh Long: Theo quy định, BĐBP có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với lực lượng công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong quản lý người nước ngoài học tập, làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKT trong KVBGB, hoặc có một phần địa giới hành chính nằm trong KVBGB. Đồng thời, tham mưu cho UBND các cấp ven biển về xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, biện pháp tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền.

Tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ; bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển. Tổ chức các trạm kiểm soát cố định, lưu động để kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong KVBGB; tiến hành giám sát biên phòng đối với tàu thuyền trong KVBGB theo quy định pháp luật...


 XUÂN THIÊN (thực hiện)

 


.